, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/03/2023, 06:35

Đây là thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2022

LÊ KIÊN
(theo Reuters, CNA)
Theo một cuộc khảo sát toàn cầu hàng năm của nhà sản xuất máy lọc không khí hàng đầu Thụy Sĩ, thành phố Lahore ở Pakistan đã tăng hơn 10 bậc và trở thành thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới năm 2022.
Cộng hòa Chad ở miền trung châu Phi trở thành quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới. (Ảnh: Reuters/Zohra Bensemra)

Báo cáo do Công ty công nghệ chất lượng không khí Thụy Sĩ (IQAir) công bố hôm 14/3 cho biết, năm ngoái Cộng hòa Chad ở miền trung châu Phi đã thay thế Bangladesh trở thành quốc gia có không khí ô nhiễm nhất.

QAir đo chất lượng không khí dựa trên nồng độ của các hạt mịn trong không trung gây hại cho phổi (được gọi là PM2.5). Khảo sát hàng năm của QAir đã được trích dẫn một cách rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu và các tổ chức chính phủ.

Các phương tiện di chuyển trong làn sương khói dày đặc ở thành phố Lahore, Pakistan ngày 24/11/2021. (Ảnh tư liệu: Reuters/Mohsin Raza)

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ PM2.5 tối đa cho phép là 5 microgam/m3.

Chất lượng không khí của thành phố Lahore, Pakistan trở nên ngày càng tồi tệ, từ mức 86,5 microgam PM2,5/m3 năm 2021 tăng lên 97,4 microgam PM2,5/m3 năm 2022, khiến thành phố này trở thành thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.

Hotan là thành phố duy nhất của Trung Quốc nằm trong top 20 và đứng sau thành phố Lahore với mức 94,3 microgam PM2.5/m3 năm 2022, chỉ số này đã giảm nhiều so với mức 101,5 microgam PM2.5/m3 năm 2021.

Hai thành phố tiếp theo trong bảng xếp hạng thuộc về Ấn Độ bao gồm thị trấn Bhiwadi, thuộc ngoại ô thành phố Delhi có mức độ ô nhiễm là 92,7 microgam PM2.5/m3, tiếp theo đó là thành phố Delhi với 92,6 microgam PM2.5/m3.

Những người dân ở thành phố Lahore, Pakistan mưu sinh trong điều kiện khói bụi dày đặc, chất lượng không khí thấp. (Ảnh tư liệu: Reuters/Mohsin Raza)

Trong khi Cộng hòa Chad có mức trung bình là 89,7 microgam PM2.5/m3 thì Iraq - nơi có không khí ô nhiễm thứ 2 ở cấp độ quốc gia với trung bình là 80,1 microgam PM2.5/m3.

Pakistan, quốc gia có 2 trong số 5 thành phố có không khí tồi tệ nhất vào năm 2022 xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng toàn quốc với 70,9 microgam PM2.5/m3, tiếp theo là Bahrain với 66,6 microgam PM2.5/m3.

Chất lượng không khí của Bangladesh được cải thiện từ năm 2021, khi nước này được coi là quốc gia có không khí tồi tệ nhất. Trong báo cáo mới nhất, Bangladesh được xếp hạng thứ 5 với mức PM2,5 giảm từ 65,8 xuống 76,9 microgam/m3.

Mặc dù Ấn Độ có một số thành phố ô nhiễm nhất thế giới, tuy nhiên Ấn Độ lại được xếp thứ 8 theo báo cáo mới nhất, với mức 53,3 microgam PM2.5/m3.

Báo cáo cũng cho biết, Ấn Độ và Pakistan có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở khu vực Trung và Nam Á - nơi có gần 60% dân số sống ở những khu vực có PM2.5 cao hơn ít nhất 7 lần so với mức khuyến nghị của WHO đưa ra.

Lãnh thổ Guam ở Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có không khí sạch hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với nồng độ PM2.5 là 1,3 microgam/m3, trong khi Canberra cũng có một thành phố có chất lượng không khí sạch với 2,8 microgam PM2.5/m3

Các chỉ số trên được thống kê bằng cách sử dụng dữ liệu từ hơn 30.000 máy theo dõi chất lượng không khí tại hơn 7.300 địa điểm ở 131 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất