, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 21/09/2022, 13:30

Để bưởi thanh trà đi xa

QUANG NHẬT
(nld.com.vn)
Dù là trái cây đặc sản địa phương nổi tiếng là vật phẩm "tiến vua" nhưng bưởi thanh trà xứ Huế vẫn chưa tạo ra giá trị xứng tầm.

Bưởi thanh trà là loại quả có múi với hương vị thơm ngon mang dấu ấn của con người và vùng đất xứ Huế. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 740ha trồng bưởi thanh trà tập trung tại vùng bãi bồi ven sông. Dù là trái cây đặc sản địa phương nổi tiếng là vật phẩm "tiến vua" nhưng bưởi thanh trà xứ Huế đang mất dần tiếng tăm trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này.

Cây bản địa giá trị cao

Phường Thủy Biều, TP Huế nằm hướng Tây Nam kinh thành Huế và ngay khúc cua đầu tiên của dòng sông Hương ở bãi bồi Lương Quán khi chảy vào đồng bằng. Chính vì địa hình như vậy nên khu vực Thủy Biều đất đai phì nhiêu, hằng năm được phù sa sông Hương bồi đắp. Đó là điều kiện thổ nhưỡng cực kỳ quan trọng để cây bưởi thanh trà phát triển tươi tốt.

Đến những ngôi làng thuộc phường Thủy Biều như Lương Quán, Đồng Phước, Trung Thượng thời điểm này, đâu đâu cũng gặp người mua kẻ bán tấp nập. Ông Lê Văn Nhân - sở hữu 3.000m2 đất trồng bưởi thanh trà - cho biết mỗi gốc thu hoạch được 2 - 3 triệu đồng. "Năm nay thời tiết quá thuận lợi, mưa nhiều vào tháng 3 và 4 đúng dịp cây sinh trưởng nên trái to, ngọt nước. Đã lâu lắm rồi bưởi thanh trà Thủy Biều lại có vụ thu hoạch trúng mùa như thế này" - ông Nhân hớn hở.

Toàn phường Thủy Biều hiện có hơn 150 ha trồng bưởi thanh trà với 1.000 hộ trồng, trong đó hộ trồng nhiều nhất 0,7ha, còn trung bình 0,1 - 0,15 ha/hộ. Ông Võ Đăng Thái - Chủ tịch UBND phường Thủy Biều - cho biết mùa thu hoạch năm nay sản lượng khoảng 600 tấn, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, tổng thu khoảng 24 - 25 tỉ đồng. Tại Thủy Biều, các hộ trồng với diện tích lớn, vườn cây đẹp có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, năng suất hơn 400 triệu đồng/ha. "Bình quân thu nhập từ bưởi thanh trà khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ thoát nghèo và có cơ ngơi khấm khá nhờ canh tác loại cây ăn quả này" - ông Thái khẳng định.

Bưởi thanh trà Huế nức tiếng cả nước, giúp hộ trồng cải thiện kinh tế.
Thu hoạch bưởi thanh trà tại phường Thủy Biều, TP Huế.

Hộ ông Trần Văn Cường (phường Thủy Biều) sở hữu trên 100 gốc bưởi thanh trà, mùa thu hoạch năm nay cho quả rất đẹp. Thương hiệu bưởi thanh trà của ông Cường đã được thương lái biết từ lâu, vì vậy cứ đến mùa vụ là họ chỉ cần ở nhà điện thoại hỏi bao giờ thu hoạch chứ không cần tới vườn kiểm tra chất lượng. Mô hình cải tiến sử dụng túi giấy tổng hợp nhằm tránh ánh nắng mặt trời làm bưởi thanh trà bị nám, khô đã được ông áp dụng từ lâu, nay có rất nhiều nơi học tập kinh nghiệm ứng dụng.

Thừa kế kinh nghiệm trồng bưởi thanh trà từ nhiều đời nên đối với ông Hồ Xuân Cước (phường Thủy Biều), xác định trái ngon hay dở là ngay từ khi trái còn trên cây. Ông nhìn vị trí ra quả đã khẳng định được chất lượng của trái bưởi thanh trà. Với ông, những cây bưởi thanh trà cho lứa quả đầu tiên nếu không ngon sẽ bị chặt bỏ ngay để trồng cây mới. "Mình trồng bưởi thanh trà cho chất lượng dở sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi thanh trà Thủy Biều nói riêng, bưởi thanh trà Huế nói chung. Điều đó cũng ảnh hưởng đến giống bưởi thanh trà của địa phương. Vì thương hiệu bưởi thanh trà Huế nên chúng tôi không bao giờ tham bát bỏ mâm" - ông Cước khẳng định.

Còn khó cạnh tranh

Nhãn hiệu bưởi thanh trà Huế được công nhận là 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam. Đây là cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ mà còn là biểu trưng của ẩm thực cố đô Huế.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, chất lượng bưởi thanh trà được sánh ngang với các giống bưởi nổi tiếng như Năm Roi, Phúc Trạch, Đoan Hùng. Tuy nhiên, hạn chế lớn của quả bưởi thanh trà hiện nay trên thị trường là có quá nhiều hạt, trọng lượng quả biến động nhiều, độ đồng đều thấp và hình dạng không bắt mắt.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh giá rằng thị trường tiêu thụ chưa bền vững, giá thành bấp bênh vì còn khép kín, chủ yếu mới chỉ được bán ở dạng tươi cho thương lái; sản phẩm chế biến từ những loại quả này chưa được doanh nghiệp của tỉnh và địa bàn lân cận quan tâm.

Năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bưởi thanh trà đến năm 2025 với kinh phí thực hiện khoảng 9,5 tỉ đồng. Qua đó, mục tiêu đến năm 2020, ổn định diện tích vùng nguyên liệu đạt 942 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 643 ha, năng suất trái đạt 17 - 18 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.900 - 11.500 tấn quả/năm; đến năm 2025, toàn tỉnh có gần 900ha bưởi thanh trà cho thu hoạch.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn thực hiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tập trung nghiên cứu về cây đặc sản bưởi thanh trà như phương pháp nhân giống, đầu tư dự án xây dựng vườn ươm nhân giống cây ăn quả...

Theo ông Lê Văn Anh, để bảo tồn và phát triển bưởi thanh trà, cần xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cùng với đó, đào tạo, tập huấn cho người trồng về kỹ thuật thâm canh bền vững áp dụng công nghệ cao, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để cải tạo, chăm sóc theo hướng VietGAP, phòng trừ sinh vật gây hại.

"Không phát triển diện tích trên các vùng đất không thích ứng với đặc tính sinh trưởng của cây nhằm bảo đảm giá trị nguyên vẹn của loại cây đặc sản này. Ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học một cách đồng bộ từ khâu chọn, tạo giống đến quy trình sản xuất; chú trọng cải tạo, nâng cao chất lượng các vườn cây đã trồng, thiết kế bao bì, nhãn mác, tăng cường quảng bá thương hiệu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm" - ông Anh kiến nghị.

Ông Lê Văn Anh cũng cho rằng cần tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn; khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Mất phù sa vì đập thủy điện

Cây bưởi thanh trà cho năng suất cao và ổn định từ giai đoạn 11-20 năm tuổi.

Theo Chi cục TT-BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi chưa có đập thủy lợi, thủy điện, từ tháng 9 - 12 hằng năm, thường xuất hiện các đợt lũ đã bồi đắp phù sa cho những vùng bãi bồi ven sông. Qua đó, có thể cung cấp cho các vườn bưởi thanh trà hàm lượng mùn ở mức trung bình 1% - 1,5%, đạm tổng số, lân tổng số và các nguyên tố vi lượng ở mức trung bình. "Các hồ đập đã làm thiếu phù sa bồi hằng năm, điều này không chỉ làm giảm chất lượng trái mà còn khiến nhiều vườn bưởi thanh trà bị già hóa" - ông Lê Văn Anh đánh giá.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất