, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 28/02/2021, 13:10

Đi chợ Gò đón lộc cầu duyên

HOÀNG TRỌNG

Chợ Gò ở thôn Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định) mỗi năm chỉ họp một lần duy nhất vào mùng 1 Tết Nguyên đán nhưng việc mua bán không phải là chuyện quan trọng ở đây...

Biểu diễn văn nghệ tại Hội chợ Gò.
Biểu diễn văn nghệ tại Hội chợ Gò.

Đã ngoài 80 tuổi nhưng khi được hỏi chuyện chợ Gò, cụ Nguyễn Văn Phê ở thôn Phong Thạnh cười hiền rồi bất chợt ngâm nga: Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò/ Chợ Gò là chợ hẹn hò/ Trai thanh gái lịch sang đò gặp nhau…

Theo cụ Phê, chợ Gò trong tâm thức của bao thế hệ người dân Tuy Phước là nơi để đón lộc, cầu duyên, nơi lứa đôi hẹn hò trong ngày đầu năm mới.

Từ xưa đến nay, chợ Gò được nhóm họp tại gò đất bằng phẳng nằm dưới chân núi Trường Úc (còn gọi là núi Hàm Long) giáp với bến đò sông Tọc (một nhánh của sông Hà Thanh). Hàng năm, trước thời điểm giao thừa Tết Âm lịch, tại chợ Gò đã có nhiều người bán trầu cau, hoa quả… cho cư dân trong vùng mua về cúng ông bà trong thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới. Phiên chợ chính thức bắt đầu khoảng 3 giờ sáng, rồi đông dần, đến khoảng 8 giờ sáng mùng 1 Tết thì người đi chợ đã đứng chật cả chợ. Không chỉ người làng Phong Thạnh mà cư dân ở các vùng lân cận cũng đem sản vật của nhà mình đến chợ Gò bán lấy hên đầu năm. Người bán và người mua đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ.

Các mặt hàng được bán tại chợ Gò là những sản phẩm nông nghiệp ở địa phương nhưng mặt hàng mà bất kỳ người đi chợ Gò nào cũng muốn mua là trầu cau và muối. Cụ Phê giải thích rằng, người mua trầu cau là mua cái lộc đầu năm về dâng cúng lên bàn thờ gia tiên, cầu xin ông bà phù hộ cho gia đình bình an, con cháu làm ăn khấm khá. Còn người mua muối vì có câu được truyền miệng trong dân gian: đầu năm mua muối, cuối năm xây nhà. Riêng các cô gái mua trầu cau là để cầu cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng hoặc mua muối để mặn mà suốt năm. Một số mặt hàng khác được mua nhiều tại chợ Gò do có ý nghĩa ngộ nghĩnh, vui vẻ trong dân gian như mua rau muống vì muốn gì được nấy, mua đu đủ vì muốn no đủ, mua mãng cầu là vì cầu cho sung mãn, mua sung là vì muốn sung túc suốt năm…

Theo ông Đặng Hiếu Hân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước, người đi chợ Gò không đặt nặng việc mua - bán, kinh doanh nên không có chuyện người bán thách giá hay người mua trả treo, cãi vã... Việc mua bán ở chợ Gò chỉ là cách để người ta trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang thịnh vượng. Từ đó, chợ Gò trở thành một điểm hẹn vui chơi, cầu may cho nhiều người dân Bình Định vào dịp đầu năm. Hội chợ Gò cũng đã được ghi danh vào danh sách 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam, do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Những năm gầy đây, chính quyền huyện Tuy Phước còn tổ chức thêm nhiều hoạt động tại chợ Gò như hội bài chòi dân gian, biểu diễn văn nghệ, múa lân, biểu diễn võ cổ truyền… để người dân và du khách vui chơi. Sở Văn hóa - Thế thao tỉnh Bình Định cũng đang phối hợp với huyện Tuy Phước lập hồ sơ để công nhận chợ Gò vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để di sản được quan tâm đúng tầm, có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền phục vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất