, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 27/09/2023, 09:55

Diện tích băng ở khu vực biển Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục

LÊ KIÊN
Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Hoa Kỳ (NSIDC) hôm 26/9 cho biết, diện tích băng bao phủ đại dương xung quanh Nam Cực đã xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông năm nay, làm dấy lên sự lo ngại của các nhà khoa học đối với tác động của biến đổi khí hậu đang có xu hướng gia tăng ở cực Nam địa cầu.
Một tảng băng trôi gần đảo Two Hummock, Nam Cực, ngày 2/2/2020. (Ảnh tư liệu minh họa: Reuters/Ueslei Marcelino).

Theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu, sự thay đổi này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các loài động vật sinh sản và nuôi con trên băng tuyết như chim cánh cụt, đồng thời đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu thông qua việc giảm lượng ánh sáng mặt trời phản chiếu từ bề mặt băng vào không gian. 

NSIDC cho biết, băng ở vùng biển Nam Cực đạt mức thấp đỉnh điểm vào ngày 10/9/2023 vừa qua khi diện tích bao phủ chỉ còn 16,96 triệu km2. Đây là mức thấp nhất vào mùa đông kể từ thời điểm hồ sơ vệ tinh bắt đầu được thu thập năm 1979. Diện tích băng này ít hơn khoảng 1 triệu km2 so với mức thấp kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 1986.

Nhà khoa học cấp cao của NSIDC Walt Meier cho biết, đây không chỉ là năm có diện tích băng xuống thấp kỷ lục mà còn là năm có tỷ lệ suy giảm một cách cực đoan.

Tại Nam bán cầu, các mùa trong năm đã bị đảo lộn khi băng trên biển thường đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 9, thời điểm gần cuối mùa đông và sau đó tan đến mức thấp nhất vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3, khi mà mùa hè sắp kết thúc. Mật độ băng ở biển Nam Cực vào giữa mùa hè (tháng 2) cũng đạt mức thấp kỷ lục, phá vỡ mốc trước đó được thiết lập vào năm 2022.

Hình ảnh những khối băng nhỏ nổi trên mặt nước gần Vịnh Fournier, Nam Cực, ngày 3/2/2020. (Ảnh tư liệu minh họa: Reuters/Ueslei Marcelino).

Trong thập kỷ qua, Bắc Cực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, điều này đã khiến cho diện tích băng trên biển suy giảm một cách nhanh chóng do khu vực phía Bắc ấm lên nhanh hơn 4 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Biến đổi khí hậu cũng đang làm tan chảy các sông băng ở Nam Cực, dấy lên nhiều lo ngại rằng lớp băng trên biển cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng theo. 

Trong khi nhà khoa học Walt Meier nhận định còn quá sớm khi bàn về vấn đề này thì một bài báo học thuật xuất bản trên tạp chí “Communications Earth & Environment” hồi đầu tháng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố tiềm tàng gây nên hiện tượng tan băng ở Nam Cực. Bài báo cũng cho biết, nhiệt độ đại dương ấm lên chủ yếu do phát thải khí nhà kính sinh ra bởi hoạt động của con người.

Ariaan Purich, nhà nghiên cứu băng trên biển tại Đại học Monash của Úc, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: “Thông điệp chính ở đây là bảo vệ những khu vực băng giá quan trọng trên thế giới vì nhiều lý do. Chúng ta thực sự cần phải giảm phát thải khí nhà kính".

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất