
Tìm hiểu mới biết chuối sáp thích hợp với thổ nhưỡng miền Tây Nam bộ. Đặc điểm dễ nhận biết ở loại chuối này là thân chuối rất cao, lá hướng thẳng lên trời. Sau khoảng 8 tháng trồng cây con, chuối sáp sẽ trổ buồng và ra trái. Quả chuối sáp có hình dáng giống với chuối sứ nhưng mập và nhỏ hơn, khi chín thường tiết ra vị mật ngọt nên thu hút nhiều loại côn trùng bám vào lớp vỏ bên ngoài làm cho lớp vỏ chuối trở nên thô mộc, xấu xí. Mùa đông là mùa chuối sáp đượm vị nhất.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà dân gian mệnh danh chuối sáp là vua của các loại chuối. Không chỉ là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng vì thơm ngon, trong thành phần của chuối sáp còn chứa hàm lượng lớn chất đạm, chất béo, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất, giúp bổ sung năng lượng hoàn hảo cho hoạt động thể lực, cho người bị huyết áp, thiếu máu…
Chuối sáp gồm hai loại: chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ. Ngon nhất vẫn là chuối sáp nghệ, bởi khi chín, mật ngọt sẽ dồn vào giữa trái, cơm chuối vàng óng, dẻo quánh, khi ăn sần sật và có vị ngọt thanh giống như hương vị mật ong. Tên gọi chuối sáp cũng bắt nguồn từ cơm chuối khi chín có độ sáp như sáp. Điều đặc biệt ở loại quả này là không dùng ăn trực tiếp mà phải qua chế biến, và chỉ có như thế, chuối mới có nhiều sáp, mới thơm và cho vị ngọt tự nhiên.
Với người miền Tây, chuối sáp luôn là món ăn độc đáo dành cho những người sành ăn. Bất kỳ ai đã từng một lần thưởng thức chuối sáp, dù luộc hay cầu kỳ hơn như: nướng, chiên, nấu chè… đều phải công nhận rằng, chuối sáp thực sự là thức quà hấp dẫn.
Trong số rất nhiều những món ngon từ chuối sáp, có lẽ, món chuối sáp luộc vừa dễ làm lại vừa được nhiều người ưa chuộng nhất. Nên chọn nải chuối sáp nghệ chín già (vỏ đã chuyển sang màu vàng), có kích thước không quá to (vì to quá, chuối sẽ có độ dẻo ngọt ít hơn), cắt ra từng trái, rửa sạch để loại bỏ phần bụi, vết côn trùng cắn và nhựa chuối rồi cho vào nồi, đổ ngập nước.
Để món chuối sáp luộc ngon đúng điệu, cho thêm chút muối, chút đường để trong khoảng 2 - 3 phút, sau đó bắc nồi lên bếp, bắt đầu luộc. Tùy vào độ chín của chuối sáp mà thời gian luộc chuối sẽ khác nhau. Nồi chuối sáp luộc được giữ lửa thật đều, khi kiểm tra, thấy quả nào quả nấy vừa chín thì tắt bếp, đậy nắp nồi cho chuối nứt vỏ đều rồi đổ ra rổ để nguội.
Bóc phần vỏ chuối, bên trong là cơm chuối vàng óng, hương thơm dìu dịu. Chậm rãi nhâm nhi từng miếng chuối sáp dẻo thơm, ngọt ngào, cảm giác dễ chịu quyện trên đầu lưỡi khiến người ăn say mê, vấn vương, cứ muốn được ăn nữa ăn mãi!