, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/11/2021, 13:58

Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ bao giờ phát huy giá trị?

VĂN THÀNH CHƯƠNG
(laodong.vn)
Điện Biên – Năm 2003, Thủ tướng đã phê duyệt Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, sau gần 18 năm triển khai, nhiều mục tiêu vẫn chưa hoàn thành.
Đồi A1 - Điểm di tích thành phần quan trọng thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

Khó khăn trong thực hiện đề án

Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ”, thời hạn thực hiện dự án trong 4 năm. Tuy nhiên, dự án đã kéo dài gần 18 năm nhưng nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra vẫn chưa hoàn thành.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: “Trong những năm gần đây, do tác động từ quá trình đô thị hóa và các chủ trương phát triển kinh tế cũng có những tác động đáng kể cả tích cực và tiêu cực đối với công tác bảo vệ, tôn tạo và phục dựng di tích”.

“Bên cạnh đó, do yếu tố lịch sử để lại, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, san lấp nên gây khó khăn cho công tác công tác khoanh vùng, cắm mốc, giải tỏa và xác lập quyền sử dụng đất” – ông Hiệp nói..

Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xếp hạng là Di tích cấp quốc gia năm 1962. Đến năm 2009 đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Do chưa có quy hoạch tổng thể nên hiện trạng nhiều di tích đã bị xâm lấn, không thể phục hồi.

Khi mới được công nhận, di tích có 22 điểm thành phần, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 23 điểm di tích thành phần khác nâng tổng số điểm di tích được công nhận lên 45 điểm.

Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án, đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ mới dừng lại ở việc phục hồi được các dấu tích cơ bản và bảo vệ một số di tích thành phần quan trọng. 

Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết

Ngày 9.3.2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có ý kiến đồng ý chủ trương thực hiện “Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ” và yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể để triển khai theo lộ trình.  

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 2.10.2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Ðiện Biên về việc “thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ”.

Trong đó nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là rất quan trọng và cấp thiết. Yêu cầu các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ðiện Biên triển khai có hiệu quả, bảo đảm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích”.

Đến ngày 8.7.2020, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”.

Tuy vậy, hơn 1 năm sau với hàng chục công văn qua lại giữa UBND tỉnh, Sở VHTTDL với các sở, ngành liên quan thì đến ngày 15.9.2021, UBND tỉnh Điện Biên mới ban hành “Quyết định về việc phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích…”.

Và đến tháng 11.2021, nội dung lập nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích… vẫn chưa được trình để HĐND tỉnh Điện Biên thông qua… 

Bao giờ mới phát huy giá trị?

Trao đổi về việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ “quan trọng và cấp thiết” này, ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh Điện Biên – đơn vị tham mưu cho Sở VHTTDL trong việc triển khai đề án này cho rằng:

Khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ nhiều hiện vật trong chiến tranh.

“Trong quá trình khảo sát, lập quy hoạch phải đi điền dã mất rất nhiều thời gian vì các điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn rộng. Cùng với đó còn phải xin ý kiến của các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư tại những nơi sẽ nằm trong quy hoạch”.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Giám đốc Sở VHTTDL thì cho biết, hiện nay Sở đang tiếp tục hoàn thiện các bước xây dựng Ðề án nhằm triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ.

“Nếu sớm nhất cũng phải đến quý 1/2022 mới có thể trình HĐND tỉnh thông qua sau đó mới trình Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ…” - ông Hiệp nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất