, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 12/06/2018, 14:52

Đi xom lươn coi chừng … bị bẻ chĩa!

Trong những đêm trăng thanh gió mát, bên chiếc võng tòng teng ngoài hiên cửa, người bình dân hay ngâm nga câu ca mang tính răn đời, rằng:

Lươn ngắn sao chê chạch dài,

Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

Nội dung lời giáo huấn đã rõ. Có điều nó khiến người nghe liên tưởng đến một thú vui miệt đồng: đi xom lươn về nấu canh chua! Món ăn vừa đã miệng, vừa hình thành nên nét văn hóa ứng xử độc đáo trong dòng chảy dân gian.

Trên các cánh đồng cò bay thẳng cánh hay dưới lòng sông, con rạch ở miệt Cửu Long giang lươn thường có hai loại: lươn vàng và lươn bông. Môi trường sống của hai loại này cũng không giống nhau.

Giống lươn có bụng vàng nghín thích sống nơi các miệng đìa có nhiều đất sét, các lung, bàu trên đồng nơi có nhiều năn lát; còn giống lươn bông mình đầy bông nguệch ngoạc màu xanh lá cây, đôi lúc cái bụng của chúng chỉ vừa hơi ửng vàng pha lẫn với màu bông trên mình lại thích sống nơi các hồ ao, mương vườn có rơm, rác mục. Cả hai giống lươn này đều lớn và dài, có khi cả trên ký lô một con.

Hừng đông sáng hoặc khi mặt trời xế bóng là thời gian tốt nhất để đi xom lươn. Người đi thường tay cầm chĩa, tay vác dá. Chĩa đâm lươn là thanh sắt tròn nhỏ hơn ngón tay út, dài hơn thước tây. Phía trên có cán cầm bằng cây, mũi chĩa có hai chia ngắn.

Biết được đặc tính của loài vật này, người ta rảo bước theo mé mương vườn ngập đầy lá cây mục, các trũng nước gần gò mả, … Thấy dấu lươn thổi bùn lên thì cứ cầm chĩa xom chung quanh. Chĩa đâm trúng, lươn giẫy mạnh, lúc đó người ta phải cầm vững cán chĩa và nhấn sâu xuống đất.

Đến khi lươn đau chịu nằm yên mới bắt đầu lấy dá đào đất theo mũi chĩa để bắt chúng. Tưởng chừng dễ vậy chứ cũng có lúc khó ăn. Gặp lươn quá lớn, sức chúng mạnh, hoặc đâm không ngay chỗ hiểm, lươn sẽ giồng mình mà bẻ mũi chĩa cho sứt ra, chạy thoát mất. Có lẽ từ đây, dân gian miền Tây Nam Bộ xuất hiện thêm từ “bẻ chĩa” dùng theo nghĩa rộng, nhằm chỉ ai đó đã làm ngược lại hoặc không giữ lời đã hứa.

Để làm sạch lươn, người nhà quê chỉ cần đem lươn lăn vô đống tro bếp rồi vuốt mạnh tay cho sạch nhớt, rồi đem rửa lại nước lả cho thật sạch, để ráo, hoặc lau khô rồi mới mổ ruột. Khi mổ lươn, theo kinh nghiệm dân gian không dùng nước rửa lại, vì nếu làm vậy, lươn sẽ tanh! Lươn mổ ruột xong được cắt thành từng khúc hoặc để nguyên con tùy ý người nấu.

Giác là loại dây rừng mọc hoang ở vườn tạp, hay quấn quýt trong các đám lá dừa nước. Trái giác tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út. Để nấu canh người ta thường chọn hái những trái còn hườm (gần chín) với một ít trái chín tím, bông súng ma mọc ngoài bưng nhổ về lặt, lột sạch vỏ, ngắt thành từng đoạn cỡ ngón tay, một vài tép sả đập dập cắt từng đoạn dài, …

Chuẩn bị xong rồi bắc chảo mỡ phi tỏi cho nóng, thả lươn vô chảo xào sơ nêm gia vị thấm đều, rồi gắp lươn ra đĩa. Nồi đun sôi rồi thả trái giác, những tép sả đập dập vào, khi đã thấy giác vừa độ phân rã thì lấy rổ lược hết những xác bã giác ra bỏ đi và cho những khoanh lươn đã xào sơ vô nấu chung với những cọng bông súng, đợi lươn chín thì nêm nếm cho vừa ăn.

Nhớ khi múc ra tô, đừng quên điểm vào tô canh chua lươn nấu trái giác vài lát ớt, ngò gai, ngò om… cho đầy đủ hương vị nhà quê.

Cả nhà ngồi quanh mâm cơm với tô canh trái giác nấu canh chua lươn bốc khói nghi ngút, một cảm giác đầm ấm và hạnh phúc đang đến…

Tửu Hoàng

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất