, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 13/02/2022, 08:00

Đi xem "sàn giao dịch bò"

MẠNH HOÀI NAM
(nongnghiep.vn)
Gần Tết, kêu bán bò nhanh hơn bán vàng, vì bán vàng phải xuống trung tâm xã, còn kêu bán bò thì người buôn bò ở trong xóm đến chồng tiền liền...

Thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên) có xóm chợ bò buôn bán hơn 25 năm qua. Chợ bò nhà nào cũng mua may bán đắt.

Một gian hàng bò ở xóm chợ bò thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên): Ảnh: MHN.
Một gian hàng bò ở xóm chợ bò thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên): Ảnh: MHN.

Cuối năm về xóm chợ bò

Giáp tết, chúng tôi về lại xóm chợ bò. Sở dĩ có tên gọi xóm chợ bò là vì mỗi nhà đều có chuồng bò là gian hàng mua bán bò. Mỗi gian hàng có ít nhất 15 con, nhiều lên đến 50 con. Về lại lần này, chúng tôi thấy đã được đầu tư rất bài bản về hạ tầng.

Trước đây xóm chợ bò đường bê tông nham nhở, nay 100% bê tông hóa. Nền chuồng bò trước đây là nền đất, nay đều đã được nâng cấp thành thảm bê tông sạch sẽ. Chuồng là chính là gian hàng bò được thiết kế bài bản, phân bò được chuyển ra chỗ lắp đặt hệ thống hầm biogas xử lý mùi.

Ông Trần Văn Tiến, một người có gian hàng bò chia sẻ: Chợ bò ở đây được quảng bá trên facebook, zalo, giá cả thuận mua vừa bán. Giả như có người bọc túi tiền 10,2 triệu đồng đi đến xóm bò, đến nơi người bán bò họ dứt giá 10,5 triệu đồng, tiền trong túi không đủ mua thì đành phải đi về. Còn xóm Chợ Bò thì đủ loại giá, từ 10,1 triệu đồng rồi 11,7 triệu đồng, rồi đến 15 - 20 triệu đồng/con, người mua giá nào cũng có bò đáp ứng.

Có gian hàng bò nằm núp trong con hẻm. Thấy nhiều người bàn tán như buổi “hội thảo đầu chuồng”. Ông Nguyễn Văn Kỷ đang “tiếp thị” bán bò chia sẻ: Chợ bò tại gia nên “họp” quanh năm suốt tháng, ai cần mua hồi nào bán hồi nấy. Gian hàng bò nhà ông Kỷ đang “trưng bày” 20 con bò, thời điểm người mua nhiều chỉ 3 - 4 ngày là bán hết. Thời điểm bán chậm lắm cũng một tuần là sạch chuồng.

Trong xóm chợ bò, mỗi gian hàng bò có thương hiệu riêng, ai cũng lo quảng bá. Gian hàng bò ông Phan Văn Tài đang hùn với ông Kỷ. Bò ở đây chủ yếu là bò lai, mẫu mã đẹp, đủ màu như mốc lam, đen đỏ, có con thì sừng vạp (sừng cong), có con sừng gốc tre (sừng to)...

Một gia đình mua bò lai ở xóm chợ bò về vỗ béo. Ảnh: MHN.
Một gia đình mua bò lai ở xóm chợ bò về vỗ béo. Ảnh: MHN.

Ông Tài cho biết: Chúng tôi đầu tư cho gian hàng bò từ 200 triệu đến nửa tỉ đồng. Vì nhà đơn chiếc nên để có bò mua bán “gối đầu”, ông hùn vốn với anh Nguyễn Văn Kỷ cùng xóm, thay phiên nhau người lo đầu vô, người lo đầu ra. 

Đầu vô là đi mua bò, gần thì ra An Nhơn (Bình Định), lên tận huyện vùng cao KôngChro (Gia Lai) gom 3 - 4 ngày đủ số lượng bò 14 - 15 con rồi chở xe tải nhỏ về. Còn xa thì vô tận Tây Ninh rồi qua tận Campuchia mua bò chở về bằng xe tải 3 chân (3 trục), mỗi lần chở 40 con, thời gian kéo dài 7 ngày chở về bán lại.

“Tôi mới đi một chuyến về bổ sung bò cho gian hàng bò rồi lo sắm sửa Tết. Vùng này theo phong tục qua mùng 5 tết bò xong (cúng tết bò), chợ bò xuất hành đầu năm mua bán trở lại”, ông Phan Văn Tân, một người xóm chợ bò nói.

Chờ bò bán toàn bò đực để người mua về nuôi vỗ béo và thường bán “đứng” (không cân ký). Bán bò cho người mua lẻ thì bán cả cặp về nuôi vỗ béo, bán cho thương lái mua đi bán lại thì bán “trụm” xe bò (15 con). Chợ bò ở đây phân phối bò giống ra khắp các xã trong huyện, các huyện trong tỉnh.

Ông Trần Văn Kiên ở xã Hòa Tân Đông, Thị xã Đông Hòa (Phú Yên) lên xóm chợ bò rảo quanh chợ lựa mua bò cho hay: "Tôi dự định mua cặp nghé đực (người địa phương ở đây hay gọi bê con là nghé) cao 1m về nuôi vỗ béo qua sau Tết bán. Trước đây vỗ béo bò cỏ thì nuôi đến đâu, bò mướt lông đến đó, tuy nhiên trọng lượng nhỏ, lãi thấp. Còn bò lai bộ xương to, nuôi đúng sức cao 2m trở lên mới bung đùi, đổ thịt bán trên 30 triệu đồng, lãi gần 20 triệu đồng/con.

Nồi cháo bò đỏ lửa quanh năm

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình vỗ béo bò lai tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Thị xã Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 20% tiền thức ăn, thuốc thú y, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của mô hình. Qua quá trình nuôi, người dân đã nghĩ ra cách nấu cháo “dinh dưỡng” cho bò ăn để thúc bò mau mập.

Những lò nấu cháo nuôi bò đỏ lửa quanh năm. Ảnh: MHN.
Những lò nấu cháo nuôi bò đỏ lửa quanh năm. Ảnh: MHN.

Ông Phạm Ngọc Tính, một người tham gia vỗ béo bò lai ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Cách đây gần 4 tháng, ông mua con bò lai với giá 28 triệu đồng về nuôi vỗ béo bằng cách cho ăn cháo. Sau 3 tháng thúc bò bằng cháo, hiện con bò nằm giá hơn 45 triệu đồng, trừ chi phí ban đầu mua giống, đầu tư thức ăn và cả công nhà bỏ ra hết 33 triệu đồng, còn lời 12 triệu đồng/3 tháng, mỗi tháng được 4 triệu đồng. Ở nhà quê làm gì ra số tiền đó, nếu nuôi 5 con, lãi bộn, mỗi tháng bỏ túi trên 20 triệu đồng.

Cũng theo ông Tính, hằng ngày ông cho bò ăn cỏ, rau muống kết hợp nấu cháo nuôi bò, đối với bò nghé (bê) thì thời gian ngắn qua “đốt nghé”. “Mua con nghé (bê) ròm nuôi cỡ 1 tháng qua “đốt nghé”, nuôi tiếp 3 tháng sau, trong khoảng thời gian này cho ăn cháo dinh dưỡng. 

"Ở vùng quê này, Tết nhà nào cũng có nồi bánh tét, còn nồi cháo bò quanh năm suốt tháng đỏ lửa. Gần Tết công việc bận rộn, sáng chụm nồi cháo bò chín rồi mới đi làm. Nồi cháo bò “ưu tiên” đặt lên hàng đầu. Nấu "cháo dinh dưỡng” cho bò ăn để thúc bò mau mập. Cháo của bò nếu trước đây gồm rau và cám, giờ “dinh dưỡng” thêm bột bắp, bột đậu tương, bột cá...", ông Tính giải bày.

Một phiên nông dân 'đấu giá' mua giống ở xóm chợ bò. Ảnh: MHN.
Một phiên nông dân "đấu giá" mua giống ở xóm chợ bò. Ảnh: MHN.

Chị Mạnh Thị Trang, một hộ nuôi bò ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) chia sẻ: Chị mới mua con nghé (bê) giống bò lai 3B, nấu cháo dinh dưỡng thúc được 1 tháng rưỡi đã mập, cân đầu cân đuôi, mới đây có người vào tận chuồng đặt hàng. Con nghé (bê) chị Trang mua cách đây 1 tháng rưỡi nửa cây vàng giờ đã nằm giá gần cây vàng. “Con 3B này nuôi thêm 2 tháng nữa thì thay 3 đôi răng, trả 1 cây rưỡi vàng, không cho rờ”, chị Trang nói.

Ông Phạm Văn Trung ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) bán con bò xởi lởi: Bò lai cao to “phong độ” hơn bò nhà (bò địa phương). Bò đực phát như bò lực sĩ “một đống thịt”, một cặp bò lai thương lái đến trả “lủng” 100 triệu. Gần Tết, kêu bán bò nhanh hơn bán vàng, vì bán vàng phải xuống trung tâm xã, còn kêu bán bò thì người buôn bò ở trong xóm đến chồng tiền liền. Vùng quê nhà nhà nuôi bò lai, bò lai đứng chật chuồng.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 169.976 con bò, tỉ lệ bò lai chiếm trên 74% (Sind, Brahman, Limousin...), là một trong những tỉnh có tỉ lệ bò lai cao trong cả nước. Chăn nuôi đã chuyển dần từ thả rông sang nuôi nhốt quy mô lớn, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với kiểm soát dịch bệnh. Vỗ béo bò lai F1 3B tăng trọng được khoảng 20 - 25 kg/con/tháng. Bò lai 3B rất phàm ăn, dễ nuôi và lớn nhanh nên người dân rất thích nuôi giống bò này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất