, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/01/2024, 07:00

Điểm tin ngày 10/1: Vé máy bay tăng cao dịp cao điểm; Đề xuất áp thuế GTGT 5% với phân bón

CAO ĐOÀN
(Tổng hợp)

Vụ mía “3 được” của Nghệ An

Trên các cánh đồng mía rộng mênh mông ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), nông dân hiện đang khẩn trương thu hoạch mía. 

Vụ ép năm nay, cả nhà máy và người trồng mía đều vui bởi '3 được': Diện tích tăng, năng suất cao, giá thu mua cao. Riêng Công ty mía đường Sông Con ở huyện Tân Kỳ, vụ ép 2023 - 2024 thu mua mía nguyên liệu cho nông dân với giá tại ruộng 1,1 triệu đồng/tấn mía loại 1, cao hơn 50.000 đồng/tấn so với năm ngoái, ngoài ra còn hỗ trợ tiền bốc vác mía lên xe.

Nhờ đưa giống mới vào sản xuất áp dụng thâm canh, cây mía Nghệ An nhiều nơi cho năng suất 100 tấn/ ha. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam. 

Nhiều nông dân cho biết, nhờ có hệ thống giao thông nội đồng thường xuyên được nâng cấp, tu sửa nên xe vận tải của nhà máy ra tận ruộng thu mua và vận chuyển mía cho bà con nông dân dễ dàng hơn. Ngoài ra, năm nay nông dân đầu tư thâm canh nhiều hơn, hạn hán và mưa bão không xảy ra nghiêm trọng như các năm trước, cộng với việc trồng nhiều giống mía mới có năng suất cao như giống AK2, AK3, LK9211…cũng là nguyên nhân giúp mía đạt chất lượng và năng suất cao.

Xuất khẩu dệt may: Từ quý 2 “trời sẽ sáng”

Vừa qua, tại buổi họp công bố hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết ngành dệt may hiện đang có những dấu hiệu tích cực trở lại khi số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ. 

Điều này mở ra kỳ vọng sẽ giúp cho bức tranh tiêu dùng toàn cầu ấm hơn, kích cầu toàn bộ hệ thống và sản xuất sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, do đơn giá còn rất thấp, mức giảm trung bình 30%, cá biệt có nơi 50%, nên doanh nghiệp sẽ có lựa chọn ưu tiên. 

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc nhận các đơn hàng lớn kéo dài từ 3 - 6 tháng với giá thấp, thay vào đó là nhận đơn hàng ngắn ngày nhưng có giá tốt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cùng với việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ có đơn giá cao hơn để cạnh tranh, nhiều đơn vị của Vinatex cũng tập trung đầu tư để thực hiện chuyển đổi, "xanh hóa" ngành dệt may.

Để xuất khẩu gạo đi vào bền vững

Theo các chuyên gia, sự thành công của ngành lúa gạo trong năm qua ngoài yếu tố nội lực còn phải kể đến yếu tố khách quan khiến thương mại gạo toàn cầu chuyển sang trạng thái cung không đủ cầu, lợi thế thuộc về các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh ngành gạo lập kỷ lục về xuất khẩu vẫn bộc lộ yếu tố chưa bền vững.

Vận chuyển lúa đến các nhà máy xay xát ở ĐBSCL. Ảnh: Báo Người Lao Động

Theo đó, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn 2 vấn đề lớn cần giải quyết là thu nhập của nông dân vẫn còn thấp và quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Ông Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam khẳng định Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh là sáng kiến mới của Việt Nam. Tương ứng với Đề án là 1 triệu nông dân trồng lúa sẽ có sự thay đổi lớn. 

Theo đó, xuất khẩu gạo sẽ đi vào bền vững, đảm bảo nâng cao đời sống nông dân và chất lượng gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Vé máy bay tăng cao dịp cao điểm

Bộ GTVT cho biết, theo cơ chế thị trường, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao. 

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hãng dự kiến cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8%.

Song song, Bộ cũng hỗ trợ và khuyến khích các hãng hàng không đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác bằng cách tìm kiếm các tàu bay thuê ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác hàng ngày của đội tàu bay, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm...

Các cảng hàng không, hãng hàng không được yêu cầu thực hiện đúng quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Thắng thế nhưng gạo Việt vẫn còn nhiều hạn chế

Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 600 - 700 USD/tấn. Nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo Thái Lan.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (giữa) phân tích về ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, không hẳn do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên có chênh lệch này. Gạo Việt Nam được giá và có thể còn tăng thêm là nhờ giống mới. Nhờ chiến lược "sống chung với biến đổi khí hậu", Việt Nam vẫn có những vùng lúa cao sản 3 - 4 vụ/năm. Đặc biệt, nhiều vùng trồng lúa thuận theo tự nhiên, tăng sức cạnh tranh cho hạt gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo đang đối diện với một số trở ngại. Hiện cả nước có 250 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng rất ít doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, kể cả những doanh nghiêp xuất khẩu có sản lượng lớn. 

Theo ông Lê Thanh Tùng, thực tế này dẫn đến hạn chế, các doanh nghiệp mua gom không thể xây dựng thương hiệu vì khó kiểm soát được chất lượng.

Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón

Theo Bộ Tài chính, hiện nay mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm.

Việc này khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và không chủ động nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Còn nông dân phải mua giá cao do các nhà sản xuất trong nước đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành.

Do đó, để vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Nước đóng chai chứa nhiều hạt nhựa hơn người ta tưởng

Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 110.000 - 370.000 hạt nhựa nhỏ trong mỗi lít nước, 90% trong số đó là nhựa nano. Các phát hiện này cho thấy nước đóng chai có thể chứa lượng hạt nhựa nhiều hơn tới 100 lần so với ước tính trước đây.

Nhựa nano gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với sức khỏe con người so với hạt vi nhựa, vì chúng đủ nhỏ để xâm nhập vào tế bào con người, đi vào máu và tác động đến các cơ quan.

Bà Naixin Qian - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Nghiên cứu này cung cấp một thông tin mạnh mẽ để giải quyết những thách thức trong việc phân tích nhựa nano, hứa hẹn sẽ thu hẹp khoảng cách kiến thức hiện tại về ô nhiễm nhựa".

Các tác giả của nghiên cứu mới nhất cho biết sẽ không dừng lại ở nước đóng chai mà có kế hoạch nghiên cứu sự tồn tại của nhựa nano trong các mẫu nước máy và tuyết được thu thập từ phía Tây Nam Cực.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất