, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/06/2021, 09:00

Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, ấn tượng về làng nghề đất Quảng

NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN

“Lấy chồng thợ đá ăn chi
Mang ba mũi xó, xách đi, xách về…”

Trong bức khảm làng nghề thủ công truyền thống khu vực miền Trung Việt Nam, xứ Quảng đã góp một mảng màu rất đặc thù và dị biệt - mảng màu của sự lao nhọc, nặng nề, nhưng lại làm nên những kiệt tác sinh động, tô vẽ cho đời sống cá nhân lẫn cộng đồng bằng những vật dụng, tượng, tiểu tượng, phù điêu… chế tác từ đá.

Làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã có tuổi đời hàng trăm năm.

Những dòng sử liệu…

Toạ lạc dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hình thành từ những năm 50 của thế kỷ XX, khi một bộ phận cư dân làng Quán Khái tản ra từ làng gốc, và lấy nghề nông nhàn vốn có của cha ông làm sinh nghệ. Làng Quán Khái, một hương danh có từ lâu đời của xứ Quảng, được nhắc nhớ trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn vào thế kỷ XVIII khá chi tiết, khi ngôi làng này được nhận diện bằng Quán Khái Đông giáp và Quán Khái Tây giáp, trong đó, Quán Khái Đông giáp hay gọi một cách dân gian là Khái Đông, chuyên nghề điêu khắc đá.

Vào thế kỷ XIX, thời quân chủ, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Cẩm thạch: sản ở núi Ngũ Hành, huyện Diên Phước”.(1) Núi Ngũ Hành, “xưa gọi là núi Tam Thai hoặc núi Ngũ chỉ (năm ngón). Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) có sắc ban cho núi Tam Thai gọi là Thuỷ Sơn, các ngọn núi còn lại lần lược tên Mộc Sơn, Dương Hoả Sơn, Âm Hoả Sơn, Thổ Sơn và Kim Sơn, đều khắc tên vào đá núi… Núi sản đá hoa, chất trắng vân đen, dùng để chế đồ vật có hoa văn đẹp, lại có thứ đá trắng mịn như cục mỡ, dùng để chế bia đá hoặc cối đá rất tốt”.(2)

Dưới thời Pháp thuộc, Bác sĩ A. Sallet, trong Tập san Những người Bạn cố đô Huế đã thực hiện một chuyên khảo về khu vực Ngũ Hành Sơn với tên gọi là Núi đá Hoa cương. Trong chuyên khảo này, rải rác những thông tin đáng lưu ý: “Dân làng Quán Khái có nhiệm vụ phải canh giữ núi Ngũ Hành Sơn theo lệnh của vua Minh Mệnh, đổi lại, họ được tự do sử dụng các hòn đá rả ra từ các hòn núi và rơi xuống đất bằng để làm các vật dụng”, và “làng Quán Khái phải cung cấp cho nhóm thợ mỹ nghệ của hoàng cung Huế hai thợ đá, và một trong hai người này làm việc tại núi”, chế tác những vật dụng cho hoàng gia.(3)

Các sản phẩm của làng nghề khắc đá mỹ nghệ Non Nước.

… tạc thành truyền thống

Tương tự như bao làng nghề thủ công truyền thống khác trên dải đất miền Trung, làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - làng Quán Khái xưa - gắn liền với vị tổ nghề có gốc gác từ Thanh Hóa. Theo chân những người Nam tiến, cụ Huỳnh Bá Quát đã lựa chọn vùng đất dưới chân ngọn Ngũ Hành Sơn (thường gọi là núi Non Nước) làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Khởi đầu là nghề chế tác các sản phẩm dân dụng lúc nông nhàn từ nguồn đá tại chỗ, dần về sau, các thế hệ thợ thủ công đã nâng tầm sản phẩm thành những tuyệt phẩm mỹ nghệ trang trí.

Từ bộ công cụ đậm chất thủ công như búa tạ, xà beng, cây tựa… dùng để khai thác đá nguyên liệu, dưới sự hướng dẫn của “ông Võ” - thường là những người già giàu kinh nghiệm, nắm giữ yếu quyết nghề nghiệp - những người khoẻ mạnh sẽ vào núi tìm mạch đá mở hầm khai thác. Qua sự tôi luyện cùng thời gian, những người khai thác đá dần có được kỹ năng nhận biết mạch đá, đá mềm hay đá cứng, hoặc qua tiếng kêu của đá, có thể nhận biết được chất lượng và định hướng sản phẩm chế tác.

Sau khi có được nguyên liệu phù hợp, những công cụ nhỏ hơn nhưng cũng đẫm chất thủ công được sử dụng dưới sự hướng dẫn của “ông Văn” để ra phôi, các con vọt, con chạm sẽ được sử dụng để bóc tách các lớp đá; các mũi xó dùng để tách đá, đục phác thảo; mũi bạt dùng để chặt đường thẳng hay cạnh góc vuông. Sau công đoạn này, các mũi ve được người thợ sử dụng để tạo các chi tiết trên sản phẩm; khắc chữ, trang trí hoa văn; mũi ngô để tạo các đường nét lượn tròn trong đồ án trang trí; thước đo, cưa xẻ đá, cưa cắt vòng, khoan… để chế tác những chỗ eo hiểm trên tác phẩm. Và cuối cùng, bàn mài sẽ được dùng để làm bóng, làm nổi màu sắc của sản phẩm. Đôi lúc, tuỳ thuộc vào chất liệu đá, để tăng độ óng ả cho sản phẩm, người thợ nhuộm màu sản phẩm bằng hỗn hợp bã chè và xi đánh giày. Việc pha trộn hỗn hợp này - cùng với việc sử dụng nhiệt độ tạo nên sắc độ đậm nhạt của sản phẩm - cũng là một trong những yếu quyết bí truyền của người thợ đá.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu nổi tiếng với các công trình tượng chân dung.

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước rất đa dạng và phong phú, trong một thời gian dài, địa danh này là nơi thu hút đông đảo du khách tham quan và mua sắm các vật phẩm lưu niệm trên hành trình khám phá lịch sử - văn hóa vùng đất miền Trung. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người thợ đá Non Nước làm ra những sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, bình cắm hoa, chày cối…; những sản phẩm phục vụ đời sống tín ngưỡng như bia mộ, pháp tượng tôn giáo như tượng Phật, tượng La Hán, tượng Đức Mẹ, chúa Hài đồng v.v.; những sản phẩm trang trí nội - ngoại thất như sư tử, cá chép hoá rồng, rồng phun nước, phun lửa; tượng 12 con giáp hay tượng chân dung …

Đặc biệt, vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhiều người thợ đá Non Nước đã tận dụng nguồn đá sa thạch sẵn có ở Đại Lộc - Quảng Nam để chế tác tượng Chăm dưới dạng tượng tròn và phù điêu. Những sản phẩm như tượng chim thần Garuda, bò thần Nanđin, rắn thần, tượng thần Siva, Ganesha, Makara, tượng tu sĩ, vũ nữ, ngẫu tượng Yoni - Linga hay phù điêu vũ nữ… từng là một phần không thể thiếu trong không gian nội thất của các gia đình cảm mến nền nghệ thuật Champa.

Gần đây, nguồn đá Non Nước đã không còn được sử dụng bởi lệnh cấm khai thác đá tại chỗ của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực Ngũ Hành Sơn, người thợ phải nhập đá nguyên liệu từ những nơi khác để tiếp nối sinh nghệ. Với bề dày trên dưới 400 năm hình thành và phát triển, các thế hệ thợ điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - làng Quán Khái xưa, đã tạc vào lịch sử vùng đất miền Trung và xứ Quảng nói riêng chân dung một làng nghề riêng có, một làng nghề bao chứa nhiều giá trị đặc thù.

---

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí (tập 2), Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 397.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí (tập 2), Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 342 - 344.

(3) A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương”, trong B.A.V.H, tập XI/1924, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 20 - 21.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất