, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/11/2018, 15:43

Để thế giới ngày càng xanh...

NGUYÊN AN

“Tôi rất thích hàng cây dầu cổ thụ dọc các đường lớn ở TP HCM của các bạn, Bangkok của chúng tôi không có được hàng cây xanh mát như trên. Giữa trưa hè oi bức, đi vào những con đường có hàng cây, còn gì bằng. Đến mùa cánh dầu bay thích lắm”. Một doanh nhân Thái Lan có công ty đầu tư tại TP HCM đã nói như trên trong một ngày đầy nắng chói chang.

 

Đàn Nam Giao (Huế) bao phủ bởi rừng thông được tái tạo sau chiến tranh
Đàn Nam Giao (Huế) bao phủ bởi rừng thông được tái tạo sau chiến tranh

Thật vậy, khi đi sang Bangkok, ngắm nhìn thủ đô của Thái Lan, người tham quan có thể thấy qui mô từ nhà cửa, phố thị, chùa chiền, siêu thị, đường đi lại… cái gì cũng hơn TP HCM, nhưng khu vực có cây xanh đô thị thì thua hẳn TP HCM. Một chút tự hào về thành phố, về những hàng cây đã trồng và bảo tồn trên trăm năm.

Tục trồng cây chắc đã có từ hàng ngàn năm trước, khi con người bỏ dần thói quen hái lượm, biết đem các cây ở rừng về thuần hóa trồng quanh nhà. Nước ta là một nước nông nghiệp, chắc chắn chuyện trồng cây đã có từ rất sớm. Cây trồng kinh tế để nuôi sống gia đình, cây trồng để làm cảnh, trồng cây gây rừng… là những chuyện có từ bao đời nay và là một phong tục hay, cần được duy trì phát triển.

Dò tìm trong lịch sử, dễ dàng thấy các chi tiết đáng thú vị về tục lệ trồng cây như: Thời Lý, vua đã quy định các quan ở kinh kỳ mỗi người phải đem trồng một cây hòe trên con đường phía Bắc thành cổ Thăng Long, từ đó đường được gọi tên Hòe Nhai (con đường trồng hòe). Cây hòe cũng được chuộng trồng trong sân chầu của vua. Cây hòe từ xưa tượng trưng cho việc thành đạt thi cử, học hành. Ý nhị ở đây là mong muốn thế hệ mai sau có học vấn cao; các thế hệ quan lại phục vụ trong triều đình đều học hành tử tế, là người thông đạt kinh sử.

Đến thời Lê, sau khi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái Tổ đã ra chỉ dụ bắt các quan phải trồng cây trên các khu đất của mình. Sách Đại Việt sử ký viết: “Cho đô tổng quản và quản lĩnh các đạo cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành biết rằng hiện nay đất của các công hầu, bách quan đã có phần nhất định đều phải trồng cây, trồng hoa, không được bỏ hoang…”.

Đến thời Nguyễn, tại đàn Nam Giao, nơi cúng tế trời đất của vua quan nhà Nguyễn, theo sử sách ghi lại, người đầu tiên qui định việc trồng cây thông tại khu vực này là vua Minh Mạng và các hoàng tử. Cây được trồng có gắn linh bài bằng đồng. \

Sau đến thời vua Thiệu Trị cũng duy trì tục lệ này. Đến đời vua Tự Đức, việc trồng cây thông quanh khu vực Nam Giao đã mở rộng đến các quan tứ phẩm. Vì vậy, diện tích khu rừng thông càng được mở rộng. Việc gắn linh bài lên cây nhằm kỷ niệm người trồng còn có hẳn qui định ai trồng cây để héo rủ, khô cằn, chết đều bị xử lý. Do đó, người trồng có trách nhiệm thường xuyên thăm viếng cây mình trồng lưu niệm. Xem ra cũng là một cách hay.

Đó là chuyện lịch sử, chuyện đời nay trồng cây phát động rầm rộ trên cả nước là chuyện Bác Hồ phát động trồng cây. Ngày 28.11.1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đồng thời đề nghị tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.

Tại thời điểm đó, Bác đã tính “ở miền Bắc có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Sáng 11.01.1960, Bác Hồ đã cùng đồng bào Thủ đô trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Phong trào trồng cây từ đó lan rộng và được thực hiện hàng năm kéo dài cho đến ngày nay.

Đó là chuyện trồng cây ngoài xã hội, trong gia đình có thể thấy các tục lệ hay về trồng cây. Nhiều làng quê ta ngày xưa tách biệt lẫn nhau, đi một quãng đồng nhìn từ xa là lũy tre làng, đầu làng là cụm đa to. Lũy tre như một hàng rào rộng lớn, ngăn kẻ xấu từ nơi khác đến, còn là nguyên liệu để làm nhà, vật dụng để phục vụ nông nghiệp, đánh bắt cá… Thật không gì gắn bó với làng quê Việt Nam như cây tre, vừa trong sinh hoạt hằng ngày vừa trong tâm tưởng.

Đến đầu làng, một khoảng sân rộng thường có một cụm đa hay là cụm cây gạo… vừa gây bóng mát, vừa là chỗ nghỉ chân uống bát nước vối giải khát, nói dăm ba câu chuyện với người làng. Ở mỗi gia đình riêng tư, cũng đều có hàng rào cây xanh.

Tùy nhà tùy cảnh, có nhà trồng hàng cây xanh tỉa tót vuông vức thật đẹp, có khi là hàng dâm bụt dễ trồng, vừa ra hoa, vừa làm hàng rào và có khi hàng rào chỉ là giậu mồng tơi để lấy rau nấu canh… Bước vào sân nhà, ai cũng trồng một cây to làm chủ thể như sung, lộc vừng, mít, mận, đào… Bên dưới tàng cây cao to là các cây kiểng, chậu kiểng với muôn vàn cây tùy theo sở thích của chủ nhân.

Có một tục rất hay là khi gia đình có một đứa con ra đời, người cha thường trồng một cây để kỷ niệm ngày sinh con. Con trai thì trồng cây tùng, cây bách ý mong muốn con lớn lên mạnh mẽ. Con gái thường trồng cây liễu, hay một cây hoa khác ý mong muốn con gái lớn lên xinh đẹp như hoa. Có nhà còn ý nghĩa hơn, khi người mẹ mang thai, đã bàn nhau đặt tên con là gì, nếu sinh con gái đặt tên Quỳnh, tên Mai thì tìm sẵn cây hoa quỳnh, cây hoa mai để trồng.

Ở tục trồng cây khi có con còn có một chi tiết hơi lạ là, khi người vợ đau bụng mà khó sinh con, ông bà thường tra vấn người chồng có mới trồng cây gì lâu năm không? Nếu có phải đào lên, để người vợ dễ sinh. Chắc do tục lệ này, khi vợ mang bầu, người chồng ít được trồng cây gì lâu năm. Người xưa quan niệm đời cây, đời người gắn bó với nhau, hệ trọng là vậy.

Sau này, tục trồng cây khi sinh con có thay đổi không nhất thiết phải là tùng bách hay liễu mà thay vào đó là cây ăn quả vừa thiết thực vừa sống lâu năm. Cứ thử tưởng tượng những đứa con khi lớn lên cùng cây, vài chục năm sau, nhìn cây nhớ cha, nhớ mẹ là những kỷ niệm không quên, là nhớ lại những bài học sống ở đời mà cha mẹ truyền lại.

Đâu chỉ trồng cây để kỷ niệm, người xưa còn trồng cây để làm nhà. Bao giờ ở một khu đất xa nhà cũng trồng một mớ cây để làm nhà. Thường nông thôn miền Bắc trồng nhiều cây mít, vừa ăn quả vừa có thể làm nhà. Kế đến là cây tre, sau này là cây bạch đàn, cây tràm… Thời nay phát triển hiện đại, trồng cây làm nhà đã đi vào dĩ vãng nhưng trồng làm cảnh vẫn còn ở đất đô thị. Nhà nào khá giả có biệt thự sân vườn cũng cố trồng một ít cây giá trị, một vườn hoa để điểm tô cho ngôi nhà, tạo một thế giới xanh ngay sân nhà. Nhà không có đất cũng cố kiếm hai chậu kiểng để hai bên chỗ ra vào, hoặc chơi kiểng trong nhà, trên sân thượng… Không sợ không có đất mà chỉ sợ người không siêng trồng cây.

Bài học trồng cây thâm thúy biết chừng nào. Người trồng cây tất là người yêu thiên nhiên. Người yêu thiên nhiên thường vươn tới những giá trị thanh cao. Người trồng cây lo xa, tập dần tính nhân nghĩa, biết trân trọng những truyền thống quý báu của cha ông để lại, rồi tiếp tục kết nối với đời sau qua truyền thống trồng cây...

Người chắc sẽ khó sống nếu không có cây xanh kế bên, cứ tưởng tượng sống trong hoang mạc thì chắc sẽ hiểu. Vì điều đó, trong tâm tưởng hãy nghĩ đến trồng cây trong sân nhà, trên đường phố, công viên; hãy nghĩ đến việc bảo vệ, phát triển rừng… và xắn tay làm để cho thế giới chung quanh bạn ngày càng thêm xanh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất