, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 26/10/2021, 11:28

Để nông dân không “đánh cược” với thiên tai

MINH BẰNG
(laodong.vn)
Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại đến cây trồng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, hiện nay, khi thiệt hại do thiên tai còn nặng về hỗ trợ của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ hoạt động thiện nguyện trong Nhân dân. Trong khi đó, bù đắp cho thiệt hại này từ sản phẩm bảo hiểm còn chưa đáp ứng, thậm chí sản phẩm bảo hiểm cho lâm nghiệp, ngư nghiệp gần như là chưa có.
Có nhiều lý do khiến người nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: Hưng Thơ

Đó là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngày hôm qua, 25/10.

Trên thực tế, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến người nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân: Phí bảo hiểm cao; với bảo hiểm cây lúa không có bảo hiểm theo từng hộ hoặc thôn mà chỉ bảo hiểm theo năng suất lúa trung bình theo xã; mức khấu trừ cao (30 - 40% giá trị bảo hiểm); quy trình, thủ tục xác định thiệt hại, bồi thường còn phức tạp và chưa minh bạch như việc ứng dụng công nghệ viễn thám để xác định năng suất lúa mà không dựa vào năng suất thực thu nên người sản xuất, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo khó tiếp cận và dễ gây tranh chấp.

Về phía doanh nghiệp: Bảo hiểm nông nghiệp có tính thời vụ, rủi ro cao khó kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân, thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ còn phức tạp.

Ngoài ra, nhận thức của người nông dân về quản lý rủi ro và về bảo hiểm còn rất hạn chế. Đại đa số nông dân, nhất là những nông dân ở vùng sâu, vùng xa, chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của bảo hiểm mang lại. Không những thế thu nhập của nông dân còn thấp và không ổn định. Khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu bảo hiểm còn rất hạn chế. 

“Khó nhưng vẫn phải làm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh - “Khi có thiệt hại do thiên tai, bão, lũ bên cạnh phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, là một phần hỗ trợ bắt buộc, trách nhiệm của Nhà nước, thì cần chuyển hướng bù đắp thiệt hại chủ yếu bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Mặc dù bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp là rất khó, khó trong tính toán phí bảo hiểm... nhưng khó cũng phải làm để phát triển mạnh bảo hiểm trong lĩnh vực này theo tiến bộ của thế giới và làm cho người nông dân yên tâm khi có bệ đỡ là bảo hiểm. Nếu có rủi ro, tổn thất, thiệt hại, người nông dân hoàn toàn có thể khôi phục lại được sản xuất”.

Chính vì thế phải sửa Luật để người dân tiếp cận dễ hơn với các chính sách bảo hiểm, hiểu hơn về giá trị của loại hình dịch vụ này để không còn “đánh cược” với thiên tai, dịch bệnh.

Để người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất sau thiên tai cũng chính là góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất