, //, :: GTM+7

Đi câu, tát cá…

PHI TÂN
Hồi nhỏ tôi chẳng rành rẽ chi chuyện câu cá nhưng lại thích đi chơi, coi mấy đứa bạn trong xóm câu ở bợt rào (bờ sông).

Cần câu là những cây tre cật (loại tre có thân nhỏ), kích thước cỡ bằng ngón tay, thẳng và dẻo dai. Cùng với sợi dây cước, lưỡi câu mua ở chợ thì đi câu phải có thêm cái lon đựng những con giun đất làm mồi và cái vợt để đựng cá. Mà giun đất dùng làm mồi câu cá phải là loại giun nhỏ đào ở chân ruộng để cá dễ ăn. Mùa hè nước cạn, sông Ô Lâu có nhiều loài cá nhưng nhiều nhất vẫn là cá ngạnh. Loài cá này câu rất dễ, bởi cứ thấy mồi là chúng đớp ngay. Cái khó của việc câu cá ngạnh là kéo nó lên rồi phải khéo léo gỡ nó ra khỏi lưỡi câu sao cho không bị nó dùng kim nẹt vô đầu ngón tay. Những đứa câu giỏi, một buổi chiều như rứa được một vợt đầy cá ngạnh, đủ cho mạ nấu một xoong canh chua cho buổi cơm chiều...

Ngư dân ở ven sông Ô Lâu còn có một kiểu câu khác, đó là câu cặm (cắm). Buổi chiều, họ đi cắm những chiếc cần câu ngắn đã móc sẵn mồi ở các khe nước, chân ruộng sâu. Sáng sớm hôm sau thì đi nhổ câu. Câu cặm thường câu được nhiều cá lóc, cá trê. Những khi trời có mưa giông, mưa đầu mùa hay mưa trái mùa thì cần câu mô cũng có cá. Bực nhất là khi nhổ cần câu lên thấy ngay một con rắn nước mắc câu...

Nghề câu vịt mới là độc đáo bởi không phải ai cũng làm được. Người đi câu bỏ trong cái xôn (một loại ngư cụ đựng cá) một con vịt cỏ, con vịt này phải là loại vịt cọt nuôi không chịu to. Họ đi trên các bờ ruộng, chỗ mô thấy bầy cá ma ma (cá lóc con) là thả con vịt xuống. Con vịt bơi vài vòng đạp chân trên bầy cá ma ma liền bị con cá lóc mẹ đớp vô chân giật mình rứa là buông câu...

Câu vịt hay câu cặm giờ hẳn đã thất truyền khi xung điện xuất hiện.

Ông chú họ ở phố về làng ghé nhà tôi chơi cứ hỏi: “Bữa ni còn đi tát cá nữa không mi?”. Khi đó tôi đã là học sinh cấp 3 nên trò vui tát cá cũng thưa dần...

Tôi vẫn còn nhớ con đường dẫn đến mội Ong ở xóm quê tôi là một con đường mòn cong queo, lồi lõm. Hai bên đường là những đám ruộng, những vồn rau và cả những đìa nước hoang - môi trường sống lý tưởng của cá lia thia. Cá lia thia thường làm bọt trắng ở sát bờ cỏ. Mỗi bọt cá thường có một cặp cá sinh sống.

Mùa hè, một trò chơi hấp dẫn bậc nhất của đám trẻ quê là bắt cá lia thia về nuôi. Thấy bọt cá là dùng đất be thành một cái đìa nhỏ, lấy tay tát nước rồi bắt cá. Thường chỉ bắt con cá trống đem về thả chai nuôi rồi mang cá đi đá với cá của đứa khác. Hai con cá lia thia trước khi đá nhau thường có những động tác xòe đuôi, liếc mắt vờn qua vờn lại rất đẹp.

Trận đấu thường diễn ra chừng 5 đến 7 phút là phân định thắng thua. Con cá thắng oai phong, đuôi xòe mắt đỏ, con cá thua thì chuyển qua màu trắng bệch và tháo chạy. Cá mô thua trận thì được thả ra lại đìa, tìm bắt con khác. Cứ thế, mỗi mùa hè phải thay đến cả hơn chục con.

Nhưng tát cá mà kiếm được cá về cho mạ nấu canh thì phải bài bản hơn. Đầu tiên phải kể đến chuyện đi tát cá rạnh (rảnh) môn, rạnh ớt. Buổi trưa đi xuống ruộng thấy cái rạnh mô có cá lóc là lấy đất chặn hai đầu rạnh rồi dùng chân mà tát nước ra ngoài. Quan trọng là phải canh chừng đầu bờ kia bởi cái giống cá lóc cực khôn lại giỏi cằn, thấy nước cạn là bất thình lình cằn tới bờ rồi quăng mình thoát thân.

Vui nhất vẫn là tát ao, tát hồ. Vui vì có sự tham gia của nhiều người. Be bờ xong, dựng bộ tròn trào rồi thay nhau tát. Đến khi ao cạn thì người dùng chơm, kẻ dùng tay cùng bắt cá. Tát ao thì bắt được nhiều cá, ít lắm cũng năm bảy cân. Lựa con mô to nướng lửa rơm nhấm nháp buổi chiều tà.

Có nhiều kiểu tát cá nữa như chặn ngang dòng chảy của con khe cho nước cạn mà bắt cá. Ở xóm tôi, sau mùa gặt, mấy nhà cùng rủ nhau vác ngư cụ qua cánh đồng bên kia sông Ô Lâu tát cá. Đi từ sáng, đến chiều về có khi được cả mấy tạ cá các loại. Cá ăn không hết đem phơi khô trữ đến mùa mưa để ăn... Mà hồi trước sao mà các loài cá lại nhiều đến thế. Chỉ cần cái vũng nước nhỏ đầu xóm mà có đến mấy loài cá trê tràu diếc dét chen chúc. Xuống bờ ruộng là nghe tiếng cá quẫy bắt mồi.

Bây chừ ao hồ lấp đi nhiều. Cá thì hiếm dần. Có tát cá ở đìa hay ao thì nhiều nhất vẫn là mấy con cá rô phi...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất