, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/12/2022, 13:30

Để ngành hàng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long nâng cao vị thế

MN
(baodongthap.vn)
Trong hai thập niên tới, chưa có loại cây con nào có thể thay thế được cây lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán “thoát nghèo” cho người trồng lúa, các cấp quản lý, địa phương cần phải tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo, có những chính sách, sự đầu tư thích hợp cho người trồng lúa thì mới tạo được sự khác biệt cho nông dân trồng lúa.

Đây là quan điểm xuyên suốt được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa (do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại Đồng Tháp, ngày 18/11/2022).

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa liên kết tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông.

Phát huy vai trò an ninh lương thực

Với 3,9 triệu hecta gieo trồng lúa, chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa cả nước, nhiều năm qua, ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, gánh và làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực Quốc gia và cung ứng lúa gạo cho toàn cầu. Đặc biệt, thời gian vừa qua, khi hạn hán, đại dịch Covid-19 cùng chiến sự Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực - thực phẩm ở nhiều quốc gia thì vựa lúa ĐBSCL càng phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình đối với Nhân dân cả nước và thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng, đối với Đồng Tháp, cây lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh và là ngành hàng có bề dày, giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, trong tham gia thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực Quốc gia. Để nâng cao giá trị cây lúa, Đồng Tháp có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như: “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”, ứng dụng cơ giới hóa toàn diện, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số, giảm phát thải khí nhà kính, canh tác theo hướng hữu cơ, các mô hình xen canh, sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ thông tin... đã được triển khai để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất, giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân trồng lúa từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, đó chỉ mới ở quy mô mô hình, đa phần nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo, thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, thị trường, chi phí tăng tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa. Song song đó, một vấn đề đặt ra đó là thị trường lương thực - thực phẩm thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi; nhu cầu về tinh bột giảm, yêu cầu về chất lượng tăng. Trong nước, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và nghiêm trọng đã tác động sâu sắc đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh miền Tây, đến sinh kế của người nông dân.

Trong bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL đòi hỏi phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đặt vấn đề: “Chuyển đổi như thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của ĐBSCL; để các sản vật ở các địa phương bứt phá, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân? Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới này?”.

Nhiều năm qua, nông dân xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh thực hiện có hiệu quả việc canh tác lúa hữu cơ, giảm giá thành.

Tạo giá trị mới cho cây lúa

Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, trước những thách thức của thị trường, giá cả, biến đổi khí hậu, để tạo một giá trị mới cho cây lúa, nông dân trồng lúa phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và giá trị cây lúa mang lại. Đặc biệt, phải gắn nông dân vào chiến lược chung, vào chuỗi giá trị lúa gạo mới nâng cao được thu nhập cho người nông dân...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, trong nhiều năm qua, ngành hàng lúa gạo chạy theo tư duy lấy sản lượng làm mục tiêu, từ đó, làm mọi giải pháp để tăng sản lượng. Song, điều đó không đồng nghĩa giúp người nông dân tăng thu nhập, thậm chí đi ngược lại. Theo Bộ trưởng, đã đến lúc phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo theo hướng hình thành một chuỗi giá trị, trong đó có sự tham gia của tất cả các chủ thể là nhà khoa học, các viện, trường, hợp tác xã, nông dân, nhà quản lý để hình thành một chuỗi liên kết ổn định”.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, sau 32 năm xuất khẩu, gạo Việt Nam nằm trong tốp 3 thế giới. Nông dân mang rạng rỡ về cho đất nước nhưng túi tiền họ vẫn xẹp. Người trồng lúa chi rất nhiều tiền cho chi phí phân bón, thuốc trừ sâu khiến chi phí sản xuất tăng. Điều cần làm hiện nay là thực hiện các mô hình sản xuất hạ giá thành, từ đó sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Việc tổ chức sản xuất ở ĐBSCL nên phân chia theo 3 vùng nông nghiệp chính là vùng thượng nguồn (nước ngọt quanh năm không thiếu, nước mặn không đến); vùng giữa (vùng trũng nhất, ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập); vùng ven biển (nước ngọt trong mùa mưa, nước mặn - lợ trong mùa nắng) để từ đó có giải pháp, mô hình sản xuất tương ứng với đặc thù của mỗi vùng.

Còn Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, phát triển cây lúa cần phải gắn nông dân trong chuỗi giá trị. Phát triển của ĐBSCL từ cây lúa không có nghĩa chỉ có cây lúa, mà nó phải kết hợp với các loại cây, con khác. Cây lúa không thể đi một mình giữa những thách thức như hiện nay. Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân, phải gắn nông dân vào chiến lược chung của chuỗi giá trị lúa gạo.

“Đối với Đồng Tháp, để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình xen cây con (lúa - tôm, lúa cá, lúa - vịt...) đã mang lại thu nhập cho một bộ phận nông dân nhưng ở diện tích rất nhỏ. Để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, vấn đề cốt lõi vẫn là giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, để giảm chi phí phải giảm phân, giảm thuốc, phải ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu hoặc buôn bán trong nội địa. Làm như vậy có thể tăng áp lực người dân nhưng sẽ tăng chất lượng, giảm giá thành và có lợi lâu dài. Hai vấn đề cần quan tâm nữa trong bài toán nâng cao giá trị cây lúa, đó là cơ giới hóa toàn diện và nguồn vốn để hỗ trợ nông dân sản xuất, liên kết” - ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Còn nhiều câu chuyện và bước đi cho cây lúa ĐBSCL trước bối cảnh thế giới nhiều biến động. Song, với những giải pháp thiết thực được đưa ra từ các chuyên gia, nhà quản lý là rất quan trọng để nông dân cùng nhìn lại bài toán thu nhập của mình. Bên cạnh đó, từ những giải pháp đề xuất của các chuyên gia đầu ngành, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển trong thời gian tới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất