, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 21/11/2021, 06:00

Dệt Zèng hồi sinh

ANH KHÔI
Từ một nghề đang dần mai một, dệt Zèng đã hồi sinh để trở thành di sản văn hóa phi vật thể.
Các thành viên tổ dệt Zèng xã A Roàng. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Màu sắc dệt Zèng

Nghề dệt Zèng của người Tà Ôi với lối kết cườm độc đáo đã có truyền thống từ ngàn xưa ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Zèng vừa là lễ phục không thể thiếu trong các nghi lễ, sự kiện quan trọng như lễ hội năm mới, cưới xin, tang ma, bỏ mả, cúng lúa mới; vừa là lễ vật trang trọng để trao tặng, để làm tin của cộng đồng các dân tộc ở A Lưới, đặc biệt là với 12.000 người dân Tà Ôi cư trú tập trung ở các xã A Roàng, A Đớt, A Ngo, Nhâm và Hồng Thái.

Theo chị A Viết Thị Nhi (thôn Aka thuộc xã A Roàng), nghề dệt Zèng có từ lâu đời. Các bà, các mẹ người Tà Ôi trao truyền lại cho con cháu thông qua cách cầm tay chỉ việc và thực hành ngay trên những khung cửi thô ráp, cũ kĩ. Các công đoạn khác của dệt Zèng như thu hoạch bông trên rẫy, se sợi và nhuộm đều được làm thủ công. Màu nhuộm sợi được làm từ các loại cây, củ hoặc lá rừng. Để giữ vải được lâu và bền màu, người Tà Ôi sử dụng nhiều loại phụ gia như vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô để chuốt sợi.

Giới thiệu Zèng truyền thống - Trình diễn trên sân khấu trong ngày hội văn hóa các DTTS. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Nét độc đáo của Zèng là kỹ thuật dệt đan cài các hạt cườm vào sợi để tạo hoa văn trên vải. Hình ảnh được chọn để tạo hình thường quen thuộc và gắn bó với đời sống của người vùng cao như núi, sông, mặt trời, muôn thú… trên nền sợi màu đen, đỏ và trắng. Màu vàng, xanh lá, tím cũng được phối nhưng thường không phổ biến. Mỗi sản phẩm như chiếc áo, chiếc váy có khi phải làm cả tháng trời mới hoàn tất.

TS Lê Anh Tuấn, Phân viện phó Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng mỗi sản phẩm Zèng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn hàm chứa triết lý nhân sinh cũng như gửi gắm những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy qua các biểu tượng hoa văn trang trí.

Đổi mới nghề truyền thống

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết nghề dệt Zèng độc đáo của người vùng cao nơi đây từng bị mai một. Trăn trở trước thực trạng đó, năm 2015, chính quyền địa phương đã nỗ lực phục dựng nghề dệt Zèng của người Tà Ôi. Điều quan trọng nhất, theo ông Hùng, chính là tìm cách đảm bảo sinh kế cho những người làm nghề. “Nhiều đề án phục hồi nghề dệt Zèng, các chương trình tập huấn hỗ trợ về kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm được xây dựng. Nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu được tổ chức vào các dịp Festival, hội chợ triển lãm, ngày hội văn hóa các dân tộc không chỉ ở huyện A Lưới mà còn tại thành phố Huế, ngoại tỉnh và cả ở nước ngoài. Kết quả là cùng với sự phát triển nghề dệt ở các hộ gia đình, nhiều hợp tác xã cũng được thành lập như tiếp thêm sức mạnh cho sự hồi sinh của dệt Zèng”, ông Hùng cho biết.

Từ bên bờ vực của sự thất truyền, sản phẩm của dệt Zèng hiện được nhiều người biết đến. Chất liệu này đã từng được nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng để thực hiện những bộ sưu tập thời trang ra thế giới. Nhiều nhà thiết kế khác như Viết Bảo, Trần Thiện Khánh, Chu La… cũng ưa thích sử dụng chất liệu này để sáng tạo.

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 7 cơ sở dệt Zèng truyền thống, đó là các HTX dệt Zèng ở thị trấn A Lưới, xã Nhâm, xã Phú Vinh, xã Hồng Thượng, xã A Roàng, xã A Đớt và xã A Ngo. Ở một số bản làng của xã Nhâm, A Đớt hoặc A Roàng, các hộ gia đình đều có phụ nữ tham gia dệt. Nghệ nhân Mai Thị Hợp, chủ nhiệm HTX dệt Zèng ở thị trấn A Lưới, cho biết HTX có 50 phụ nữ tham gia. Nếu trước đây chỉ có đồng bào Tà Ôi làm nghề thì nay có cả phụ nữ Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy tham gia.

Các thành viên tổ dệt Zèng xã A Roàng. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Theo TS Lê Anh Tuấn, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã tổ chức chương trình đưa sinh viên ngành thời trang của phân viện cũng như phối hợp với đại học Văn Lang (TP.HCM) đưa sinh viên của trường này đến tìm hiểu về nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi. Các em sinh viên đã về thôn Aka của xã A Roàng để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các nghệ nhân dệt Zèng để tìm hiểu về nghề cũng như thảo luận các giải pháp bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này. Cô Hoàng Thị Ái Nhân, giảng viên đại học Văn Lang (TP.HCM), chia sẻ: Sau chuyến đi, nhiều sinh viên ấp ủ những ý tưởng mới trong việc đưa họa tiết và chất liệu dệt Zèng vào thiết kế các mẫu áo dài cho báo cáo đề tài tốt nghiệp hoặc thử ứng dụng sản phẩm của dệt Zèng vào thiết kế khăn trải bàn, rèm cửa, khăn tay, đồ trang trí nội thất…

Hiện nay, ngoài việc dệt thủ công trên khung dệt truyền thống, một số HTX đã dùng máy dệt bán tự động sản xuất vải Zèng, cho ra chất lượng đồng đều và màu sắc đa dạng hơn, vì vậy, có thể ứng dụng để làm các sản phẩm lưu niệm, đồ trang trí, gia dụng như túi xách, áo quần, thảm treo, áo gối… Vải Zèng, từ đó, có điều kiện tiếp cận với thị trường tốt hơn, giúp nghề dệt Zèng bảo tồn và phát triển.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất