, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 22/04/2021, 09:59

Đầu tư kết nối doanh nghiệp trên nền tảng số hóa: Hướng đi mới của nhiều ngân hàng

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Từ năm 2018, VietinBank đã hợp tác với một công ty Fintech Opportunity Network (ON) để cung ứng dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa, mang tới cho khách hàng cơ hội thúc đẩy phát triển kinh doanh thông qua việc tham gia nền tảng này.

Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thế giới

Hiện nay, có thể xem VietinBank là ngân hàng tiên phong trong khu vực Đông Nam Á giới thiệu cho khách hàng phương thức tiếp cận tới nền tảng của ON, một nền tảng đặc biệt hữu ích đối với DN nhỏ và vừa khi mạng lưới đối tác khách hàng của phân khúc này chưa đa dạng, DN phải bỏ nhiều chi phí, nhân lực để tìm kiếm các đối tác uy tín.

Với việc kết nối trên nền tảng số hóa, các DN có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh đa dạng như mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, DN còn có thể tìm kiếm đối tác chiến lược kêu gọi tham gia vốn, nhận chuyển giao công nghệ và con người; mua bán sáp nhập (M&A); hợp tác liên doanh; tìm kiếm các cơ hội về đầu tư cải tiến trang thiết bị; từ đó, mở rộng hoạt động ở các thị trường mới, tăng cường hợp tác thương mại xuyên biên giới, tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, huy động vốn, phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế.

Theo người đại diện VietinBank, khi DN Việt tham gia vào mạng lưới ON sẽ được ngân hàng tạo lập hồ sơ, hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm đối tác giao dịch thương mại quốc tế, mua bán hàng hóa dịch vụ, huy động vốn và mở rộng thị trường. Sau gần hai năm triển khai mạng kết nối ON, hiện VietinBank đã xây dựng được hồ sơ của khoảng 28.000 DN đến từ hơn 120 quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, bao gồm: công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế và bán buôn bán lẻ…

Hầu hết các DN tham gia nền tảng ON đều được ghi nhận và xem xét chặt chẽ bởi hơn 75 tổ chức tài chính chuyên nghiệp như: UBS, ABN Amro, Credit Suisse, YPO… “Vì vậy khả năng kết nối, mở rộng thị trường cho các DN Việt là rất cao và đảm bảo có thể tìm kiếm được các đối tác uy tín trên các thị trường nước ngoài”, vị đại diện VietinBank cho biết.

Nối tiếp thành công của VietinBank, trong năm 2020, một số NHTM trong nước cũng đã đẩy mạnh hơn hoạt động hợp tác xây dựng kho dữ liệu kết nối, tìm kiếm đối tác thương mại cho cộng đồng DN. Chẳng hạn, SHB thời gian vừa qua đã hợp tác với Tập đoàn T&T của Mỹ và Tập đoàn thương mại điện tử Amazon để hình thành mạng lưới kết nối hàng trăm nghìn DN ở các lĩnh vực ngành nghề. Thông qua việc kết nối này, SHB cũng cung cấp gói tín dụng 3.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các DN xuất khẩu, bán hàng trực tuyến xuyên biên giới thông qua Amazon và hỗ trợ thanh toán qua cổng Payoneer.

Trong xu hướng đó, mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn để tạo lập “Gian hàng Quốc gia Việt”. Hàng loạt NHTM và các ví điện tử trong nước như MB, LienVietPostBank, TPBank, ViettelPay, MoMo, ZaloPay… cũng đã hợp tác hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, tài trợ vốn và hỗ trợ thanh toán cho các DN. Theo thống kê sơ bộ của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), hiện đã có khoảng 100.000 lượt DN trong và ngoài nước tham gia vào hệ thống gian hàng trực tuyến. Các NHTM và các trung gian thanh toán ngoài việc hỗ trợ thanh toán và tài trợ vốn hiện cũng đã bắt đầu xây dựng những gói sản phẩm dịch vụ kết nối DN theo từng ngành nghề riêng biệt và hợp tác tạo lập mạng lưới kết nối đối tác phục vụ xuất khẩu trực tuyến qua các trang như Alibaba, Amazon.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc mở rộng xây dựng những mạng lưới kết nối DN trên nền tảng số hóa toàn cầu trong các năm tới sẽ là xu hướng chủ đạo thu hút nhiều NHTM và các trung gian thanh toán tham gia. Bởi hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam đang gia tăng ở mức rất cao (trung bình 38% vào các năm 2019-2020). Trong đó, kinh tế nền tảng dựa trên tổng hợp và chia sẻ dữ liệu có vai trò quan trọng để gia tăng năng suất lao động và tối ưu hóa lợi nhuận. Các NHTM và các trung gian thanh toán cũng luôn phải lấy độ mở rộng của cơ sở dữ liệu để làm lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế trên thị trường cho thấy, ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế Việt Nam hiện nay, những mô hình kết nối - chia sẻ dữ liệu đối tác đều đang được hình thành ngày càng nhiều. Trong lĩnh vực bán lẻ, những tên tuổi như: Tiki, Adayroi, Vatgia… nhiều năm qua đang lớn mạnh, sở hữu dữ liệu, kết nối hàng triệu khách hàng và nhà cung cấp. Trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế… các nền tảng kết nối khách hàng như Tubudd, Asia Platform, Hocmai, Edumall, Vicare… cũng đang khá phát triển.

Riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, những năm vừa qua, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, hàng loạt các NHTM như MB, VietinBank, BIDV, OCB, VIB, TPBank, VPBank… đều đã “trình làng” các ứng dụng cho phép DN tải về để sử dụng như một phần của hệ thống quản trị tài chính theo đặc thù của từng đơn vị. Các ứng dụng kết nối DN như MB App Business & eMB new, OCB Omni, Virtual Account của VIB… hiện nay đều đã giúp các ngân hàng “đào” sâu hỗ trợ các DN trong việc quản trị vốn và giao dịch với các đối tác.

Vì thế, các chuyên gia ngân hàng cho rằng trong một vài năm tới, khi hệ thống NHTM hoàn thiện dần giai đoạn 2 trong chiến lược mở rộng các kênh giao tiếp, tiếp cận khách hàng trên không gian số, các ngân hàng sẽ tích hợp được các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái, cho phép khách hàng thực hiện nhiều loại giao dịch trên cùng một ứng dụng.

Khi đó, các NHTM sẽ chuyển sang giai đoạn 3 của chiến lược số hóa là đầu tư sâu hơn cho các nền tảng dữ liệu, bao gồm: xây dựng kho dữ liệu lớn, phân loại và kết nối khách hàng dựa trên phân tích hành vi; tích hợp các tính năng công nghệ tài chính nhúng vào các ứng dụng dữ liệu dùng chung.

Có thể thấy, đến thời điểm này các ngân hàng đang gia tăng hợp tác với các mô hình kinh tế chia sẻ và các nền tảng dữ liệu lớn trên không gian mạng không giới hạn. Việc kết nối, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm đối tác thương mại cả trong và ngoài nước đang được nhiều ngân hàng xem là lợi thế để cạnh tranh mở rộng thị phần và giữ chân DN.

Tags

Bình luận


user-avt

Trần Huy Hòa

10:10, 13/10/2021

Bài viết của tác giả rất hay về sự liên kết của doanh nghiệp trên nền tảng số. Ngân hàng nên đẩy mạnh số hóa trên nền tảng Chính phủ số để người dân nhẹ gánh thủ tục hành chính. TC NTV nên sử dụng nhiều bài viết tốt như vậy để bạn đọc tham khảo..

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất