, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 23/11/2020, 09:26

Đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"

Theo DIỆP QUỲNH (baolamdong.vn)

Chiều 20/11, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban quản lý thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2017 - 2020 và dự thảo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021- 2025. Các thành viên ban quản lý và đại diện các sở ngành liên quan cùng tham dự.

 

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Sở Công thương Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp thực hiện kế hoạch phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” bảo hộ thành công và đã trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam với 4 nhóm sản phẩm là: Rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông.

Nhãn hiệu này cũng đã được các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh truyền thông quảng bá trên tất cả các phương tiên thông tin đại chúng và các sự kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động tuyên truyền giúp người tiêu dùng ghi nhớ và nhận biết, tin tưởng sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Từ đó, các sản phẩm nông sản đăng ký sử dụng nhãn hiệu cũng đã tăng 20% giá trị kinh tế và hiện có gần 400 doanh nghiệp, hộ cá thể đăng ký sử dụng nhãn hiệu.

Ngoài ra, các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cũng đã được kết nối quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc quảng bá thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cũng còn những hạn chế như: Công tác truyền thông chưa thực sự sâu rộng, kinh phí phục vụ công tác quảng bá còn thấp, sự phối hợp giữa các cấp ngành, địa phương chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu rau hoa Đà Lạt khi chuyển tiếp sang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” còn lúng túng. Mô hình du lịch canh nông đã phát triển rất tốt nhưng lại còn vướng nhiều hạn chế trong lĩnh vực pháp lý nên có dấu hiệu chững lại, tiến độ giải ngân vốn còn chậm so với kế hoạch đề ra…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với 3 mục tiêu chính gồm: Phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam; bảo hộ và tập trung quảng bá, phát triển thương hiệu ra nước ngoài, nhấn mạnh ba thị trường quan trọng gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đẩy mạnh hoạt động gắn logo nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” lên sản phẩm và tổ chức truyền thông, quảng bá đi kèm với sản phẩm mang thương hiệu để gây ấn tượng đối với người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, thông qua đó tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng xã hội về thương hiệu, tạo hiệu ứng cộng hưởng truyền thông rộng lớn trong hệ sinh thái nông nghiệp và du lịch. Lâm Đồng tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm mang thương hiệu, tạo sự vượt trội về chất lượng, lợi ích mà sản phẩm mang lại cho khách hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm và thu nhập của người sản xuất. Kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ thường xuyên đối với sản phẩm mang thương hiệu, nhấn mạnh sự an toàn và uy tín khi sử dụng sản phẩm.

 Rau hoa là hai nông sản đặc trưng của Đà Lạt.
Rau hoa là hai nông sản đặc trưng của Đà Lạt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý thương hiệu đánh giá cao về kết quả thực hiện thực hiện kế hoạch quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” mà các cấp ngành đã cùng chung tay xây dựng và phát triển đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng nên một thương hiệu có chiều sâu về ý nghĩa cũng như chất lượng các sản phẩm nông sản của Đà Lạt, Lâm Đồng.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 thì các cấp ngành cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trong giai đoạn 2017 - 2020. Đó là: Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông đa phương tiện, nhất là việc thúc đẩy quảng bá trên các chuyến bay. Các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc tháo gỡ khăn vướng mắc trong quá trình phát triển du lịch canh nông khi quy định về đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi một phần diện tích sang mục đích khác để xây dựng các công trình phụ, nhà trưng bày.

Các ngành công thương, tài chính cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho từng năm và tăng nguồn kinh phí quảng bá cho các địa phương; đồng thời, tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” theo hướng bền vững, tránh tình trạng xây dựng xong thì lơ là, không tuân thủ theo các quy định đã xây dựng.

Theo DIỆP QUỲNH (baolamdong.vn)

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất