, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/02/2023, 14:00

Điệu buồn ở cầu ngói Thanh Toàn

NAM KHANG
Dấu lụt còn đường chỉ màu bạc trên cửa sổ nhà bà Nguyễn Thị Nữa ở thôn Thanh Tuyền làng Thủy Thanh Chánh. Khu vườn màu xanh trở lại, nhưng rác, bùn non còn quấn tre pheo phủ lên mấy gốc cây già. Nước sông vẫn màu gạch non như nhắc nhớ và… hăm dọa, rằng “ông tha mà bà không tha - vẫn còn cái lụt hai ba tháng mười”.
Cầu ngói Thanh Toàn mùa vắng khách.

Thủy Thanh là vùng trũng nhất huyện Hương Thủy (TP Huế), lụt như cơm bữa, nhưng nói như ông Sĩ chồng bà Nữa, là kệ chứ, ai mà ngồi chờ, được mô hay nấy, cứ dọn cứ trồng. Vườn rộng. Những khoảnh cây leo, cây mặt đất, tiếp nhau, mà theo bà Nữa là sức đâu mà tính, có tới 15 - 20 loại rau. Nắng đông hiếm hoi như tưới mật trên lá, cuốn khách vào cơn say nhẹ về giấc mơ một mảnh vườn rau sau cơn lốc áo cơm vùi vạ chốn phố phường. Còn với bà Nữa, hình như nắng át đi tiếng thở dài.

Tôi vừa lội bộ dọc sông Như Ý dẫn về cầu ngói Thanh Toàn. Mới lụt xong, sông một màu bùn non xa lạ chứ không phải một phiến xanh như chiết ra từ sông mẹ Hương Giang. Cây cầu gỗ bắc qua con hói chạy từ đầu đến cuối làng Thanh Toàn, được sinh ra khi lập làng vào thế kỷ thứ 16. Khi đã gặp những người cần gặp, tôi bèn vận vào rằng, cái nổi nênh hay hạ bạc danh tiếng chốn này, đã được định danh bởi đàn bà. Hồi đó, một người con gái làng là bà Trần Thị Định, lấy chồng quan quyền, thương bà con làng mình cứ phải lội bộ qua sông, nên cúng cho làng cây cầu gỗ, để qua thương hải tang điền, nó được đánh giá là câu cầu có giá trị nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam, và giờ đây, mở miệng ăn nói với thiên hạ về cái hay cái mạnh của làng quê mình, cũng là đàn bà.

Bà Nữa, hộ duy nhất ở Thủy Thanh còn làm vườn mẫu.

Bà Nữa là người mà lãnh đạo xã - khi lướt qua chuyện xã đã hoàn thành Nông thôn mới, là 1 trong 2 xã của Hương Thủy được chọn làm điểm để đạt Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vào năm 2025, mà xã xem ra được kỳ vọng nhất - giới thiệu tôi đi gặp, bởi bà làm vườn mẫu đạt nhất. Mẫu, là làm đúng qui trình, qui hoạch để tạo mô hình xanh ghép vào chuyện Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, kéo được khách phương xa về tham quan, trải nghiệm, là bước nhảy xa hơn trên con đường thiết lập một không gian sống xanh bình yên, no đủ và tạo ra sự riêng khác cho Thủy Thanh.

Bà Nữa như đã quen với khách đến, nét chân chất ở quê cộng với sự từng trải của người làm du lịch, “bập” ngay rằng, “đâu có dễ ăn!”. Để làm được, rất nhiều hộ đã đi làng rau Trà Quế, làng dừa Cẩm Thanh, làng du lịch cộng đồng Bh’Hôồng ở Quảng Nam để học làm vườn, chèo ghe, đón tiếp du khách về ở lại làng. Nhưng riết một hồi, chỉ còn lại một hộ làm giới thiệu chèo thuyền trên sông và bà.

“Vì sao chỉ còn mình cô trụ lại được?”. Bà cười, khiêm tốn: “Chắc vì cái duyên anh nờ…”. “Duyên chi, chắc cô phải có nghề lắm…”. “Dạ, làm cái nghề ni phải có tâm, không thì bỏ thôi”. Làm nông dễ, nhưng làm theo qui trình để giới thiệu cho người ta tham quan, cốt là khiến thiên hạ chịu móc tiền, thì đâu phải như đưa kẹo mà dụ được.

Bà kể, thu nhập trung bình, sau khi trừ hết chi phí ăn uống cho khách, chỉ hơn một triệu, nhiều là 3 - 4 triệu/tháng, mỗi năm chỉ được 2 - 3 tháng là đông khách. Thiên hạ chán, không đeo đua theo là đúng, ở đây họ đi rửa chén cho các nhà hàng, khách sạn, làm theo ca, đã hơn 5 triệu/tháng rồi. Khách tới, mình giới thiệu rau, củ, quả, cách thức trồng, thu hoạch, rồi gặt lúa, mùa nào cây nấy, thức nấy, cùng làm, hướng dẫn cho họ, xong nấu cơm họ ăn. Vừa rồi khi nước lụt rút, vợ chồng bà phải ươm bầu trong giỏ, khách có tới thì mình sẽ nói không dám trồng ra ngoài, lụt ngâm hư hết, ráo đất thì thả cho nó leo. Làm du lịch nghề nông, không chăm chỉ, không thương cây, không vui, không làm được.

“Có công ty nói, qua năm 2023, họ sẽ dẫn khách ra… tui lo lúc đó khách đông không biết nhờ ai phụ đây. Nói thiệt với anh, làm du lịch cộng đồng mà làm tập thể là thua. Hãy liên kết nhóm hộ, chừng 10 nhà, thực sự làm, phải chuyên nghiệp, may ra mới có ăn được… Các công ty lữ hành nó chọn mình chứ không phải mình chọn nó, ra đây họ kiểm tra mình đúng là hộ gia đình không, họ không ưng tập thể, bởi vì về làng quê là về nhà… Vợ chồng tôi đeo bám cũng vì muốn vui nên mới ráng tư duy”.

Giọng bà cứ đều đều. Người bà ốm tong, chỉ có đôi mắt là rực sáng như chế giễu cái nhọc nhằn của cuộc vượt thoát khỏi nếp nghĩ bao đời của người nhà nông. Ngó cung cách bà trót nước, những bọt trà sủi tăm trào lên ào ạt mà không hề tràn ra, đủ biết bàn tay khéo léo. Ai ơi, hình như bây giờ ở làng, cái kiểu rót này như thể truyền nhân thuở kinh kỳ son phấn chỉn chu mà điệu nghệ sót lại được mấy hột… Mà cái câu “muốn vui mới tư duy” ấy, phong kín một nội lực bền bỉ dẻo dai phản chiếu ở sự tận tụy với mảnh vườn, không phải để làm giàu mà là thiết lập một giá trị. Nó chỉ có thể ở những người tài giỏi thì chưa dám nói, nhưng chắc hẳn là kiên cường ngược sóng và… cô đơn.

Nhà Trưng bày nông cụ ở Thủy Thanh.

"Ai về cầu ngói Thanh Toàn - Cho em theo với một đoàn cho vui” văng vẳng một thuở, giờ là slogan khi lễ hội vào mùa. Từ festival 2000, nó đã được xướng lên, để rồi sau đó là rộn ràng Chợ quê ngày hội, Chợ đêm cầu ngói, khách đến khách đi. Cây cầu như bất động hơn khi gần đó, hai chiếc thuyền trơ khách cũng buông sào. Không lơ thơ tơ liễu buông mành, chỉ có hai bụi tre lớn ngả bóng, đủ gợi nét thanh bình trong vắng vẻ chứ không xôn xao hàng quán như ngày đó. Chẳng buồn ngồi dậy nói chuyện, chị Nguyễn Thị Loan bán giải khát ngay cầu thả ườn chân trên hàng băng gỗ trong cầu, lắc đầu “ế lắm anh, bán được mấy chai nước mô, như ngày ni chẳng có ai…”.

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch xã tiếp tôi mà coi bộ nặng nề, cứ muốn lựa lời, mà sau đó khi anh “xả” hết, tôi mới hiểu rằng, từ cán bộ đến dân chốn này, dày vò đau đáu cho chuyện trên. Từ năm 2015, khi hoàn thành giai đoạn 1 Nông thôn mới, thì xác định điểm đến du lịch cộng đồng làng quê là sản phẩm đặc trưng của Thủy Thanh, khai thác tiềm năng sẵn có của xã là bài chòi, trình diễn làm nón lá, ẩm thực, chèo thuyền, chằm nón, vườn mẫu, mở tour “Một ngày làm nông dân”, hướng tới đối tượng trực tiếp hưởng lợi là bà con. Bà con đi trải nghiệm học hỏi, rồi các dự án của Hà Lan, ILO, JICA họ đưa trực tiếp người về hướng dẫn, nghiên cứu sâu về dịch vụ du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm. Tập dượt lên xuống, học cách đón đến mời chào, thuyết minh, đến 2012 thì bắt đầu làm mạnh. Nhưng rồi thì sao? “Nay chỉ còn vài hộ tham gia, lí do là không có khách”, ông Hiệp nói.

- Quá nhiều cuộc họp từ tỉnh xuống, với những tuyên bố sẽ…sẽ…sẽ…mà?, tôi hỏi.

- Sản phẩm mình có đó, nhưng khách đi tour đã được bán, họ muốn mua chai nước thì hướng dẫn viên nói “không”, em từng làm hướng dẫn ở nhà trưng bày nông cụ nên em biết - anh Nguyễn Quang Được, cán bộ chuyên trách xã nói. Ông Hiệp thêm rằng xã mời rất nhiều người có kinh nghiệm về đánh giá, cho ý kiến, nỗ lực kết nối tour tuyến, nhưng quyền quyết định ở các công ty lữ hành, họ không đưa về thì mình chịu.

- Tại các anh không có sản phẩm đặc thù? Mâm cơm đã bày ra, nhưng họ không đến ăn, nghĩa là nấu nướng thức món không hấp dẫn…

- Chúng tôi lập 2 hợp tác xã cùng tổ hợp tác làm du lịch, nhưng thua - ông Hiệp gật - ừ, mâm cơm đã có, nhưng họ không ăn, vì mình phải có thứ đặc thù, muốn vậy phải có người chuyên sâu khai thác dịch vụ du lịch, chứ ở đây làm rau thua Trà Quế, chèo thuyền thua Cẩm Thanh, đặc thù có phải là cầu ngói đâu! Các công ty du lịch chê, nhưng khi chúng tôi hỏi vậy có cách chi các anh giúp chúng tôi không, thì họ lắc đầu...

Chỉ có dịp lễ hội mới xôn xao sắc màu.

Tôi đứng trong nhà trưng bày nông cụ của xã, ngợp trong ký ức đánh thức một thuở hoa niên chăn trâu cắt cỏ cắm mặt trên đồng. Muốn thấy thứ gì liên quan đến ruộng đồng, sông nước, bếp núc, áo quần, cả ca dao dân ca ở nông thôn miền trung thì đến đây. Ở một xã có đến 80% làm nông nghiệp như Thủy Thanh mà có được nhà này, quả là hiếm. Họ biết trưng ra để giới thiệu, cốt là để tham gia đòn bẩy hút khách, nhưng… Nhìn bà Nguyễn Thị Vui quản lý nhà này biểu diễn xay lúa, ầu ơ cái câu rủ về cầu ngói, thiệt lòng điệu lòng buồn da diết cứ đeo trì lấy mình. “Bày ra tùm lum, tụi em, bà con làm hết mình, nhưng rồi có được chi anh, bà con nói ăn chi mà làm…”, anh Được buồn bã.

Nông dân không nhìn xa, họ rất thực tế. Hiếm ai như bà Nữa, rồi bà Kiềm ở làng Vân Thê chăm chỉ chằm nón bỏ mối cho các nơi, lời lãi mỗi tháng chỉ khoảng 1 - 2 triệu, mà cái chính là giữ nghề cha ông, giúp người khuyết tật trong làng có mối làm ăn, khi tụi trẻ chẳng ai theo nghề… Có tiềm năng thực đấy, rất quê, rất dễ thương, nhưng thiên hạ lại kén, bởi một cánh én đâu làm nên mùa xuân. Làm du lịch cộng đồng đâu phải trò chơi. Một vị lãnh đạo nói rằng, đâu cũng sản phẩm na ná nhau, đâu cũng đăng ký, dứt khoát thất bại. Hãy chọn đặc thù, dám vứt bỏ cái mình tưởng là mạnh. Một mình không làm nổi thì phải liên kết. Nông thôn mới hay gắn với sản phẩm OCOP, nhưng đâu cũng như nhau, thì ai thèm ngó tới. Hiện cả nước có 6 loại hình du lịch cộng đồng phổ biến, gồm: du lịch làng, du lịch gắn với làng nghề truyền thống - thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái, văn hóa, nông nghiệp, bản địa, với khoảng 300 bản, làng, thôn, xóm tham gia. Nhưng không ít điểm dừng chân trên bản đồ là… dừng luôn.

Từng được biết đến là làng du lịch cộng đồng Cơ Tu đặc thù, nhưng nếu năm 2017, làng Đhrôồng (Đông Giang - Quảng Nam) đón 560 lượt khách, doanh thu gần 202 triệu đồng thì đến năm 2019, số khách giảm còn 186 lượt và doanh thu từ du lịch chỉ có 66 triệu đồng, từ 2021 đến nay, vì dịch, thêm đìu hiu. Danh giá như làng rau Trà Quế (Hội An), dịp 1 - 3/9 vừa rồi, bán được 33 vé! Thiếu sự chuyên nghiệp trong đầu tư nguồn lực, trí tuệ lẫn con người, làm theo phong trào, hình như hệ quả từ những năm đánh kẻng thúc trống vào hợp tác xã sau giải phóng, đã trỗi dậy và giờ bắt đầu trả giá.

Khách tây đến trải nghiệm và ăn uống tại vườn nhà bà Nữa mùa đông khách.

Tôi nhìn anh Được, nghe từ tâm tình của anh mà thấy tình yêu làng đến mụ mị trong lòng người trai trẻ, rằng bà con ưng làm giàu từ chính quê mình lắm anh, nhưng đành chịu anh ơi. Thủy Thanh đẹp lắm. Từ đây lên thành phố chỉ 8km. Hẳn ở đây, ai cũng như anh, thương nếp nhà, con đường, mảnh vườn mình, nhưng không thể đứng nhìn chịu cực. Họ phải làm, và thực sự họ đã sống nhờ không phải làm du lịch làng nghề, mà đây là vựa cúc của Thừa Thiên Huế, thời điểm này có đến hơn 5000 chậu, trung bình nếu không hư hại mưa gió, một vườn cúc 400 - 500 chậu, tết bán lời chừng 40 triệu.

Thủy Thanh cũng nổi tiếng gạo nếp thơm, vừa được một công ty ở Thái Bình vào bao tiêu sản phẩm. Nhưng, người Huế, vốn… ham chơi, đó là cốt cách của dân kinh kỳ, họ vẫn muốn… trình diễn tài năng và tiềm năng, diễn thiệt để ăn thiệt. Một khao khát đáng trân trọng. Tôi qua cầu ngói, ván gỗ êm chân, dưới cầu nước đứng im. Cầu chẳng nói, chỉ hàng ngày nhìn con dân, bao thế hệ đã đến ngồi, soi bóng. Tiền nhân để lại báu vật, từ đây mà phóng chiếu ra, sắp đặt trò chơi để mưu sinh và để chơi, không lẽ phải chờ đến dịp lễ hội, xong, tiệc tàn, chợ vãn, là … hết phim…? Dân quê đâu chỉ riêng nơi này, làm du lịch sẽ cô đơn và thất bại, khi họ chỉ có mảnh vườn, nhà nước muốn họ là điểm sáng, thì không thể đứng ngoài, mà phải làm trung gian kết nối, giúp họ định vị và khơi gợi sáng tạo, nếu không thì chỉ có những dáng ngồi lẻ loi động chân cầu, nhìn khách tây dạo quanh theo chân hướng dẫn viên mà tình cờ tôi gặp lúc ra về…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất