, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/03/2022, 08:00

Đi tìm phiên chợ lấy lá thay tiền

LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Nhà thơ Kiên Giang trong bài thơ Tiền và Lá có ví von “Tiền không là lá em ơi. Tiền là giấy bạc cho đời phồn hoa”. Hiện thực và khinh bạc hơn, nhà thơ Nguyễn Bính biên tập lại “Tiền không là lá em ơi. Tiền là giấy bạc do đời in ra!”

Cứ tưởng chỉ có hai nhà thơ ngông xem lá trọng hơn tiền, thế nhưng, theo thông tin trên mạng xã hội, hơn 10 năm qua tại Tây Ninh, có một phiên chợ lấy lá thay tiền và phiên chợ ấy mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên tiêu.

Tìm đâu, biết tìm đâu…

11 giờ đêm 14/01/2022 chúng tôi đến thị xã Hòa Thành và có dịp may tham dự lễ đãi đàn Thượng ngươn ở Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Không gian thật hoành tráng với hàng trăm chức sắc phẩm phục ba màu xanh vàng đỏ cùng trên dưới 1.000 đạo hữu đồng phục trắng nghiêm cẩn thực hành đại lễ trong tiếng đại hồng chung vang vọng, ngân nga. Không gian hành lễ rộng lớn với đông người nhưng tất cả diễn ra trong trật tự. Đã quá nửa đêm, nhiều nhóm đạo hữu từ nhiều ô cửa khác nhau vẫn tiếp tục đổ về hành lễ.

Về đến khách sạn, tôi hỏi thăm về phiên chợ Lá. Chú em tiếp tân rụt rè trả lời: “Nghe cô cháu nói chợ sẽ mở lúc 3 giờ chiều mai tại Điện thờ Thánh Mẫu”. Tôi hơi bất ngờ vì theo thông tin trên mạng, chợ mở từ 5 giờ đến 8 giờ sáng…

5 giờ sáng 15 Âm lịch, chúng tôi xuống đường dò hỏi thông tin. Bác bán vé số dạo rất tự tin cho biết hai ngày qua chợ họp ở đường Nguyễn Quốc Gia, hôm nay họp sáng ở Trí Huệ Cung. Le lói hy vọng, chúng tôi kiểm chứng thêm thông tin ở một cây xăng thì được biết là chợ họp sáng ở Thánh Thất Long Hải. Tá hỏa, chúng tôi quay về khu vực Tòa Thánh. Một bác xe ôm chỉ vẻ tận tình đến cây số 8 chợ Long Hoa. Bối rối hơn, chúng tôi đi vào bên trong Tòa Thánh hỏi thăm một vị đạo hữu đang làm công quả thì lại được chỉ đến Thánh Thất Long Hải. Chúng tôi quyết định đi theo hướng này.

Trên đường đi thấy một quán cà phê sung túc, đông người, chúng tôi ghé vào hỏi đường và được giải đáp chi tiết hơn. Thánh Thất Long Hải cũng có chợ lá nhưng trên đường Nguyễn Quốc Gia gần đó hơn cũng có. Một bác lớn tuổi còn cầm điện thoại chỉ đường bằng Google Map. Thật may mắn, với chỉ dẫn này, chúng tôi đã kịp đến nơi vào lúc chợ đang khá đông người.

Bất ngờ chợ Lá

Không khí tươi vui của ngôi chợ Lá đúng như mô tả trên mạng xã hội và còn thân thiện đến bất ngờ. Khách đi chợ không cần mang theo lá hoặc hái lá ven đường. Từ đầu chợ, một nhóm thanh niên vừa hướng dẫn khách đậu xe máy, xe ô tô theo các bãi riêng vừa cấp ngay “tín dụng” là một nắm lá cho khách. Ngân hàng độc đáo này không cần két sắt mà chỉ có một thùng carton chứa lá. Thủ tục cực kỳ đơn giản, không cần khai báo điều gì ngoài… nụ cười.

Với lá trong tay, khách có thể mua hàng thỏa thích, mỗi chiếc lá là một phần hàng. Những quầy sạp dọc hai bên đường Nguyễn Quốc Gia thật đa dạng các mặt hàng và đa dạng cả cách bày hàng, từ bánh kẹo, nước uống đóng chai đến các loại rau quả, bầu bí, mướp, khoai lang, khoai mì. Nhiều nhất là những món chay ăn liền như cháo, bánh mì kẹp chả, bánh hỏi, bánh tiêu, bánh ướt, mì xào, hủ tiếu xào… Cũng có những món ăn dân gian được chế biến công phu như bánh ít, bánh ú, bánh lá gai, cà na ngâm muối. Tất cả đều được chứa trong các hộp xốp dùng một lần rất vệ sinh. 

“Hàng quán” của chợ được làm nhiều kiểu, nhiều chất liệu. Có những sạp gỗ thông chuyên nghiệp, mới cứng; có những cái bàn bốn chân hoặc sạp gỗ thấp bày hàng song nhiều và vui nhất là những đôi thúng gánh bằng tre của các chợ quê ngày xưa giờ đang khan hiếm. Chính những đôi thúng gánh này tạo ra không khí chợ vừa tân thời vừa cổ kính, nửa thành nửa quê rất dễ thương.

Điều đặc biệt ở chợ là cả người mua và người bán đều có chủ ý ăn mặc thật đẹp, thật trang trọng. Đàn ông, đàn bà đi chợ hoặc chỉ là đứng bán bánh hỏi, khoai mì, bầu bí cũng mặc áo dài, long trọng như đang dự hội làng hay lễ cưới. Có cả nhóm thanh niên nam nữ mặc đồng phục công ty màu đỏ tươi tắn bán nước uống đóng chai. Ở một đoạn đầu chợ, tôi gặp một nhóm năm phụ nữ trung niên người địa phương cùng diện áo bà ba vàng với quần đen và che nón lá đi chợ. Bất ngờ, tôi gặp đồng hương là các cựu học sinh trung học Tân An cũng đánh xe hơi chạy hàng trăm cây số lên đây mua hàng chợ Lá. Họ cũng mặc những bộ đồ rất đẹp.

Chợ Lá chất lượng Vàng

Chợ đông người mua, dãy hàng bán lại bố trí san sát nhau nên không khí chợ luôn sôi động nhưng hoàn toàn không chen lấn, tranh giành, không lớn tiếng mà chỉ có những nụ cười vui vẻ. Bán hàng chỉ lấy lá nhưng người bán cũng sôi nổi rao hàng. Mấy thanh niên mặc áo dài cầm hai trái bầu đưa lên cao vẫy gọi sự chú ý của khách. Đặc biệt, đầu chợ có “ngân hàng” phát tiền lá, cuối chợ lại có sẵn một thùng ATM “tái cấp vốn” cho khách đi chợ đã hết lá. Cũng không một thủ tục, không giới hạn số lượng. Lá của cây ATM là lá bán hàng được gom về quay vòng tái sử dụng. Nhờ vậy, hoạt động của chợ gọn gàng, không ảnh hưởng đến cây trái chung quanh. Có những gánh hàng quê hết hàng thì ngừng bán nhưng có những quầy như bánh mì kẹp chả hay bún, mì xào cứ hết hàng lại có người chở đến để bán tiếp.

Chụp được một số hình ảnh, tôi cũng thử trả một lá mua cà phê sữa. Hóa ra cà phê rất ngon. Con tôi là tín đồ cà phê Ban Mê Thuột pha tại nhà, không thể uống cà phê quán cũng phải tấm tắc khen cà phê ở chợ Lá ngon. Được đà, tôi mua thêm đĩa bánh hỏi và thật bất ngờ, dù chỉ là bánh hỏi với vài lát chả chay chiên nhưng ngon kỳ lạ từ bột đến nước chan. Khoai mì chợ Lá không nấu nước dừa nhưng ngọt và thơm. Rõ là người bán đã chăm chút cho món hàng chợ Lá không chỉ về thẩm mỹ mà còn về khẩu vị.

Vui là chính

Việc mua bán ở chợ Lá không phải là kiểu người bán phát tâm từ thiện cho người nghèo để hưởng phước theo cách hiểu thông thường. Người mua có khi khệ nệ mang hàng về nhưng đa số đều hớn hở ăn tại chỗ và hầu hết đều cầm điện thoại, máy ảnh trên tay để tự chụp hoặc chụp cho nhau. Phải chăng điểm giao thoa của người mua kẻ bán ở đây là những giây phút thăng hoa của niềm vui được thoát khỏi áp lực của đồng tiền? Người ta sống, giao tiếp với nhau trong sự thân thiện, hồn nhiên giữa người và người qua những nụ cười tươi tắn và câu nói như điệp khúc truyền từ người mua đến kẻ bán trong chợ: “Vui là chính mà”. Hỏi thăm nhiều người mới biết hầu hết họ đến chợ nhiều lần trong nhiều năm. “Đã đi một lần thì phải đi nữa và sẽ còn đi nữa”, nhiều người cho biết.

Về nguồn gốc của chợ, từ trên mạng đến thực tế ai cũng cho rằng bắt nguồn từ ý tưởng của bác sĩ Bùi Quốc Thái, một Lương y nổi tiếng, muốn tổ chức tiệc buffet chay để đền ơn những cộng sự, sau đó, được nhiều người hưởng ứng và phát triển thành phiên chợ Lá hàng năm.

Còn tôi, lại thấy đằng sau phiên chợ là suối nguồn thân thiện của cư dân bản địa. Chính nó tiếp sức và nhân bản những phiên chợ Lá, như hàng năm, chợ chỉ có một phiên ở một chỗ nhưng năm nay, do ngày rằm gần ngày thứ bảy, chủ nhật nên chợ đã kéo dài từ 12 Âm lịch đến tận Rằm tháng Giêng. Tình cờ qua anh Lê Văn, nguyên cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình Long An có bạn là thổ địa ở Tây Ninh, tôi biết thêm ngày hôm ấy anh đã tham dự ba chợ lá ở ba điểm khác nhau. Hóa ra đó chính là lý do cha con tôi lạc vô “mê hồn trận” chỉ đường khác nhau.

Chỉ tình cờ hay đây là dấu mốc cho sự phát triển của chợ lá Tây Ninh, tôi không biết, duy chỉ có một điều tôi chắc chắn không sai được, đó là chợ Lá Tây Ninh chính là nét son độc đáo có một không hai về tình người giữa thời buổi hiện nay.

Tags

Bình luận


user-avt

Nguyễn Tâm

16:03, 20/03/2022

Mong một lần được đi chợ Lá này.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất