, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/06/2021, 10:19

Dấu tích thời Lý trong các tác phẩm điêu khắc

BÁ ANH

Điêu khắc thời Lý vẫn thường được nhắc đến như một dấu ấn quan trọng của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Nhiều tác phẩm điêu khắc thời Lý hiện nay là di sản độc đáo, là bảo vật minh chứng một thời kỳ rực rỡ của nghề điêu khắc.

Tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích.

Di sản điêu khắc Phật giáo

Điêu khắc thời Lý chủ yếu phản ánh đời sống thời đại, vô cùng đa dạng và phong phú về đề tài. Hình tượng con người với thiên nhiên, cây cỏ, muôn thú luôn chứa đựng các giá trị sâu sắc của triết lý phương Đông nói chung và không bỏ qua các hình tượng trong triết lý Phật giáo như hoa sen, hoa cúc. Có thể nói, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo là một đặc trưng quan trọng của điêu khắc thời Lý. Tượng tròn nguyên khối, chạm khắc trang trí phù điêu là những loại hình phổ biến trong điêu khắc Phật giáo thời kỳ này. Đơn cử như tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích (pho tượng cổ nhất ở được xác định niên đại ở Việt Nam) được tạc bằng đá, mô phỏng hình ảnh Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen hình bán cầu dẹp với những cánh hoa sen tạc hình rồng cuốn. Dưới tòa sen là một con sư tử, chân bệ là bốn bậc hình bát giác hợp thành một khối dạng chóp được tạc hình rồng, sóng nước, mây, lửa… Ngoài ra, tượng sư tử ở chùa Hương Lãnh (Văn Lâm, Hưng Yên) dài gần 3m hay tượng đôi sư tử đang được lưu giữ ở đền - chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội), cùng các tượng linh điểu, uyên ương, muôn thú… đều là những minh chứng sinh động cho nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thời Lý.

Hình tượng rồng trong điêu khắc

Nhắc đến điêu khắc thời Lý là nhắc đến hình tượng rồng gắn với cư dân vùng lúa nước. Dựa trên những hiện vật còn lưu lại đến ngày nay, thời Lý xuất hiện khá nhiều hình rồng với các loại trang trí có bố cục tròn, hình cánh sen, hình lá đề, hình chữ nhật. Trong đó, điêu khắc rồng gắn với lá đề vô cùng phổ biến, cũng là minh chứng cho mối quan hệ mật thiết với đời sống Phật giáo của thời đại này. Ngày nay, một số điêu khắc hình tượng rồng còn lưu lại chủ yếu ở các chùa cổ thuộc các trung tâm Phật giáo thời Lý như chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa), chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh (Thanh Hóa)…

Trang trí chim phượng trên lá đề thời Lý.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ triết lý và kỹ thuật của Trung Hoa, nhưng đến thời Lý, nghệ thuật điêu khắc của người Việt đã có những đường hướng riêng. Đặc điểm chung của điêu khắc thời Lý là đơn giản, chân thực và dần trở nên sống động hơn khi kế thừa các giá trị truyền thống của người Việt cùng với sự tiếp thu thêm nhiều đề tài, kỹ thuật từ nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa, Ấn Độ.

Điêu khắc rồng trên lá đề thời Lý.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất