, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 04/03/2021, 08:29

Dạy nghề cho nông dân, tưởng dễ mà khó

TĂNG MINH LỘC - Phó Chủ tịch Hội Khoa học PTNT VN

Năng suất lao động của nông dân Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 1/3 nông dân Trung Quốc, Thái Lan và bằng khoảng 1/20 so với nông dân Mỹ.

Thực hành lớp đào tạo nghề cho nông dân.
Thực hành lớp đào tạo nghề cho nông dân.

Nông dân có giỏi, nông nghiệp mới phát triển

Thế giới đã chứng kiến những nước có nền nông nghiệp hiện đại đều là những nước mà nông dân có trình độ rất cao. Israel là nước có diện tích đất nông nghiệp rất nhỏ hẹp, phần lớn lại bị ảnh hưởng bởi khí hậu bán sa mạc, rất nóng và thiếu nước nhưng nông sản của họ xuất đi khắp thế giới, trụ được lâu dài ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Ngoài yếu tố luôn áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất thì quan trọng nhất, nông dân của họ đều ở trình độ cao đẳng nghề trở lên, rất thông thạo các quy trình kỹ thuật canh tác chế biến những sản phẩm mà họ làm.

Nông dân Pháp, Hà Lan ở các nông trại nho, hoa, bò… cũng đều thông thuộc quy trình sản xuất với công nghệ mới, còn các chủ trang trại thì rất rành rẽ thị trường nông sản trong nước và quốc tế có liên quan. Chính vì thế mà sản xuất nông nghiệp của họ tránh được nhiều rủi ro và có thu nhập rất cao.

Ở nước ta, hầu hết các chủ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các chủ trang trại… đều tích cực học hỏi, tìm tòi để tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhưng bộ phận lao động làm thuê - những người trực tiếp thực hiện quy trình sản xuất - thì trình độ rất thấp, ý thức kỷ luật cũng thấp nên có nhiều bất cập. Đại bộ phận nông dân ở các nông hộ vẫn sản xuất theo truyền thống cũ, ít chịu nghiên cứu học tập đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến nên chất lượng nông sản làm ra thấp, vì thế mà khó nâng cao thu nhập.

Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp đến 2030, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách; trong đó, chiến lược dạy nghề nông cho nông dân để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn được coi là yếu tố quyết định cho sự thành công của NTM.

10 năm qua, có 2,84 triệu nông dân đã được đào tạo, góp phần quan trọng vào thành tựu nông nghiệp nước ta. Ấn tượng nhất là so với năm 2010, đến 2019, năng suất lao động nông nghiệp nước ta đã tăng 1,9 lần.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nông dân qua đào tạo như trên chỉ mới đạt 23,9%, trong đó, 97% là sơ cấp và bồi dưỡng dưới 3 tháng; trình độ cao đẳng trở lên mới đạt 0,87%, trung cấp mới đạt 2,1%. Đáng lưu ý là số đào tạo cao đẳng và trung cấp này khi trở về cơ sở thì phần đông làm quản lý chứ không trực tiếp sản xuất.

Dạy nghề nông, còn nhiều bất cập

Sau 10 năm, chúng ta đã có thể nhận diện rõ một số mặt yếu nổi bật. Trong đó, đáng kể nhất chính là tư duy dạy nghề còn nặng chạy theo số lượng, chưa thực sự coi trọng chất lượng. Thực tế sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay ở nước ta chỉ có thể phát triển mạnh ở khối doanh nghiệp, HTX, trang trại và những nông dân trẻ khởi nghiệp, thế nhưng việc dạy nghề cho nhóm này chưa hề được quan tâm. Công tác đào tạo còn rất dàn trải để chạy số lượng. Nhiều lớp học chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi trên 40. Những người này ít động lực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thời gian đào tạo ngắn, khả năng tiếp thu hạn chế nên hiệu quả đào tạo thấp.

Tài liệu, giáo trình còn lạc hậu là điểm yếu thứ hai. Chúng ta đã xây dựng được 140 khung chương trình, giáo trình và 32 bộ kỹ năng nghề nhưng theo các chuyên gia, đó vẫn chủ yếu phục vụ cho những nghề truyền thống với quy trình, công nghệ chưa tiên tiến, thậm chí quá lạc hậu; cơ cấu chương trình quá nặng phần lý thuyết nên kém hấp dẫn vì thiếu thực tế. Việc cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới thích ứng với chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở các vùng còn chậm. Thiết bị dạy thực hành cũng hạn chế và lạc hậu, chậm được đầu tư xứng tầm. Chúng ta có hàng trăm ngàn cơ sở dạy nghề nhưng dạy “chay”, dạy lý thuyết là chính, vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, kém hấp dẫn với nông dân. Bên cạnh đó là đội ngũ giáo viên dạy nghề phần đông là thiếu kỹ năng thực hành, yếu kỹ năng sư phạm. Chất lượng đội ngũ dạy nghề đang là một điểm nghẽn không nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Theo các chính sách hiện hành, chúng ta đã tự loại bỏ hoặc không thu hút được các chuyên gia, các nghệ nhân cao tuổi tham gia dạy nghề, truyền nghề. Chưa có cơ chế hợp lý để hấp dẫn các doanh nghiệp, HTX, trang trại, nông hộ có mô hình sản xuất, chế biến đang có hiệu quả tham gia vào dạy nghề như: nhận hướng dẫn kiến tập, dạy thực hành…

Một bất cập khác, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có bộ quy chuẩn giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo dẫn đến tình trạng “đánh giá chay”, không thực chất khiến hiệu quả của việc dạy và học nghề nông không thể kiểm soát được.

Trong khi đó, vốn đầu tư cho việc dạy nghề nông có xu hướng co hẹp do từ 2016, nguồn vốn này do ngân sách Trung ương hỗ trợ nằm trong tổng vốn xây dựng NTM giao về cho các tỉnh, TP tự phân bổ. Không có quy định cụ thể về tỷ lệ, không có dòng tiền riêng nên nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí rất ít cho công tác dạy nghề này, từ đó, khiến những khó khăn trong việc dạy và học càng trở nên khó giải quyết. Chưa kể sau khi học nghề xong, học viên có nhu cầu mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ mới lại rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư nên càng làm việc dạy và học trở nên… vô ích!

Đào tạo nghề nông cho nông dân: ít mà tinh!

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp là yếu tố sống còn để nông nghiệp và nông thôn Việt Nam phát triển. Muốn vậy, phải có các chính sách và giải pháp mạnh mẽ hơn để hoạt động dạy nghề nông cho nông dân thực sự hiệu quả. Cụ thể:

1. Ưu tiên đầu tư dạy nghề cho nhóm lao động tham gia sản xuất nguyên liệu cho doanh nghiệp nông nghiệp, các HTX nông nghiệp và trang trại, các thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp từ nông nghiệp, những nông dân thực sự có nhu cầu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến và tự nguyện đăng ký học nghề. Nên mạnh mẽ đổi mới tư duy theo phương châm “thà ít mà tốt” chứ không nên chạy theo số lượng nhằm đầu tư đúng nơi, đúng chỗ các nguồn lực không chỉ của ngân sách mà còn của xã hội.

2. Cập nhật nhanh và đầy đủ những tiến bộ kỹ thuật mới, những ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn các vùng sản xuất của nước ta (ưu tiên cho 3 nhóm sản phẩm: nông sản chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhóm sản phẩm OCOP và một số nghề, cây, con ở các địa phương đang có giá trị gia tăng cao và có tương lai mở rộng thị trường) vào giáo trình giảng dạy.

3. Xây dựng bộ tiêu chuẩn giáo viên dạy nghề nông để tập hợp giảng viên và hàng năm phải bổ túc kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm cho đội ngũ này. Tìm kiếm, tuyển chọn những chuyên gia, nghệ nhân (có khả năng dạy nghề), cấp chứng chỉ dạy nghề phù hợp cho họ và có chính sách thu hút họ tham gia dạy nghề, truyền nghề. Chú trọng đặc biệt đến phương pháp dạy nghề theo hướng “thực hành tại đồng ruộng” là chính. Trong điều kiện hiện nay, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp, cán bộ các hợp tác xã, chủ trang trại, chủ nông hộ đang làm ăn có hiệu quả tiếp nhận học viên đến thực hành và cùng tham gia hướng dẫn các bài học thực tiễn, coi đó là nội dung bắt buộc trong chương trình của các lớp học nghề nông.

5. Phải có dòng tiền riêng xứng tầm cho dạy nghề nông. Ngoài quy định tỷ lệ cần có trong vốn hỗ trợ NTM từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cần bổ sung thêm từ ngân sách địa phương đầu tư thích hợp cho công tác này.

6. Bộ LĐ - TBXH cần sớm ban hành bộ quy chuẩn đánh giá chất lượng dạy nghề nông cho nông dân, làm căn cứ cho Ban chỉ đạo các tỉnh kiểm tra đánh giá, có giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất