, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 14/07/2017, 09:58

Đình Thới Bình ngày cũ

1.

Trong tâm thức người Tây đô, không mấy ai không nhớ tới đình Thới Bình, Cần Thơ. Đình nằm phía hữu ngạn rạch Cái Khế, nếu từ vàm đi vào. Hồi đó, dân tứ xứ tụ về lập cái chợ mang tên con rạch, ghe xuồng nhộn nhịp đông ken tạo nên hoạt cảnh trên bến dưới thuyền miền Tây sông nước.

Trước lúc Pháp đặt nền cai trị Cần Thơ (1), đình Thới Bình đã được vua Tự Đức sắc phong thờ thần Bổn Cảnh Thành Hoàng (2). Nhưng, thật ra từ những buổi đầu dân miền ngũ Quảng tới nơi nầy khẩn hoang, lập làng thì, họ cũng đã thỉnh hai thần cựu tổ khai hoang phương Nam: Đông Chinh vương, Dực Thánh vương làm Thần Hoàng và tới nay, đình vẫn giữ gìn, thờ phụng (3).

Đình Thới Bình
Đình Thới Bình

- Chú Hai ơi! Có ở nhà hôn?

- Hì! Ai đó!

Ông Hai chống gậy tre bước ra cây cầu nước.

- Mèn đéc, Tư Lôi! Cột xuồng lẹ, rồi lên nhà chơi, cháu!

Ông báo động cho bà Hai trong nhà biết có khách, bằng cách nói lớn:

- Bà ơi! Thằng Tư nó xuống thăm mình.

Vàm Cái Khế nằm trên chặng thủy lộ rạch Khai Luông (nay đã lấp) tới vàm sông Cần Thơ được cồn Khương như pháo đài che chắn, bảo vệ. Mỗi lần thăm chú thím Hai, Tư Lôi chèo chiếc xuồng nhảy sóng theo lộ trình nầy. Một lộ trình mà năm nào, bà con ở miệt Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ... nườm nượp đua nhau chèo ghe xuồng mấy bận về đình Thới Binh coi hát bộ, hát Tiều...và không phân biệt đối xử, ai cũng được đình đãi ăn no nê thịt heo quay bánh hỏi, xôi nếp bánh bò...cũng có năm mưa thuận gió hòa, đình đãi bá tánh thập phương thịt heo luộc cuốn bánh tráng chấm nước mắm nhĩ cá linh Hồng Ngự.

*

- Năm nay, đình cúng lệ có gì thay đổi không, chú?

Tư Lôi nhấp rượu thuốc ngâm bìm bịp, hỏi chú Hai.

- Theo lệ cứ vậy, mần tới tới...

Rồi, ông chậm rãi nói tiếp:

- Hơn chục năm, ông đứng chưn trong Ban trị sự Đình thần Thới Bình; dù đình khá giả hay thiếu thốn, huỡn hoặc gấp... đình vẫn giữ lệ cúng: Thượng điền, Hạ điền; lệ Vía Quan Công (4) và ngoài ra chưa kể, cúng cầu an, cúng cô hồn rằm tháng bảy, có nghi thức xô giàn thí thực. Mấy lần qua xin thôi vì sức yếu, mắt mũi lem nhem, đầu óc khi nhớ khi quên nhưng, anh em trong Ban trị sự và cô bác Mạnh thường quân của đình, nằng nặc không thuận tình. Bởi, họ nại lý do thiếu Trưởng lão thay khăn Sắc Thần, một trong mười nghi thức cúng tế truyền thống của lễ Kỳ Yên thượng điền (5).

Ông nói như phân bua với Tư Lôi nhưng, kỳ thật là nói cho bà Hai nghe để thông cảm cho ông. Vì đâu, tới từng tuổi nầy, ông chưa thôi việc đình. Chẳng phải do mê mấy nường đào hát bộ như bà lầm tưởng và thường cằn nhằn; ông nghe nhức óc, rêm xương!

2.

Vậy là, Ban trị sự đình Thới Bình đồng thuận rước gánh Thành Phước của Bầu Lắm hát cúng Kỳ Yên thượng điền. Và, ba vở tuồng điển tích cổ được tuyển chọn: Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, San Hậu... trình diễn suốt ba ngày đêm xả giàn.

- Năm nào đình cũng rước gánh Thành Phước, sao không rước gánh khác, chú Hai!

Tư Lôi vừa dứt tiếng, bà Hai đang chiên bánh cóng sau bếp, nói hớt leo theo:

- Vì, Bầu Lắm có ba cô con gái mần đào hát đẹp người, bộ điệu khéo khó chê, hát giỏi... Cả mâm hội đình mê lết bánh lái, trời đánh thánh đâm, mấy ổng cũng chạy lúp xúp đi rước!

- Bà nói vậy mà nghe đặng! Bầu Lắm dân xứ mình, thuộc gia đình có điền sản khá giả ở Phụng Hiệp, yêu cô Năm đào chánh gánh hát bộ và cưới làm vợ. Thương vợ nhớ nghề, ông ta bán sạch ruộng vườn cùng vợ lập gánh hát đi lưu diễn đó đây. Ngọc Việt, Ngọc Mè, Kim Tiền là ba cô con gái cưng của ông bà Bầu Lắm thuộc hạng tài sắc vẹn toàn, rường cột của gánh. Thần còn mê, huống chi người!

Ông Hai nhắc chuyện ba năm trước, đình gặp thời buổi kinh tế suy yếu, dân chúng mần ăn khó khăn; đình không kham nổi bốn trăm giạ lúa giê sạch để bao giàn suốt ba ngày ba đêm hát cho gánh Thành Phước, đành rước gánh khác tốn phí nhẹ hơn. Rốt cuộc, bà con coi hát chê rậm rề bỏ ra về sớm, báo hại đêm cuối vỏ ca vắng hoe. Năm đó, thần quở, bịnh ôn dịch tràn lan, dân tình khốn khó.

Bỗng ông cười, ngó dưới bếp:

- Tui nhớ bà với tụi nhỏ dắt nhau đi coi đêm đầu, về nhà bà trách móc: Rước cái đồ mắc dịch, hát nhận lớp, dở ẹc!

Cũng may, tới kỳ lễ vía Quan Công, đình rước gánh hát Tiều ngon tiền như là, tạ lỗi với thần linh. Gánh hát Tiều thùng xanh (6) đi đường sông bằng ghe bầu, đào kép tập tuồng, ăn ngủ, sinh hoạt trên ghe.

Hát Tiều là một thể loại tuồng hát kéo dài từ đầu hôm tới sáng không ngưng nghỉ. Khán giả mệt, ngủ tại chỗ và thức giấc lúc nào coi tiếp lúc đó. Nửa đêm, trên sân khấu có màn đấu võ thuật hấp dẫn và dường như, ngồi trên bàn thờ Quan Vân Trường mỉm cười thích thú. Tiếng trống lớn, trống nhỏ, chập chõa, thanh la... rùm beng, vang dội một góc trời. Người coi tuồng thuộc làu làu tích truyện: Tiết Nhơn Quý chinh Đông, Địch Thanh với công chúa Thoại Ba, Bao Công xử án Quách Hòe... Lễ tự nó biến thành hội, đậm bản sắc lưu dân phương Nam.

3.

Ông Hai thoáng một chút buồn, nghĩ tới ngày nào đó ông sẽ đi về cõi khác và ông, vĩnh viễn mất niềm vui phụng sự thần linh đình Thới Bình. Chiều xuống chậm như muốn ngăn con nước lớn quá nhanh trên rạch Cái Khế. Con rạch có lẽ có trước những người đi mở đất, nó chạy cắt ngang lòng Cần Thơ để bắt gặp con rạch mang hình dạng giống con ngỗng và người đời, thản nhiên gọi tên rạch Ngỗng. Rạch Ngỗng bồi lắng phù sa, tạo những vuông đất phì nhiêu xanh ngát những vườn cây ăn trái. Ông chợt nhớ thời trai tráng, vắng gì thì vắng chớ không vắng những buổi coi hát chầu ở hai miếu Bà Chúa Xứ, Bà Vạn Ban ngũ hành; nó vừa tâm linh, vừa có một chút gì đó mơ hồ và lãng mạn.

Từ bao đời, lễ Kỳ Yên thượng điền là dịp người địa phương và dân vùng lân cận cầu Quốc thái dân an, cầu phước, cầu mưa thuận gió hòa, cầu người thương người... Ông ngẫm nghĩ: Đình Thới Bình (7) là sự hỗn dung văn hóa của miền Tây Nam bộ.

Ngại lỡ con nước, Tư Lội vội xin phép chú thím về. Bà Hai bước hớt hơ hớt hãi, thiếu điều chưn vấp ngạch cửa:

- Đâu được, con ở lại ăn bánh cóng Cần Thơ với chú thím, rồi hãy về!

Ngoài bến, con nước chiều đang lên ngập mặt rạch Cái Khế 

CAO THỊ HOÀNG

 (1) Ngày 22/3/1876, nhà cầm quyền Pháp ban hành Nghị định thành lập tỉnh Cần Thơ.

(2) Năm 1852, Tự Đức ngũ niên (đình thuộc thôn Thới Bình, huyện Phong Phú).

(3) Hai vị vương được một số nơi thờ, như: Cai Lậy (Tiền Giang), Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh)...

(4) Thượng điền: 14-16 tháng chạp, Hạ điền: 10-12 tháng 4 Âl; vía Quan Công: 13 tháng 5 và 24 tháng 6 Âl.

(5) Mười nghi thức cúng tế lễ: 1. Lễ đưa Sắc Thần du ngoạn 2. Lễ tế Thần Nông 3. Lễ thay khăn Sắc Thần 4. Lễ Xây chầu đại bội 5. Lễ Bàn Soạn 6. Lễ Túc Yết 7. Lễ Chánh Tế 8. Lễ Tôn Vương 9. Lễ tế Sơn Quân 10. Lễ Tống Khách (còn gọi Tống gió, Tống phong, Tống ôn... tùy nơi)

(6) Gánh hát Tiều (Triều Châu) loại sang: Biểu diễn nhà hát, loại bình dân: Biểu diễn sân đình, chùa. Tên gọi thùng đen, thùng đỏ, thùng xanh màu của rương đựng phông màn, trang phục dụng cụ...của gánh.

(7) Năm 1985, bài vị Thành Hoàng đình Tân An tạm đưa vô thờ chung với đình Thới Bình.

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất