, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 18/02/2024, 07:00

Điểm tin ngày 18/2: Mía vàng hút khách trong ngày vía Ngọc Hoàng; Nhiều doanh nghiệp đón đơn hàng lớn

CAO ĐOÀN
(Tổng hợp)

Mía vàng hút khách trong ngày vía Ngọc Hoàng

Lễ vía Ngọc Hoàng hay còn gọi là cúng vía Trời được thực hiện vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong đó, lễ vật quan trọng nhất và không thể thiếu là một cặp mía vàng.

Những tiểu thương tại đây cho biết đã chuẩn bị hàng ngàn cây mía cho đợt cúng vía Trời năm nay. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Mía được chọn khá kỳ công, bởi tiêu chí là mía phải thẳng, suôn, còn nguyên ngọn và đủ cặp nhằm tượng trưng cho chiếc thang bắc lên trời.

Như một thông lệ, điểm bán mía trên đường Lê Quang Sung (quận 6) đang tất bật người ra vào mua mía. Những cây mía vàng ươm, thẳng tắp được các nhà vườn tuyển chọn, vận chuyển từ Tiền Giang lên TP.HCM để phục vụ người dân Thành phố.

Những cây mía vàng ươm có giá từ 50 đến 80.000 đồng/cặp luôn trong tình trạng đắt như tôm tươi trong ngày cúng vía Ngọc Hoàng vào mùng 9 tháng Giêng. Những tiểu thương tại đây cho biết đã chuẩn bị hàng ngàn cây mía cho đợt cúng vía Trời năm nay. Dù cực nhọc nhưng ai nấy đều vui mừng khi mía được mùa, trúng giá.

Bất ngờ lượng khách bay Tết Giáp Thìn

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng hợp số liệu chung của thị trường, tình hình vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không dịp nghỉ lễ Giáp Thìn năm 2024 đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 11%).

Dù thị trường nội địa có sụt giảm (giảm 13,2%) nhưng thị trường quốc tế ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 54%). Vận chuyển hàng hóa cũng thể hiện chiều hướng tương đồng, với sự tăng trưởng của tổng thị trường (tăng 7,3%), trong khi thị trường nội địa giảm (giảm 11%) và thị trường quốc tế tăng (tăng 10,5%).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, mặc dù vẫn xảy ra tình trạng chậm chuyến (chủ yếu do vấn đề khai thác của các hãng hàng không), nhưng các hãng hàng không và các đơn vị cung cấp dịch vụ đã phối hợp trong việc phục vụ hành khách (thông báo đến hành khách và thực hiện các giải pháp phù hợp theo quy định). Qua đó giảm thiểu những tác động tiêu cực và những bất tiện cho hành khách tại cảng hàng không.

Giá sầu riêng lên 200.000 đồng một kg

Sầu riêng Monthong loại A được các vựa ở Tiền Giang mua giá 200.000 đồng một kg, tăng gần 20% so với cuối năm ngoái.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết: những ngày qua, hàng Monthong loại A gom không đủ để trả đơn cho các đầu mối xuất khẩu nên giá thu mua tăng liên tục.

Sầu riêng tại kho của doanh nghiệp ở Tiền Giang. Ảnh: VnExpress.

Trái ngược với sầu riêng Monthong, hiện Ri 6 liên tục rớt giá từ 148.000 đồng một kg xuống 120.000 - 126.000 đồng với hàng loại A, giảm 14% so với cuối năm ngoái. Với sầu riêng loại B, giá 100.000 đồng, loại C là 75.000 đồng.

Lý giải nguyên nhân giá sầu riêng Monthong tăng cao, trong khi Ri 6 giảm, ông Đặng Mạnh Khương thương lái thu mua sầu riêng ở miền Tây cho rằng sầu riêng Monthong nghịch vụ đã vào giai đoạn kết thúc nên số lượng không còn nhiều. Một số nhà vườn tại Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre chủ yếu đang dưỡng cây để cho vụ thuận. Riêng với Ri 6 có giá biến động là do nguồn cung loại này nhiều hơn Monthong.

Thời của thanh toán qua mã QR

Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến với sự bùng nổ của mã QR. Ngân hàng Nhà nước cho biết các chỉ số thanh toán không tiền mặt tăng trưởng khả quan trong năm 2023.

Đáng chú ý, thanh toán bằng mã QR phát triển xuyên biên giới với những bước tiến mạnh trong thời gian qua. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay đã phối hợp với các tổ chức thành viên và đối tác thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, cung cấp các dịch vụ chuyển mạch tài chính trong nước và quốc tế thông qua mã QR, thẻ, tài khoản, ví điện tử, Mobile Money; kết nối thanh toán xuyên biên giới...

NAPAS đã chính thức triển khai dịch vụ thanh toán quét mã QR liên thông giữa Việt Nam - Campuchia. Đồng thời, ký thoả thuận hợp tác về nghiên cứu triển khai thí điểm kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Lào.

Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, NAPAS đã triển khai hợp tác thanh toán ngoài vùng lãnh thổ với Thái Lan, Lào, Campuchia.

Nhiều doanh nghiệp đón đơn hàng lớn

Nhiều doanh nghiệp đã ổn định lao động, bắt tay vào sản xuất và lên kế hoạch tăng ca từ những ngày đầu trở lại làm việc sau Tết để bảo đảm tiến độ đơn hàng.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan, cho biết: Vissan tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm nhằm kịp tiến độ đơn hàng 135 tấn đồ hộp cung cấp cho Trường Sa.

Nhiều doanh nghiệp đón đơn hàng lớn- Ảnh 1.
Công ty Vissan tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Tương tự, ngay ngày khai trương đầu năm GC Food đã nhận được nhiều đơn đặt hàng và công ty đã giao ngay gần 60 tấn hàng hóa các loại, chủ yếu là nha đam và thạch dừa cho các khách hàng trong nước. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng hàng bán ra tăng gấp đôi – là một khởi đầu rất thuận lợi khi có đơn hàng khối lượng lớn, tính bằng container.

Kinh tế thế giới đang phục hồi và chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2023 nên doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 ở mức 30% - ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) nhận định.

Sau Tết, giá cam canh vẫn cao

Từ đợt Tết Giáp Thìn 2024 đến nay, giá cam canh (còn gọi cam đường, cam bi) bán tại các chợ và siêu thị ở Hà Nội lên tới 100.000 đồng/kg (loại đẹp, trái nhỏ, vỏ mỏng, màu đỏ); còn loại trái to cũng có giá tới 75.000 đồng/kg, đắt gấp 2 lần năm trước.

Loại cam này sở dĩ được ưa chuộng vì có đặc điểm là quả tròn, vỏ mỏng (như giấy), đường kính trung bình chỉ khoảng 7cm, rất ngọt, có nhiều tinh dầu, khi chín có màu đỏ bắt mắt. Mùa cam chín từ tháng 11 đến 12 Âm lịch và có nơi kéo dài sang tháng Giêng Âm lịch.

Một số nhà vườn ở tỉnh Hưng Yên cho biết, sở dĩ hiện nay giá cam canh tăng đột biến vì đang cuối mùa, đồng thời vụ cam năm nay được mùa, mã đẹp nên từ trước Tết Nguyên đán, thương lái ở khắp các nơi như Hà Nội, Hải Phòng… đã đổ về đặt mua, một số doanh nghiệp còn thu gom đưa vào bán ở TP.HCM.

Người dân ngại chi tiêu, đẩy Nhật Bản vào suy thoái

Số liệu chính thức cho thấy GDP quý IV/2023 của Nhật Bản giảm 0,1%, tiêu dùng cá nhân - đóng góp hơn nửa GDP - cũng giảm 0,2% so với quý trước đó. Giới phân tích cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản suy thoái.

Giới chức và các nhà phân tích chỉ ra việc giảm chi cho ăn ngoài là một trong những lý do khiến tiêu dùng sụt giảm. Bên cạnh đó, thời tiết ấm hơn dự kiến khiến doanh số quần áo mùa đông giảm sút. Nhu cầu dịch vụ từng bùng nổ hậu Covid-19 cũng hạ nhiệt dần.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt vài phiên qua, nhờ các tập đoàn lớn cải thiện quản trị và đồng yen yếu kéo lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu lên cao. Tuy nhiên, chính các công ty cũng lên tiếng cảnh báo về tiêu dùng yếu và tác động của lạm phát, thay vì vui mừng khi hưởng lợi từ đồng yen.

Nhà kinh tế Kumano dự báo kinh tế Nhật Bản còn đối mặt với nhiều thách thức nữa. "GDP quý I/2024 có thể tiếp tục co lại, do ảnh hưởng từ các trận động đất hồi đầu năm", ông nhận định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất