, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/10/2019, 07:48

"Đô thị mới" Gia Lâm

THẢO VI

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, huyện Gia Lâm là nơi có 2 con sông lớn chảy qua: sông Hồng và sông Đuống. Trước đây, vùng bãi bồi ven sông chủ yếu chỉ trồng ngô, khoai, đậu, thế nhưng từ khi bắt tay vào thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nơi đây đã hình thành nhiều mô hình chuyên canh mang lại thu nhập cao.

 

Hiện đại hóa sản xuất

Nắm rõ mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người dân, những năm qua huyện Gia Lâm đã luôn ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đồng thời chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất.

 Làng bích hoạ Chử Xá (xã Văn Đức) là làng bích hoạ đầu tiên ở TP Hà Nội.
Làng bích hoạ Chử Xá (xã Văn Đức) là làng bích hoạ đầu tiên ở TP Hà Nội.

Với 17 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Gia Lâm là một trong những huyện dẫn đầu TP Hà Nội về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của huyện mới chỉ đạt 17,9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018, mức thu nhập bình quân đã đạt 48,9 triệu đồng/người/năm.

Phù Đổng là một trong những địa phương có số lượng đàn bò sữa lớn của Hà Nội. Bình quân lượng sữa bò sản xuất hàng ngày tại đây đạt từ 5 tấn, và hầu như đã được HTX chế biến sữa bò Phù Đổng và 2 công ty khác là Công ty sữa quốc tế IDP và Công ty sữa Vinamilk đảm bảo ký kết hợp đồng thu gom 100%, với đơn giá hiện thời dao động từ 10.000 - 12.500 đồng/lít.

Có sản phẩm khá đa dạng, phong phú, hợp thị hiếu người tiêu dùng như sữa chua ăn có đường, sữa chua nếp cẩm, sữa tươi thanh trùng, kem sữa chua, sữa chua uống... HTX chế biến Phù Đổng luôn ổn định tiêu thụ với doanh thu hàng tháng ước đạt 1,2 tỷ đồng và tạo việc làm cho 80 người (thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng).

Ngoài HTX chế biến Phù Đổng chuyên thu mua và chế biến sản phẩm sữa, trên địa bàn xã Phù Đổng còn có HTX Hiệp Thư chuyên thu gom và xử lý theo quy trình một lượng lớn phân thải bò (khoảng 12 - 12,5 tấn/ngày) thành phân hữu cơ trùn quế. Trung bình 1 tấn phân bò qua xử lý thu được khoảng 200kg phân trùn quế thương phẩm, được bán với giá 3.000 đồng/kg. Nguồn phân trùn quế còn được HTX Hiệp Thư tận dụng để phục vụ mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, hoa lan được trồng theo tiêu chuẩn công nghệ Đài Loan trong nhà màng rộng 1.300m2, tự động che lưới chống nắng và căng màng bảo ôn để duy trì nhiệt độ tiêu chuẩn, được trang bị hệ thống điều hòa làm mát bằng tường nước, quạt hút lưu thông khí tự động... Hiện nay sản lượng cây hoa thương phẩm đạt 35.000 cây/năm, đem lại giá trị kinh tế cho HTX đạt 2 tỷ đồng/năm.

Tại Đa Tốn, xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Gia Lâm (2014), thì có mô hình liên kết sản xuất rau thủy canh trong nhà kính mang lại nhiều thành quả thiết thực. Mô hình có diện tích gần 9.500m² với quy trình liên kết sản xuất chặt chẽ, chuyên nghiệp, do HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn đầu tư và quản lý. Hiện nay, mô hình đã khai thác hơn 50% quy mô diện tích, 100% sản lượng đã ký kết hợp đồng bao tiêu. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 250kg/ngày với đơn giá trung bình từ 30.000 đồng/kg, cho doanh thu khoảng 250 triệu đồng/tháng.

Cũng là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau, xã Yên Viên đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác. Việc đảm bảo chất lượng rau đã tạo ra nguồn tiêu thụ ổn định cho sản phẩm rau của địa phương. Ông Trần Văn Đào, người đã có hơn 37 năm gắn bó với nghề trồng rau tại xã Yên Viên, cho biết: “Trồng rau theo quy trình VietGAP vừa cho năng suất cao, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư vì không phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Rau sạch, an toàn nên bán rất được giá. Nhờ vậy mà thu nhập của gia đình cũng tăng gấp nhiều lần“.

Từ “quê” lên “phố”

Với mục tiêu trở thành quận vào năm 2020, huyện Gia Lâm xác định xây dựng NTM theo hướng đồng bộ với kết cấu hạ tầng khung theo tiêu chuẩn phát triển đô thị. Từ năm 2010 đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt trên 5.015 tỷ đồng. Huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông và 68km kênh cấp 3, đầu tư đồng bộ trên 411km hệ thống chiếu sáng. 151 điểm trường học, 3 trung tâm văn hóa tại các xã, 188 nhà văn hóa tại các thôn cũng được xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa...

Kết quả, 100% trục chính, đường giao thông liên thôn trên địa bàn huyện được cứng hóa; 100% đường ngõ xóm (rộng trên 2m) có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 86,63% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 75,43% hộ gia đình sử dụng nước sạch.

Con đường hoa ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.
Con đường hoa ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.

Việc triển khai Phương án "Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2018 - 2020" với những việc làm cụ thể như ra quân vệ sinh môi trường, xây dựng các tuyến đường tự quản, tuyến đường nở hoa, con đường bích họa… đã làm đổi thay môi trường trên địa bàn huyện. Cụ thể, huyện Gia Lâm đã kè cứng hóa, cải tạo 24 ao, hồ trên địa bàn; trồng hơn 10.000 cây xanh; xây dựng 123 đoạn đường nở hoa...

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường đã thu hút sự tham gia của các hội, đoàn thể và người dân. Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm cho biết, giai đoạn 2019 - 2020, huyện sẽ tập trung duy trì tiêu chí huyện NTM theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính quận theo lộ trình Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành lập quận vào năm 2020. Bên cạnh đó, tập trung tối đa các nguồn lực để nâng cao chất lượng NTM tại 20 xã và hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao tại xã Yên Viên, Phù Đổng năm 2019; xã Bát Tràng và Kim Sơn năm 2020.

Với những nỗ lực bền bỉ, trong tháng 9 vừa qua, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã được công nhận đạt chuẩn huyện Nông thôn mới năm 2018. Đây cũng là tiền đề để huyện thực hiện các tiêu chí nhằm trở thành quận trong tương lai.

THẢO VI

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất