, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 19/10/2021, 06:00

Để công nghiệp hóa nông nghiệp

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Để có một nền nông nghiệp hiện đại, đủ sức cạnh tranh với thế giới thì quan trọng là phải công nghiệp hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, công nghiệp hóa nông nghiệp sẽ rất khó khăn nếu đất đai đang được phân chia manh mún như hiện nay. Sự manh mún này là hệ quả của một loạt chính sách đã từng rất đúng đắn trong quá khứ như khoán hộ, giao đất cho hộ gia đình, giao rừng… Vấn đề chỉ là ta đã xem chúng đúng quá lâu.

Trong thời đại mở cửa và hội nhập, như mọi lĩnh vực khác, nông nghiệp nước ta cũng sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Để cạnh tranh chắc chắn phải đưa khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Điều này chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có thể làm được. Rất tiếc, nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào nông nghiệp đều phải bó tay vì không có đất.

Tích tụ ruộng đất vì vậy là một nhu cầu khách quan nếu chúng ta muốn công nghiệp hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, không thể tích tụ ruộng đất bằng cách thu hồi ruộng đất của các hộ nông dân, cho dù phần lớn các hộ nông dân đã có được quyền sử dụng đất trên cơ sở được Nhà nước giao miễn phí. Ai cũng hiểu quyền sử dụng đất ở ta là gần như tương đương với quyền sở hữu. Về cơ bản, Nhà nước chỉ có thể thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích chung mặc dù được pháp luật cho phép, vẫn gặp phải muôn vàn khó khăn, thách thức trên thực tế. Và trong mọi trường hợp, đất đai vẫn phải được bồi thường theo giá thị trường.

Trong bối cảnh như vậy, tích tụ ruộng đất chỉ có thể xảy ra khi có sự dịch chuyển xã hội: cư dân nông thôn dịch chuyển thành cư dân đô thị và lao động nông nghiệp dịch chuyển thành lao động công nghiệp và dịch vụ.

Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, dân số thành thị của nước ta là trên 33 triệu người, chiếm 34,4% tổng dân số; dân số nông thôn là khoảng 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số. Tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 31,7% (17,09 triệu người); trong khu vực dịch vụ là 36,7% (19,81 triệu người); trong khu vực nông nghiệp là 31,6% (17,05 triệu người).

Số liệu trên cho thấy cư dân sống ở nông thôn và lực lượng lao động làm nông nghiệp của Việt Nam rất lớn. Hệ quả là ruộng đất có quá nhiều ông chủ; lối sống tự túc, tự cấp hạn chế khả năng mở rộng thị trường trong nước cho các sản phẩm nông nghiệp; lực lượng lao động trong nông nghiệp quá lớn cũng hạn chế khả năng cạnh tranh quốc tế (nhiều nước trên thế giới chỉ có 3 - 5% lực lượng lao động làm nông nghiệp).

Giải pháp chính sách cần được đề ra ở đây là phải đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa thời gian qua đã tạo ra một sự chuyển dịch cư dân từ nông thôn ra thành thị. Trong 10 năm (2009 - 2019), yếu tố di cư góp phần làm tăng dân số thành thị lên 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị. Sự dịch chuyển như vậy là quá chậm, chắc chắn cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Để làm được điều này, ngoài việc mở rộng và hình thành các khu đô thị mới, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di cư. Chủ trương xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy được Quốc hội thông qua vừa rồi có lẽ là một cố gắng theo hướng này.

Ngoài ra, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển mạnh kinh tế dịch vụ phải được xem là một giải pháp chính sách quan trọng. Thực ra, công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển kinh tế dịch vụ thường đi liền với nhau. Các khu công nghiệp có thể tạo động lực cho việc hình thành các khu đô thị ở xung quanh. Các khu đô thị mới lại tạo cầu cho kinh tế dịch vụ phát triển (và cả cho nông nghiệp phát triển nữa). Tất cả sẽ tương tác với nhau theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển dân cư từ nông thôn ra thành thị, lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Đây sẽ là điều kiện quan trọng nhất để tích tụ ruộng đất và công nghiệp hóa nông nghiệp.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất