, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 05/11/2020, 08:20

Đền tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 88 - Điểm đến di tích lịch sử mới của Long An

TUẤN ANH
Ngày 19/09/2020 là một ngày hết sức trọng đại đối với các cựu chiến binh Trung đoàn 88, khi Khu di tích lịch sử Trung đoàn 88 tại ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An được khánh thành.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử Trung đoàn 88.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử Trung đoàn 88.

Mong mỏi đau đáu nhiều năm

Khu di tích lịch sử Trung đoàn 88 là nơi để các đồng chí, đồng đội, thân nhân liệt sĩ đến tri ân những anh hùng liệt sĩ của Tiểu đoàn 07, Trung đoàn 88. Đây là những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng trong trận chống càn tại khu vực kênh Ngang, kênh 62 diễn ra trong 2 ngày 06/02 và 07/02/1970. Trong trận chiến năm ấy, dù đã khiến quân địch thương vong rất lớn, nhưng do chênh lệch về lực lượng, trong điều kiện không có hệ thống công sự chiến đấu và phần đông là chiến sĩ từ miền Bắc mới vào, không quen thuộc địa hình sông nước, kênh rạch, lại không có lực lượng phía sau chi viện… nên gần 300 trong tổng số 400 chiến sĩ của Tiểu đoàn 07 đã hy sinh sau hàng loạt đợt pháo kích của địch.

Ông Trần Thái Hùng (72 tuổi) - Nguyên đội trưởng đội trinh sát kỹ thuật Trung đoàn 88, thành viên Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 88 ngậm ngùi kể lại: “Tôi là một trong những chiến sĩ tham gia trận đánh tại kênh Ngang ngày mùng 1 Tết Âm lịch năm 1970, cách Khu di tích lịch sử Trung đoàn hiện nay khoảng vài cây số và trận càn ngày mùng 2 Tết ngay tại vị trí khu di tích trung đoàn này. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống khi còn rất trẻ, đa phần ở tuổi đôi mươi. Năm đó, tôi cũng vừa tròn 20 tuổi”…

40 năm sau trận đánh đó, năm 2010, trong quá trình múc đất làm ruộng, người dân địa phương phát hiện nhiều vật dụng, hài cốt của hàng trăm chiến sĩ bộ đội. Qua thông tin đó, Ban liên lạc Trung đoàn 88 đã tìm hiểu và xác định đó là hài cốt của các chiến sĩ thuộc đơn vị tiền thân của Trung đoàn. Từ năm 1982 đến nay, chính quyền địa phương và người thân của các liệt sĩ đã tiến hành tìm kiếm và cất bốc được 83 hài cốt. Còn lại khoảng 200 hài cốt chưa tìm kiếm được do lâu ngày bị vùi lấp, không xác định được vị trí. Có khoảng 30 đến 40 hài cốt tuy được xác định nằm dưới đìa cặp kênh 62, nhưng do không được an táng, nên lâu ngày đã bị phân hủy.

Ông Nguyễn Thế Điểu, cựu chiến binh Tiểu đoàn 07 cho biết ông đến thăm khu vực này từ năm 2014. Từ đó, đến nay ông trở lại đây khoảng hơn 20 lần, cứ có đủ tiền là ông lại đi. Ông kể: “Lúc đầu việc tìm kiếm của chúng tôi không vất vả lắm, vì trước đó anh nông dân thuê ruộng ở đây đã tìm thấy 7 bộ hài cốt rồi. Sau đó thì huyện đội tìm thêm được 7 bộ nữa. Rồi chúng tôi mở rộng ra, tìm kiếm được thêm 2 bộ hài cốt nữa. Phần chúng tôi tìm kiếm và xác định rõ liệt sĩ thuộc Trung đoàn 88 là 16 người. Sau đó vì nhiều lý do chúng tôi không tìm kiếm được thêm. Chúng tôi có gặp một anh nguyên là chính trị viên phó tiểu đoàn làm công tác liệt sĩ, anh cho biết sau trận đánh vài tuần các anh có quay trở lại, thấy anh em hi sinh quá nhiều nhưng xác thân đã phân hủy rồi nên không chôn được, đành phải đặt các anh trong bao ni lông phủ đất lên, rồi lấy đá chèn lại. Qua bao nhiêu năm nước lên nước xuống và người dân đốt đồng làm ruộng, dấu vết đã không còn nữa”.

Nơi để các anh trở về…

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết, vào khoảng năm 2012 người dân đã lập một ngôi miếu nhỏ bằng tôn để có chỗ hương khói cho các liệt sĩ hy sinh trong trận chống càn tại khu vực Kênh Ngang, Kênh 62. Đó là việc làm hoàn toàn tự nguyện của người dân để tri ân những người đã không tiếc xương máu viết nên trang sử vẻ vang của vùng đất Đồng Tháp Mười “gian lao mà anh dũng”, làm nên truyền thống “Long An trung dũng, kiên cường”...

Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân luôn trăn trở làm thế nào để các anh có chỗ thờ tự khang trang hơn. Ông Hiền cho biết: “Chúng tôi đã vận động và được gia đình ông Lê Hoàng Tư hiến 5.000m2 để xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 tại ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Công trình có tổng diện tích nền 3.201m2, trong đó khu vực đền tưởng niệm 283m2 với kinh phí xây dựng trên 6,6 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách huyện. Trong đó, vốn xã hội hóa do Tạp chí Nông thôn Việt vận động các mạnh thường quân tài trợ khoảng hơn 2 tỉ đồng (Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Môi trường xanh Việt Nam tài trợ 1 tỷ đồng; Bambo Capital Group và Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung Long An mỗi đơn vị tài trợ 500 triệu đồng…)”

Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động để đầu tư nâng cấp con đường đi vào khu di tích dễ dàng hơn. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật liên quan đến Trung đoàn 88 để trưng bày, giới thiệu tại đây, hướng đến xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 trở thành điểm du lịch về nguồn có giá trị về lịch sử, văn hóa của địa phương.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây lưu niệm.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây lưu niệm.

Đến dự và chia vui với người dân địa phương, với thân nhân các liệt sĩ và các cựu chiến binh nhân ngày khánh thành Khu di tích Trung đoàn 88, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng lưu ý tại tỉnh Long An còn có rất nhiều địa danh lịch sử gắn liền với những trận đánh khốc liệt, thể hiện tinh thần bất khuất của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Ông hy vọng sẽ có nhiều công trình tưởng niệm được xây dựng, mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành với tỉnh Long An thực hiện các hoạt động ý nghĩa này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất