, //, :: GTM+7

ĐBSCL: Nông dân nuôi tôm ngóng... nước mặn

QUỐC BÌNH - TUẤN QUANG
(sggp.org.vn)
Đầu mùa khô là thời điểm bà con nông dân thả tôm giống bắt đầu vụ nuôi mới, nhưng do thiếu nước mặn nên nhiều địa phương ở ĐBSCL đã thả giống trễ so với thời vụ hơn 1 tháng.
Nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi tôm. Ảnh: QUỐC BÌNH

Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi khoảng 110.000ha diện tích trồng lúa sang luân canh tôm - lúa để thích ứng, tập trung ở vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) và một phần diện tích của huyện Gò Quao.

Theo tập quán sản xuất của nông dân vùng U Minh Thượng, sau khi thu hoạch lúa trên nền đất tôm, qua Tết Nguyên đán, nông dân bắt đầu cải tạo ao vuông, thả tôm giống nhưng do có mưa trái mùa, độ mặn tại các kênh nội đồng chỉ ở mức 1-2‰ nên thả giống trễ lịch thời vụ.

Tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, nông dân cũng thả tôm giống trễ, hiện chỉ khoảng 30%-50% diện tích nuôi tôm được thả con giống, hầu hết nông dân đều phải xử lý nước lại sau khi bơm vào ao nuôi.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 50% diện tích tôm thả nuôi so với cùng kỳ (chủ yếu là tôm thẻ). Nguyên nhân chính là do vụ tôm vào cuối năm 2022 xuất hiện nhiều dịch bệnh, người dân chỉ thả cầm chừng để cắt đứt mầm bệnh lưu tồn từ vụ nuôi trước. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân là do diễn biến thời tiết bất thường khiến người dân thận trọng”.

Hiện bà con nông dân nôn nóng thả tôm giống nhưng vẫn lo ngại độ mặn vẫn chưa đạt yêu cầu. Không chỉ độ mặn thấp, so với cùng kỳ năm 2022, năm nay nước mặn xâm nhập vô nội đồng cũng trễ hơn từ 15-20 ngày. Hiện tại, độ mặn đo được tại cửa sông Cái Lớn ở mức xấp xỉ 3‰, tăng 1‰ so với cách đây 10 ngày, thấp hơn cùng kỳ 7,1‰; tại các kênh nội đồng, độ mặn đo được ở mức 1-2‰.

Nông dân Nguyễn Văn Ngời (xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, muốn thả tôm giống phải chờ nước mặn lên khoảng 5-7‰ để bơm vào ao, nhưng chờ mãi chưa thấy nước mặn, nước dưới kênh đo độ mặn chỉ 1-2‰ nên nhiều hộ trong xã đánh liều bơm nước vào rồi xử lý, sau đó đợi con nước lớn, độ mặn cao hơn sẽ tiếp tục bơm bổ sung.

“Thời điểm thả tôm giống căn cứ theo thời tiết thủy văn hàng năm, hợp đồng ký kết tiêu thụ với thương lái, doanh nghiệp. Nếu mình thả tôm giống trễ sẽ dẫn tới trễ hợp đồng. Nhẹ thì mất uy tín, nặng là phải bồi thường”, ông Ngời lo lắng.

Trong khi đó, tại các khu vực gần cửa biển, bà con nông dân áp dụng mô hình quảng canh cải tiến, mỗi năm nuôi 3-4 vụ tôm nên nhu cầu nước mặn cấp thiết hơn. Với mô hình này, ao đầm sau khi thu hoạch sẽ phải phơi nắng rồi chờ nước ngoài sông, kênh đủ mặn mới bơm vô ao. Theo nhiều nông dân, tôm thẻ cần độ mặn cao nên để đạt hiệu quả, hạn chế hao hụt, phải chờ nước đủ độ mặn mới thả giống.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân dẫn đến việc nước mặn năm 2023 về trễ, độ mặn thấp là do dòng chảy thượng nguồn đổ về ĐBSCL qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc tăng (cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 27%, cao hơn trung bình nhiều năm 7%). Mặt khác, mưa trái mùa tương đối lớn ở khu vực các huyện Gò Quao, Giồng Riềng làm độ mặn trên sông Cái Lớn, Cái Bé giảm mạnh. Đến nửa đầu tháng 2-2023, độ mặn vẫn ở mức thấp, mặn chưa xâm nhập sâu vào nội đồng.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, trong tháng 3 sẽ có những đợt độ mặn tăng cao đột biến do ảnh hưởng của nước biển dâng, giảm xả của thủy điện thượng nguồn. Mặn sẽ bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng trong thời điểm này, nông dân có thể tranh thủ đón con nước thủy triều lớn để đưa nước vào ao nuôi. Do đó, các địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình dự báo độ mặn, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong sản xuất.

Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị đơn vị quản lý hệ thống cống thủy lợi Cái Bé - Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) vận hành phù hợp với mô hình tôm - lúa của vùng U Minh Thượng. Đối với hệ thống 17 cống dọc tuyến đê biển An Biên, An Minh, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương tiến hành đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ công tác vận hành cống, phục vụ sản xuất tôm - lúa của người dân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất