, //, :: GTM+7

Để hiệu quả của dứa bền vững hơn

Trong ký ức của những lão nông ở vùng đất Tân Phước (Tiền Giang), hẳn hình ảnh của vùng đất bị nhiễm phèn mấy mươi năm trước có lẽ sẽ khó phai nhòa. Những cây lúa quặt quẹo không đủ giúp những mảnh đời lam lũ no lòng. Những cây tràm dù vươn cao cũng không đủ giúp người dân nơi đây bứt khỏi nghèo khó.

Thế rồi, khi cây dứa (theo cách gọi của người dân đồng bằng sông Cửu Long là khóm hay thơm) được chú trọng phát triển, cũng là lúc mà vùng đất - từng không ít người nghĩ sẽ khó lòng làm giàu - có sự “thay da đổi thịt” hàng ngày. Nếu như năm 1995, số hộ nghèo của huyện Tân Phước là 45% thì hiện tại, con số này chỉ còn khoảng trên 6%, một sự chuyển biến có đóng góp lớn từ cây dứa.

Ở những địa phương khác như Kiên Giang, Quảng Trị, Hà Giang… cây dứa cũng được chọn và đã mang lại kết quả tốt tại các vùng đất cằn cỗi, vốn không thích hợp với loại cây trồng khác. Năng suất bình quân của cây dứa là khoảng 20 tấn/ha (từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch là khoảng 12 - 15 tháng). Chỉ cần giá của loại trái cây này ổn định ở mức 5.000 đồng/kg, mức thu nhập có thể khiến cho cả những nông dân ở các vùng đất vốn được ưu đãi hơn về tự nhiên cũng phải thèm thuồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, việc xuất khẩu các sản phẩm được chế biến từ dứa đã mang về cho Việt Nam 10,4 triệu đô la Mỹ. Tuy khá khiêm tốn vì bị sụt giảm đến 37,3% so với cùng kỳ 2017, nhưng đây vẫn là mặt hàng có nhiều triển vọng bởi những đánh giá cao của thị trường về giá trị của nó.

Từng giúp không ít nông dân trở nên khấm khá hơn, nhưng tính bền vững mà cây dứa mang lại vẫn còn bỏ ngỏ.
Từng giúp không ít nông dân trở nên khấm khá hơn, nhưng tính bền vững mà cây dứa mang lại vẫn còn bỏ ngỏ.

Từ lâu, dứa được biết đến là loại trái cây có lượng calo khá cao, giàu chất khoáng (nhất là kali), có đủ các loại vitamin cần thiết. Đặc biệt, trong cây và trái dứa có chất Bromelin là một loại men phân giải protein có thể chữa được các bệnh rối loạn tiêu hóa, ức chế phù nề và tụ huyết, làm vết thương mau lành sẹo. Trong công nghiệp, chất Bromelin dùng làm mềm thịt để chế biến thực phẩm, nước chấm.

Trong lĩnh vực thời trang, hình ảnh quả dứa không ít lần trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế. Đáng chú ý, Tiến sỹ Carmen Hijosa đã tìm ra phương pháp để từ lá dứa, có thể cho ra các sản phẩm sợi dệt tự nhiên, thân thiện với môi trường. Dứa cũng đồng hành cùng phụ nữ trong công cuộc làm đẹp. Ngay cả các phụ phẩm trong quá trình chế biến dứa như vỏ, cùi, lá… cũng hoàn toàn được tận dụng để làm thức ăn gia súc không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu. Tóm lại, nói nôm na thì dứa là loại cây mà từ ngọn tới gốc đều có thể “đẻ” ra tiền.

Từng giúp không ít nông dân trở nên khấm khá hơn, nhưng tính bền vững mà cây dứa mang lại vẫn còn bỏ ngỏ. Cũng giống như các loại nông sản khác, đan xen giữa những vụ mùa được giá, người trồng dứa cũng không ít lần hiu hắt khi tiền bán sản phẩm không đủ bù cho chi phí bỏ ra.

Với năng suất khá cao thì lúc được giá, mỗi héc-ta dứa sẽ đem lại cho nông dân hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, không khó hiểu khi sau đó nông dân sẽ tăng thêm diện tích loại cây này. Tuy nhiên, việc phát triển cây dứa mà không có sự liên kết với các nhà máy chế biến, hoặc có nhưng lại vượt quá năng lực chế biến của nhà máy sẽ là vấn đề lớn. Bởi đơn giản, quả dứa tươi hiện chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa với một số lượng nhất định.

Đầu ra chủ yếu của quả dứa là xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép, dứa sấy… Một khi các nhà máy không “thu” hết, hàng bị dội và rớt giá thê thảm là điều đương nhiên. Có thể thấy, sự liên kết chặt chẽ, uy tín giữa nông dân và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tính bền vững của giá trị về kinh tế mà cây dứa mang lại.

Đầu ra chủ yếu của quả dứa là xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép, dứa sấy…
Đầu ra chủ yếu của quả dứa là xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép, dứa sấy…

Cách đây chưa lâu, người trồng dứa không khỏi chạnh lòng khi những trái dứa từ Đài Loan được nhập vào Việt Nam và bán với giá đến 150.000 đồng/kg, trong khi đó, dứa Việt chỉ vài ngàn đồng/kg lại bị ế hàng. Không bàn đến khoản chênh lệch khủng khiếp về số tiền bởi có thể giới kinh doanh đã đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng để thổi giá, ở đây chỉ đặt câu hỏi, tại sao dứa xứ người có thể xuất khẩu quả tươi được trong khi quả dứa tươi của ta chỉ quanh quẩn thị trường trong nước? Phải chăng do công nghệ bảo quản sau thu hoạch của ta không đủ giúp cho quả dứa tươi đi xa hay còn điều gì khác? Quả dứa hẳn không khó bảo quản hơn thanh long - loại quả đã được xuất tươi ầm ầm.

Bên cạnh việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa với 90 triệu dân cũng tiềm năng không kém. Nếu xây dựng được những vùng chuyên canh dứa gắn liền với nhà máy chế biến, có thể hình thành những “tua” tham quan kết hợp mua sắm như cách mà kẹo dừa Bến Tre đang làm. Nếu tổ chức làm tốt thì không chỉ thu hút được khách nội địa, ngay cả những du khách quốc tế hẳn cũng sẽ hào hứng với các chuyến tham quan tìm hiểu về các loại nông sản Việt nói chung và quả dứa nói riêng.

Phú Li

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất