, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 25/02/2024, 07:00

Điểm tin ngày 25/2: Giá lúa thấp nhất nửa năm qua; Tặng tiền "khủng" khuyến khích nhân viên nữ sinh con

CAO ĐOÀN
(Tổng hợp)

Giá hồ tiêu diễn biến trái chiều, có nơi vượt mốc 100.000 đồng/kg

Giá hồ tiêu tại thị trường trong nước đang biến động trái chiều. Một số nơi ghi nhận mức giảm, trong khi số nơi khác tiếp tục tăng so với ngày trước đó.

13 doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng vì 58 container tiêu mắc kẹt tại Nepal, Ấn Độ - Ảnh 1.
Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Cụ thể, giá hồ tiêu (loại đen, khô) được nhiều nông dân tại các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, bán ra dao động đang ở mức phổ biến 93.000 - 96.000 đồng/kg tùy loại, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Giá tại Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... đang dao động 95.000 - 98.000 đồng/kg tùy loại, giảm 500 - 1.000 đồng/kg.

Tuy vậy, một số nông dân cho biết vẫn bán được với giá 98.000 - 101.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó.

Giám đốc một công ty xuất khẩu hồ tiêu tại TP.HCM cho biết: thực tế thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch nhiều. Giá thế giới cao hơn trong nước, thêm tâm lý sợ thiếu hàng và tăng giá nên nhiều doanh nghiệp chủ động tăng lượng mua vào, đẩy giá hồ tiêu tăng nóng.

Dệt may, da giày còn khó trong nửa đầu năm

Hai tháng đầu năm nhiều nhóm hàng xuất khẩu có khởi sắc nhưng với dệt may còn ì ạch. Một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đầu năm đa phần nhỏ lẻ và chấp nhận hòa vốn để lo cho công nhân có việc làm và duy trì sản xuất.

Theo sát diễn biến của doanh nghiệp ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng bên cạnh suy thoái kinh tế toàn cầu thì các cơ chế mới trong ngành dệt may cùng chi phí vận chuyển đang tăng cao khiến giá sản phẩm bị tác động, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh tìm kiếm đơn hàng và thúc đẩy đầu tư, ông Tài cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi, nghiên cứu sản phẩm, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, phù hợp với xu thế mới.

Ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Giá lúa thấp nhất nửa năm

Giá lúa tại nhiều tỉnh miền Tây giảm 2.000 đồng mỗi kg, về 7.500 - 8.500 đồng, mức thấp nhất nửa năm qua. Hiện các tỉnh miền Tây vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân với diện tích gieo sạ khoảng 1,4 triệu ha, năng suất trung bình 7,2 tấn mỗi ha.

Nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa Đông Xuân 2024. Ảnh: VnExpress.

Lý giải giá lúa giảm,ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam đang mua cầm chừng, chưa chốt các hợp đồng mới. Trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu vốn hạn hẹp nên cũng e dè thu mua khi chưa có thêm hợp đồng mới.

Tuy nhiên, ông Đôn cũng cho rằng mức 7.500 - 8.500 đồng một kg đã chạm đáy, khó giảm thêm. Bởi, Ấn Độ duy trì hạn chế xuất khẩu sau cuộc bầu cử, nguồn cung thế giới chưa dồi dào.

Tính chung vụ Đông Xuân năm nay người trồng lúa vẫn lời do giá cao duy trì suốt thời gian qua, bình quân mỗi ha 25 - 30 triệu đồng, hơn 40 - 50% năm ngoái.

Kiến nghị điều hành giá xăng dầu cả ngày nghỉ lễ, Tết

Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản đóng góp ý kiến đối với các quy định hiện hành, đề xuất nội dung nhằm xây dựng Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong đó có đề xuất điều hành giá xăng dầu cả ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán.

Sở Công thương TP.HCM cho rằng, để bảo đảm giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường thế giới, tránh ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, việc điều hành giá xăng dầu cần thực hiện xuyên suốt, cả những ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán.

Với Quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành quy định về giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương quy định cụ thể việc ban hành giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy định thông báo trước khi dừng bán hàng phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan về thủ tục hành chính và công tác cải cách thủ tục hành chính…

Đầu năm, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng mạnh

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu tiên của năm 2024, nước ta đã chi hơn 1,6 tỉ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 20% tương ứng tăng 268 triệu USD so với tháng 12/2023.

sắt thép Trung Quốc
Sắt thép Trung Quốc tăng mạnh vì có giá rẻ hơn các thị trường khác. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc với trị giá đạt hơn 1 tỉ USD trong tháng 1/2024, tăng 22% tương ứng tăng 181 triệu USD so với tháng 12/2023, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 63% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước.

Lý do Việt Nam nhập nhiều sắt thép Trung Quốc được ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt cho biết: sắt thép Trung Quốc tăng mạnh vì có giá rẻ hơn các thị trường khác. Hiện, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng nhập sắt thép để trữ hàng chuẩn bị cho sự phục hồi, triển khai trở lại của các dự án bất động sản.

Ngoài ra, lãi vay ngân hàng cũng đã hạ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước vay vốn để nhập hàng hóa phục vụ sản xuất.

Đầu năm, làng nghề vẫn đóng cửa du Xuân

Trái ngược với tình hình sản xuất nhộn nhịp đầu năm tại các công ty, doanh nghiệp, nhiều làng nghề tại các tỉnh phía Bắc vẫn chưa hoạt động. Theo truyền thống, thời điểm này người dân vẫn đang dự lễ du Xuân, trảy hội đầu năm mới.

Làng nghề mộc dân dụng, tập trung ở một số xã Hữu Bằng, Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hoài Đức (Hà Nội) hiện đều đang đóng cửa, chưa sản xuất.

Ngay bên cạnh, làng nghề tạc tượng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng) có tiếng trong cả nước về sản xuất, chế tác tượng Phật, những ngày đầu năm mới cũng khá yên tĩnh. Thỉnh thoảng mới có một vài tiếng máy chà, phun sơn, tiếng máy CNC tạc tượng... vọng lại.

Ông Nguyễn Xuân Trung, một nghệ nhân trẻ cho biết: do dịp đầu năm, đền, chùa vẫn đang tổ chức lễ hội, mọi người tranh thủ đi chơi nên chưa có đơn hàng để sản xuất. Các làng nghề truyền thống, gắn với thị trường trong nước, mang tính thời vụ nên thường chỉ bận rộn cuối năm. Đầu năm rỗi rãi người dân dành thời gian đi lễ, du Xuân.

Tặng tiền "khủng" khuyến khích nhân viên nữ sinh con

Các tập đoàn Hàn Quốc đang mở rộng các chương trình khuyến khích để nhân viên sinh con giúp nâng cao tỷ lệ sinh vốn đang thấp kỷ lục của nước này.

Nhà sản xuất đồ lót Ssangbangwool tuyên bố rằng công ty sẽ hỗ trợ tới 100 triệu won (hơn 75.000 USD) cho những nhân viên nữ đang mang thai. Theo chương trình ưu đãi của công ty, nhân viên có thể nhận được 30 triệu won cho đứa con đầu lòng, 30 triệu won nữa cho đứa con thứ 2 và 40 triệu won cho đứa con thứ 3. Thậm chí, công ty còn hỗ trợ tới 3 triệu won cho những nhân viên cần thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước đó, công ty Booyoung thông báo sẽ hỗ trợ nhân viên 100 triệu won cho mỗi ca sinh nở - mức khuyến khích bằng tiền mặt cao nhất trong số các tập đoàn của Hàn Quốc. Họ cho biết đã chuyển tổng cộng 7 tỷ won cho 70 nhân viên có một con trở lên kể từ tháng 1/2021.

Hiện chính phủ Hàn Quốc cũng đang hỗ trợ các chương trình khuyến khích sinh con của các công ty. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất