, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 16/02/2024, 07:00

Điểm tin ngày 16/2: Thủ tướng xuống đồng cấy lúa cùng nông dân; Việt Nam thu hơn 14 triệu USD từ xuất khẩu nhãn

DIỄM QUỲNH
(Tổng hợp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp điều khiển máy cấy lúa trên cánh đồng. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Thủ tướng xuống đồng cấy lúa cùng bà con nông dân

Chiều ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, động viên nông dân sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương.

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2024 và việc ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất lúa (cánh đồng không dấu chân) tại Hải Dương, Thủ tướng trực tiếp ngồi máy cấy để điều khiển cấy lúa trên cánh đồng.

Xuống đồng động viên nông dân sản xuất lúa vụ Đông Xuân tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, Thủ tướng đã thăm khu vực sản xuất mạ khay và cánh đồng gieo sạ bằng máy.

Xuất khẩu gỗ chỉ 1 tháng thu về gần 1,5 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Đây là năm đầu tiên thế mạnh Việt đứng Top 5 thế giới, ghi nhận tăng tưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua, kim ngạch xuất khẩu từ con số 219 triệu USD năm 2000 tăng lên 15,8 tỷ USD vào năm 2022. 

Tháng 1 đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thị trường phục hồi tốt, mặt hàng nào xuất khẩu cũng tăng đột biến. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 1,49 tỷ USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ cũng là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Việt Nam thu hơn 14 triệu USD từ xuất khẩu nhãn

Nhãn Ido - một giống nhãn của Thái Lan - tại nhà vườn miền Tây. Ảnh: VnExpress.

Việt Nam xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD trong năm ngoái, tăng gần 2,5 lần so với năm 2022, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan.

Đây là loại trái cây có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn thứ hai trong năm 2023, sau sầu riêng. Trong đó, Trung Quốc, Australia, Thái Lan và Nhật Bản là những nước "chuộng" trái nhãn Việt nhất.

Với thị trường Thái Lan, năm ngoái, Tập đoàn Central Retail - đại gia bán lẻ của nước này - cũng đẩy mạnh xuất khẩu nhãn Việt sang Thái. Ông Paul Le, Phó chủ tịch Central Retail tại Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Thái Lan rất thích trái nhãn của Việt Nam. Sản lượng nhãn được tập đoàn này xuất khẩu sang Thái năm 2023 tăng khoảng 40% so với 2022.

Năm 2023, giá nhãn xuất khẩu của Việt Nam ổn định. Hiện, giá nhãn Ido - một giống nhãn từ Thái Lan - được các thương lái mua tại vườn dao động 16.000 - 18.000 đồng một kg. Với mức giá này, nông dân thu lãi 8 - 15 triệu đồng một sào (1.000m2).

Nhiều chặng bay về TP.HCM sau Tết 'cháy' vé

Ghi nhận ngày 15/2 (mùng 6 Tết), phần lớn các chặng bay từ các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, miền Trung như Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, Gia Lai hết vé. Chặng Hà Nội - TP.HCM từ nay đến hết tuần cũng chỉ còn vé hạng thương gia Vietnam Airlines với giá gần 10 triệu đồng.

Như vậy, trừ hành khách đã đặt vé máy bay sớm, những người có nhu cầu, công việc cần đến TP.HCM những ngày này phải lựa chọn phương án di chuyển khác. Anh Ngọc Sơn, Cầu Giấy (Hà Nội) có việc đột xuất cần vào miền Nam vào cuối tuần này đang tính chọn cách bay nối chuyến qua Bangkok (Thái Lan), rồi mới tiếp tục bay đến Tân Sơn Nhất với tổng chi phí khoảng 7,5 triệu đồng. Trong đó, chặng Hà Nội - Bangkok chỉ có giá trên 2 triệu đồng, còn Bangkok rẻ nhất từ 5,5 triệu.

Sau ngày 19/2, từ chuyến bay từ các địa phương này đi TP.HCM mới có chỗ, nhưng giá vé vẫn ở mức cao. Chặng Hải Phòng - TP.HCM có giá thấp nhất từ 3,5 triệu đồng. Hành trình từ Vinh, Thanh Hóa, Huế đi TP.HCM cũng tương tự.

7 ngày tết, cả nước đón hơn 11 triệu lượt khách du lịch

Số lượng khách quốc tế đến được ghi nhận tăng cao ở nhiều địa phương dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - Ảnh: Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, từ ngày 8/2 - 14/2, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa và trên nửa triệu lượt khách quốc tế.

Lượng khách nội địa tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50%.

Dù không đưa ra con số cụ thể về lượng khách quốc tế đến trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng dựa trên số liệu từ các địa phương ước đón, nguồn khách này cũng đạt trên nửa triệu lượt. Chẳng hạn, Đà Nẵng gần 177.000 lượt khách; Hà Nội gần 103.000 lượt; Ninh Bình khoảng 100.000 lượt; Quảng Nam 97.000 lượt; Quảng Ninh: 89.767 lượt; TP.HCM: 75.000 lượt; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt; Lâm Đồng khoảng 20.000 lượt…

Kinh doanh nội dung số trên mạng xã hội lên ngôi

Ngày nay nội dung số đang là một phương thức giải trí rất phổ biến với đa dạng thể loại khác nhau như video ngắn, livestream, VOD (video on demand), phim ngắn…

Theo dữ liệu nghiên cứu từ OTA Network - hệ sinh thái dành cho các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam, video ngắn là nội dung được yêu thích nhất, thu hút sự chú ý lên đến 66% người dùng, hấp dẫn hơn 2,5 lần so với video dài.

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 4,5% hằng năm, doanh thu của các nền tảng mạng xã hội được dự đoán sẽ đạt 247,30 tỉ USD năm 2027. Ngành công nghiệp sản xuất nội dung số đang trong giai đoạn phát triển hoàng kim do nhu cầu tiêu thụ nội dung giải trí trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng lớn.

Đây là một tương lai tươi sáng mang đến nhiều cơ hội cho các nhà sáng tạo, sản xuất nội dung. Nhưng để có được chỗ đứng trong tâm trí khán giả, các đơn vị cần có những hướng đi phù hợp và khác biệt.

Kinh tế Anh rơi vào suy thoái

Theo số liệu của ONS ngày 15/2, GDP Anh quý IV/2023 giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý III/2023, nền kinh tế này co lại 0,1%. Trên lý thuyết, Anh đã rơi vào suy thoái, khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Mức giảm này mạnh hơn dự báo và lớn nhất từ đầu năm 2021, ONS cho biết. Tính chung năm 2023, GDP Anh tăng 0,1% so với 2022.

Ba lĩnh vực chính của nền kinh tế đều đi xuống trong quý cuối năm ngoái, trong đó dịch vụ giảm 0,2%; sản xuất và xây dựng hạ lần lượt hạ 1% và 1,3%.

Kinh tế Anh đã trì trệ gần 2 năm qua. Lạm phát tại Anh đang dần chậm lại nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế khác và mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Việc này khiến túi tiền của các hộ gia đình bị thắt chặt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2024 của nước này tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Mùa chà là bắt đầu vào những ngày này, khoảng tháng ba âm lịch và thường đi tới bằng những tiếng chim tu huýt trỗi giọng...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất