, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/01/2024, 07:00

Điểm tin ngày 23/1: Bùng nổ xu hướng cửa hàng không nhân viên; Nông sản xuất khẩu thắng lớn đầu năm

CAO ĐOÀN
(Tổng hợp)

Nông sản xuất khẩu “nổ” đơn liên tục tháng đầu năm

Chỉ hai tuần đầu của tháng 1, nông sản như rau quả kín đơn từ khách hàng truyền thống; doanh nghiệp cà phê liên tục tiếp các đoàn khách thế giới đến mua hàng; doanh nghiệp gạo đang lên kế hoạch xuất khẩu thêm…

Mới đầu năm, nông sản xuất khẩu nổ đơn liên tục, đặc biệt là rau quả. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.

Philippines, châu Phi… cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu gạo… Vì thế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác chia sẻ đang trong tâm thế "kê đơn chờ ngày".

Trong khi đó, với cà phê, không ít doanh nghiệp cũng phấn khởi vì đa số đơn hàng quý 1/2024 đã kín.Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê.

Dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023 - 2024 có thể đạt 4,5 - 5 tỉ USD nhờ giá cà phê tăng.

Tặng vé máy bay miễn phí đưa người lao động về quê ăn Tết

Chuyến bay yêu thương, nối liền hai miền Tổ quốc sẽ đưa những người lao động ở các tỉnh thành phía Nam ra Bắc đón Tết. Hoạt động này nằm trong chương trình Chuyến bay ước mơ - Hành trình đoàn viên 2024 do Vietnam Airlines phối hợp tổ chức cùng các tỉnh thành, doanh nghiệp.

Theo đó, Vietnam Airlines sẽ chở miễn phí người lao động trên chuyến bay mang số hiệu VN218, khởi hành từ TP.HCM đến Hà Nội vào 29/1. Vietnam Airlines đồng thời bố trí xe ô tô từ sân bay Nội Bài đến các bến trung chuyển, nhằm hỗ trợ người lao động về đến quê nhà ở các địa phương nhanh nhất.

Đặc biệt, hãng còn phối hợp với các đối tác dành tặng nhiều món quà Tết ý nghĩa đến mỗi người lao động, với niềm hy vọng họ sẽ đón một cái Tết thật ấm áp và trọn vẹn.

Sau Tết Nguyên đán, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục bố trí các chuyến bay khởi hành từ Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Vân Đồn đến TP.HCM để đưa người lao động trở lại tiếp tục làm việc, ổn định cuộc sống.

Heo nhập lậu đe dọa ngành chăn nuôi trong nước

Ngành chăn nuôi trong nước đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay, mà một trong những nguyên nhân là nguồn heo lậu đổ về.

Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy trong tháng 12/2023, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 330 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả năm 2023 đạt 3,53 tỉ USD.

Các doanh nghiệp phải chủ động giảm đàn để hạn chế thiệt hại. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, bên cạnh nguồn thịt đông lạnh, ngành chăn nuôi nội địa còn thường xuyên đối mặt với nguồn heo sống nhập lậu với số lượng lên đến hàng ngàn con mỗi đêm.

Ngoài ra, các chỉ tiêu về chất cấm trong chăn nuôi của Việt Nam được áp dụng nghiêm ngặt, cấm tuyệt đối việc sử dụng chất tăng trọng. Nhưng nguồn heo nhập lậu lại chưa được quản lý theo cách đó.

Như vậy nếu để heo ngoại tràn vào thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Giá cà phê tiếp tục lập đỉnh 

Người trồng cà phê đang có một vụ mùa thắng lợi khi giá cao ngay thời điểm thu hoạch và tiếp tục tăng sau đó. Ngành cà phê dự báo tiếp tục có 1 năm hưởng lợi về giá.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê cho biết giá cà phê nội địa ở mức 73.000 đồng/kg có thể đã đạt đỉnh. Bởi lẽ, giá cà phê nội địa tăng nóng, có tình trạng cà phê sang tay ở thị trường rồi đẩy giá lên cao chứ doanh nghiệp chưa xuất khẩu được giá cao.

Trong khi người trồng vui mừng vì giá cà phê tăng cao thì nhiều doanh nghiệp chế biến lại đau đầu vì giá nguyên liệu tăng liên tục.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), giá cà phê tăng cao là điều đáng mừng với người trồng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững. Khi giá cà phê tăng mạnh, các vùng liên kết dễ bị phá vỡ do bên ngoài cạnh tranh thu mua, các đầu mối ưu tiên bán cà phê thô hơn là đầu tư cho chế biến.

Xuất khẩu rau quả tăng đột biến tháng đầu năm

Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả, trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 459 triệu USD, tăng 89,2% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là tháng đầu năm có tăng trưởng cao nhất so với các năm trước đây.

Sầu riêng Việt ngày càng được Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: VnExpress.

Xuất khẩu rau quả tháng đầu năm tăng mạnh do các sản phẩm sầu riêng, chuối, thanh long được Trung Quốc mua nhiều. Hiện, các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế. Thị trường Trung Quốc khan hàng giúp hoạt động xuất khẩu chuối Việt Nam thuận lợi hơn.

Phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ, EU cũng sắp mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây Việt Nam. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ.

Hàng hóa dồi dào, khách rộn ràng sắm Tết

Hiện nay, hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi, kết hợp sự kiện lễ hội tết, phiên chợ Tết… đang diễn ra ở một số quận, huyện, TP Thủ Đức góp phần thúc đẩy sức mua trên địa bàn TP.HCM “ấm” dần.

Hiện, số lượng người dân, du khách “đổ” về các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM hai ngày cuối tuần tiếp tục tăng đáng kể so với ngày bình thường. Trong đó, các mặt hàng mứt tết, bánh kẹo, trái cây sấy, giỏ quà Tết… được quan tâm và chọn mua nhiều.

Góp phần ổn định giá bán, các kênh phân phối hiện đại ở TP.HCM (48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị, hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi) đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá ưu đãi, phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn.

Song song đó, các đơn vị cũng sẵn sàng phương án tăng lượng hàng gấp 2 - 3 lần so với bình thường; kéo dài thời gian bán hàng (tới đêm khuya) để người dân thoải mái sắm Tết.

"Bùng nổ" xu hướng cửa hàng không nhân viên

Với lý do chi phí thuê nhân viên quá cao, nhiều cửa hàng, nhà hàng ở Hàn Quốc đã mở cửa mà không có nhân viên.

Theo khảo sát gần đây của Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia từ năm 2022 đến năm 2023 cho thấy có ít nhất 6.300 cơ sở kinh doanh mô hình này. Các chủ cửa hàng cho biết dù không gặp mặt trực tiếp khách hàng nhưng điều quan trọng là họ phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và thu hút khách hàng thông qua các kênh tiếp thị khác.

Tuy nhiên, thách thức mà các chủ cửa hàng không có nhân viên phải đối mặt là nạn trộm cắp. Theo dữ liệu của cảnh sát, đã có 6.018 trường hợp trộm cắp được báo cáo tại các cửa hàng không có nhân viên vào năm 2022, tăng 71,25% so với năm 2021. Sự gia tăng tội phạm đặc biệt đáng chú ý là nhóm thanh thiếu niên.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cơ sở kinh doanh, khách hàng và thậm chí làm gia tăng tội phạm trộm cắp ở đất nước này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất