, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/12/2021, 09:28

Để đồng hồ nước sạch ở nông thôn nhảy số

NHƯ UYÊN
WHO – Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào một trong số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn với 31 triệu người đang sử dụng nước chưa đạt quy chuẩn. Đến nay, nỗ lực từ phía các cấp, ngành và địa phương nhằm đưa nước sạch đến với người dân đã có nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, hành trình “nước sạch nông thôn” vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước.
 

Những năm gần đây, việc đầu tư cho nước sạch ở nông thôn rất được quan tâm. Nước sạch là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, và từ khi Chương trình được phát động đến nay đã có hơn 16.500 công trình cấp nước xây dựng chung được hoàn thiện. Tuy tốc độ phát triển nhanh, nhưng giới chuyên môn vẫn đánh giá sự phát triển này thiếu bền vững, bởi hơn 1/3 số công trình chưa phát huy tác dụng hoặc thậm chí rơi vào tình trạng bỏ phế, “đắp chăn”. 

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Tiêu chí nước sạch cho nông thôn” do Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức vào ngày 12/11/2021, ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã lý giải hiện trạng trên là do 3 nguyên nhân chính: hạn chế về mặt tuyên truyền, chính sách chưa thích ứng, và quản lý vận hành chưa phù hợp. Trong đó, ông nhấn mạnh việc quản lý và vận hành các công trình cấp nước có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ sử dụng nước của người dân. Nếu quản lý kém, chất lượng nước không tốt thì người dân sẽ không tin dùng. Trường hợp vận hành kém sẽ dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả kinh tế suy giảm và lãng phí tài nguyên quốc gia. Việc tuyên truyền và giáo dục về nước sạch cũng chưa thành công trong việc khuyến khích người dân sử dụng nước từ các nguồn đạt chuẩn thay thế cho các nguồn nước ngầm không đảm bảo an toàn như nước giếng khoan, nước mưa. 

Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Nước AquaOne cho biết để đảm bảo vận hành trơn tru 24/7, các công trình cấp nước tập trung không chỉ đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật mà còn phải tập trung nguồn vốn lớn vào danh mục tài sản cố định cho nhà máy, trang thiết bị. Vốn đầu tư cao nhưng nguồn thu bấp bênh, nhiều nhà máy nước rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Thói quen sử dụng nước từ các nguồn không phải chi trả chi phí cũng góp phần cản trở sự tiếp nhận nước sạch của người dân ở nông thôn. Thực tế cho thấy, nhiều công trình cấp nước không thể hoàn vốn dù đã chạy hàng chục cây số đường ống đến các hộ dân, nhưng đồng hồ nước vẫn dừng ở con số 0 - bởi người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của nước sạch và tác hại của việc sử dụng nước bẩn. Ngoài ra, một số chính sách vẫn chưa nhất quán, đồng bộ, gây trở ngại cho các chủ đầu tư khi triển khai dự án.

 

 

Ngoài những khó khăn của các địa phương “may mắn” có được một công trình cấp nước xây dựng tập trung, hiện nhiều xã huyện và các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới còn chưa được tiếp cận nước sạch. Riêng ở tỉnh Long An, dù giáp ranh với TP.HCM nhưng một số huyện như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa nước sạch đến với người dân. Không sẵn có nguồn nước đạt tiêu chuẩn, chính quyền địa phương đã phải đầu tư các đường ống nước và trạm trung chuyển để dẫn nước từ các vùng lân cận đến. Riêng các hộ ở vùng sâu vùng xa, tỉnh phải hỗ trợ các máy lọc nước hộ gia đình và bồn chứa để dự trữ nước sạch cho sinh hoạt. Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, việc tỉnh mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa các công trình cấp nước tập trung đã mang lại kết quả khả quan khi có 4 nhà máy nước được xây dựng trên địa bàn tỉnh mà 2 trong số đó đã đi vào hoạt động. Ông cũng hồ hởi cho biết hiện nay tỉ lệ bà con sử dụng nước máy đã đạt 78,94% trên toàn tỉnh, trong đó hơn 99% là nước hợp vệ sinh và 66% là nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Đây là tín hiệu đáng mừng trong hành trình đưa nước sạch về nông thôn ở tỉnh Long An. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác, nước sạch vẫn là một bài toán nan giải. Tại khu vực miền núi phía Bắc, tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 31%. Ở Tây Nguyên, tỉ lệ này còn thấp hơn - chỉ là 26,6%, thấp hơn một nửa so với mặt bằng chung 51% ở cả nước. 56% người dân ở nông thôn đang sử dụng nước từ các công trình cấp nước hộ gia đình vốn có chất lượng không đạt chuẩn và tiềm tàng nhiều rủi ro về sức khoẻ. 

 
 

“Cho đến thời điểm này, việc được sử dụng nước sạch vẫn là một mơ ước với người dân nhiều nơi ở nông thôn”, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt chia sẻ. Đây là trăn trở của các ban ngành, chính quyền các cấp và cũng là niềm mong mỏi từ những người dân lâu nay “khát” nước sạch. 

Song song với những nỗ lực riêng lẻ từ phía địa phương, Bộ NN&PTNT đang xây dựng “Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%. Đến năm 2045, đề án kì vọng sẽ đạt tỉ lệ 100% dân số nông thôn. Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ dành 1.300 tỷ đồng để đầu tư vào các công trình cung cấp nước sạch, bước đầu khắc phục tình trạng nước chưa đạt chuẩn ở các địa phương có đặc trưng hạn hán, ngập mặn hoặc thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất như ĐBSCL và khu vực miền núi phía Bắc. Các nhà đầu tư công trình cấp nước tập trung cũng được kêu gọi xây dựng những chiến lược linh hoạt và đa dạng, đảm bảo không đơn thuần chỉ đưa nước sạch đến với người dân mà còn phải đưa người dân đến với nước sạch. Chủ động tiếp cận từng xã, cụm dân cư để thống kê cụ thể và chuẩn bị đầu nối nhằm đáp ứng việc cung cấp nước ngay khi người dân có nhu cầu chuyển đổi từ nước nguồn sang nước mặt là một trong những biện pháp ứng phó với thị trường sử dụng nước còn dè dặt ở nông thôn mà nhiều nhà đầu tư đang tích cực thực hiện, trong đó có AquaOne.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng làm rõ vai trò của các cơ quan thẩm định chất lượng nước; sớm thống nhất và ban hành một bộ tiêu chuẩn nước sạch, hướng đến nước có chất lượng cao như các nước tiên tiến trên thế giới. Ông cũng đồng tình với các ý kiến về vai trò quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết về nước sạch. Đây cũng là chìa khóa giải quyết những thử thách trong việc lan tỏa thói quen sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn với người dân ở nông thôn, hướng đến một tương lai khi mà nước sạch không còn “là một mơ ước”. 

NHƯ UYÊN

 

Bà Đỗ Thị Vân
Giám đốc Trung tâm thông tin Tổ chức Phi chính phủ

Chúng tôi đi khảo sát ở Hà Nam và thấy, nước sạch được nối đến từng hộ gia đình, nhưng vẫn chưa sử dụng. Chúng tôi hỏi ra thì mới biết là họ nhìn nguồn nước đầu vào và cảm nhận là nó không đạt vệ sinh. Họ vẫn sử dụng chủ yếu là nước mưa. Như vậy, nếu mà nhận thức của người dân không có thì dù có đầu tư vẫn sẽ không sử dụng, nên nhà đầu tư cũng khó mà đầu tư. Trong khi đó, theo báo cáo của Hà Giang, các huyện ở vùng núi, đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ công trình cấp nước, có một số hồ treo, và công trình xuống cấp rất nhiều. Nếu như tỷ lệ các công trình cấp nước như thế thì chúng tôi băn khoăn là làm sao để bảo đảm cấp nước an toàn cho nông thôn.

Mặt khác, chính sách của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ. Nguồn nước đầu vào để đảm bảo cấp nước an toàn là điều đang rất đáng quan ngại, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Khi mà cấp nước tập trung còn gặp khó khăn thì cấp nước hộ nhỏ lẻ, những doanh nghiệp nhỏ sẽ càng khó khăn hơn. Chúng tôi đề nghị cần có chính sách phù hợp để mà tăng cường sự tham gia của tư nhân nhằm đảm bảo việc cấp nước an toàn cho vùng nông thôn.

ThS Nguyễn Ngọc Thiệp
Trường Đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM

Đối với cấp nước nông thôn, điều đáng quan tâm hiện nay là vấn đề chất lượng nước. Đây là vấn đề rất lớn trong kinh doanh và y tế sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó là mô hình tổ chức cấp nước, đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong xin đầu tư các dự án. Khó khăn nhất là ở khâu quản lý môi trường ở địa phương bởi hiện nay ta chỉ mới nghiên cứu tải lượng ô nhiễm ở các nhánh sông lớn trong khi đa số người dân lại khai thác nước để sử dụng từ các nhánh sông nhỏ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa bên cấp nước và môi trường vẫn chưa khắng khít dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng nước. 
Theo tôi, chúng ta cần có những bước phân tích tìm ra nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan một cách rõ ràng và hướng đến các tiếp cận thực tiễn hơn. Tôi cho rằng chủ yếu chúng ta đang rơi vào nguyên nhân chủ quan. Về giải pháp tôi đề nghị chúng ta đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn và cũng phải đặt mục tiêu rõ cho giải pháp thì mới thực hiện được. Cần kiểm tra chặt chẽ chất lượng nước cả về ngoại kiểm lẫn nội kiểm, bởi hiện nay việc này cực lỳ lỏng lẻo, không chính xác, dẫn đến bệnh tật nguy hiểm. Trong việc này hệ thống chính quyền phải thể hiện vai trò chủ chốt của mình.

Ông Trương Kiến Thọ 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang

Ở An Giang có khoảng 175 công trình cấp nước cho đô thị và nông thôn, phần lớn là ở nông thôn. Tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn hiện nay nói chung là tốt. Quan điểm của tôi cho rằng, việc đầu tư cấp nước sạch, vận hành phải là đơn vị sự nghiệp không thể nào là UBND cấp xã. Bởi vì để nhà máy nước có thể đảm bảo được lượng nước và tiêu chuẩn nước thì phải có đội ngũ chuyên nghiệp vận hành, kiểm tra, cũng như bảo dưỡng định kỳ. 
Về vấn đề nhận thức của người dân, theo tôi, người dân biết lợi ích của việc sử dụng nước sạch nhưng vẫn mơ hồ về tác hại của việc sử dụng nước không sạch. Điều đáng lo ngại là hiện nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật. 

Về nguồn vốn đầu tư, theo tôi, sự hợp tác, đối ứng vốn giữa người dân, giữa nguồn ngân sách đầu tư công và nguồn của các công ty đầu tư vào sẽ là một phần quan trọng trong đầu tư đảm bảo cho công trình vận hành bền vững.

NGUYỆT ÁNH ghi

Widget "Chân trang - Nông thôn mới"

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất