, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 16/01/2017, 15:57

Đô thị và làng quê

TS. VŨ NGỌC HOÀNG

Khi nói đến một đô thị, người ta thường nói và hình dung về những nhà máy, những khu du lịch với nhiều khách sạn cao tầng, những phố xá nhộn nhịp, tấp nập với các ngã 5, ngã 6, đèn xanh, đèn đỏ, siêu thị, nhà hàng, sân bay và bến cảng… Nói chung, nghĩ vậy cũng không sai, lâu nay vẫn thế. Nhưng tôi không định nói về đô thị như vậy, như nó vẫn có. Tôi muốn nói về một đô thị kiểu khác, tưởng như không phải đô thị, theo cách hiểu xưa nay. Tôi muốn nói về một đô thị sinh thái - một đô thị gắn với làng quê.

Khi công nghiệp và dịch vụ phát triển, kéo theo sự phát triển của đô thị. Đã có nhiều nơi, đô thị phát triển đến mức không ngờ, sau vài ba năm trở lại đã thấy khác rất nhiều, khác hẳn, không tưởng nổi. Nhiều làng quê tươi xinh và êm đềm đã mất đi để nhường chỗ cho đô thị. Đô thị thay thế làng quê, xóa bỏ làng quê. Trong đó, có những làng quê rất đẹp. Thật tiếc!

Phố cổ Hội An. Ảnh: hoian.net.
Phố cổ Hội An. Ảnh: hoian.net.

Trong một bài ký của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam viết về Mã Châu - làng lụa quê anh ở Duy Xuyên, Quảng Nam có những đoạn thấm đượm tình quê. Ai đã từng có một tuổi thơ, một quãng đời sống ở một làng quê nào đó chắc có một hồi ức giống anh. Đó là biền dâu quanh năm xanh tốt và lũ chim chiền chiện kéo về làm tổ rất đông trên nổng cát. Những buổi tối đẹp trời tiếng hót của chúng véo von bay bổng làm rung động lòng người… đó là những lũy tre làng và chiều chiều lũ cò không biết từ đâu kéo về đậu trắng cả ngọn tre để ngủ qua đêm. Làng quê ẩn mình dưới bóng tre quanh năm êm đềm. Đó là những hàng chè tàu cao ngang ngực như những bức tường rào thẳng tắp chạy vào mỗi sân nhà và những hàng cau hoa trổ nhiều, tỏa hương thơm dìu dịu khắp cả làng. Sau này, lớn lên xa quê, có những lúc anh bỗng ngửi thấy mùi hoa cau ở đâu đó trên các nẻo đường đời, lại thấy cồn cào nỗi nhớ quê hương… Đó là cây đa cao hàng chục mét, gốc rất to, mà hồi nhỏ anh rất kính sợ nó. Sau này, trở về làng không thấy cây đa đâu nữa, bỗng từ trong thẳm sâu linh thiêng của tâm hồn mình, anh đã thấy một nỗi gì trống vắng…

Tôi muốn mượn một số đoạn trong bài bút ký đó của anh Cảnh Nam để nói về những làng quê thân yêu, yên tĩnh và xinh đẹp trên Đất Quảng mà nếu nay mai bị xóa mất thì tiếc quá.

Người châu Âu sau 200 năm phát triển đô thị, bỗng giật mình nhận ra là mình đã đánh mất những gì rất quý của các làng quê xưa. Họ cố tìm lại. Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư dựng lại cảnh quan. Với tài năng của mình, con người hoàn toàn có khả năng tạo ra những cảnh quan đẹp, rất “tự nhiên”. Nhưng dù đẹp bao nhiêu vẫn không thay thế được cái tự nhiên vốn có của nhiều đời, cái tự nhiên đã hình thành và tồn tại bền vững trong quy luật sinh tồn, dưới bàn tay của tạo hóa, cái tự nhiên có hồn, đã kết tinh thành thơ, thành nhạc, thành tình yêu và nỗi nhớ, ký ức và kỷ niệm.

Tại một số nước phát triển và đang phát triển, có những đô thị mà ở đó nhà cửa san sát, chen chúc, phố xá đông đúc nhộn nhịp, rất nhiều nhà cao tầng sát nhau, gây cảm giác chật chội, ngột ngạt, khó chịu. Những khối bê tông to lớn và hàng hóa ngổn ngang đã chèn ép và chen lấn con người. Đi trên đường phố mà giống như đi trong hang, trong hẻm, dưới đường hầm, như đi trong siêu thị. Rồi trăm nghìn loại tiếng ồn khác nhau làm nhức cả đầu. Đô thị trước nhất phải là nơi để con người sống thanh thản và yêu thương nhau, là nơi tác động âm thầm, bền bỉ và tích cực cho việc sản sinh ra các tác phẩm thi ca, âm nhạc và hội họa… Đáng lẽ phải vậy! Đáng lẽ đô thị phải được phát triển trên cơ sở, trên cái nền của văn hóa làng quê, tiếp tục nâng lên, hoàn thiện chứ không phải phá bỏ và làm lại. Cũng có những lý lẽ đáng cảm thông rằng do vấn đề tài chính, không đủ tiền vốn để xây dựng hạ tầng cho một đô thị với không gian trải rộng. Nhưng điều đó chỉ là tư duy trước đây, đã qua, không còn phù hợp nữa. Dù có lý do khách quan, dù trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng lỗi lầm thì vẫn là lỗi lầm, phải được nhận thức lại và kiên quyết điều chỉnh. Có những giá trị nhân văn vô giá không thể đo đếm bằng tiền. Mặt khác phải nhìn xa, đừng để vài chục năm nữa phải tốn rất nhiều tiền để làm lại cái bỏ đi hôm nay, tốn kém hơn nhiều lần mà vẫn không tạo được. Và, khi có ý tưởng mới, khái niệm mới về đô thị thì hạ tầng cũng phải điều chỉnh theo để phù hợp và không lãng phí.

Thành phố Ki-ép nổi tiếng là thành phố xanh nhất châu Âu. Tại đó, thành phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong không gian là rừng. Rừng chiếm đến 60% diện tích. Có rừng trong phố và có phố trong rừng. Tại Ki-ép, Paris và Mát-xcơ-va, có những khu - những chợ bán tranh vẽ. Thích lắm, có thể xem cả buổi, cả ngày. Tôi cố để ý xem thử tranh vẽ những gì. Chiếm tỷ lệ lớn nhất là rừng cây và làng quê, khoảng 70% trong tổng số. Tiếp đến là tranh vẽ về người đẹp, khoảng 10 %. Tất cả các đề tài còn lại cộng dồn chỉ chiếm 20%. Ở đây, tôi không định nói người ta vẽ gì, mà muốn nói cái gì đã gây cảm xúc nhiều nhất cho con người - cho những tâm hồn nghệ sĩ - cũng có nghĩa là đã góp phần đáng kể làm cho cuộc sống tâm hồn con người ta phong phú hơn lên. Theo nghĩa đó, phong cảnh thiên nhiên và làng quê đã trở thành văn hóa - thuộc về con người. Làng quê và rừng cây vẫn là thứ hấp dẫn nhất, gấp 7 lần so với người đẹp. Lâu nay có những lý thuyết phân chia thế giới thành 2 phần: Tự nhiên và Văn hóa. Sự phân chia đó cũng chỉ là tương đối và, trên nhiều phương diện, cách phân chia như vậy không phù hợp. Có những cái của tự nhiên mà có thể thành thơ ca và nhạc họa thì đó là văn hóa. Lâu nay, cứ hễ có dự án đô thị thì sẽ có chặt phá và san ủi, mang đến bê tông và sắt thép. Nhiều làng quê xinh đẹp đang mất dần, rồi một ngày kia chỉ còn lại trong ký ức xa mờ. Những khái niệm, nhận thức về đô thị lâu nay hình thành trong tư duy đã có quá nhiều nội dung không còn phù hợp nữa. Có lẽ chỉ nên giữ lại phần tiện ích, còn phải thay đổi căn bản về không gian sống và kiến trúc cảnh quan.

Du khách thích đến Hội An nhờ sự hài hòa của văn hóa làng và văn minh của phố. Tại thị xã này, vừa có cái êm đềm mộc mạc và chân thật của làng, lại vừa có cái tiện lợi, văn minh của phố. Nhưng cũng không được chủ quan. Trong quá trình phát triển nhanh về du lịch, điều đáng mừng, thì đồng thời cũng giảm dần sự êm đềm, thay thế vào đó là sự ồn ào nhộn nhịp, điều đáng lo. Nếu không sớm có giải pháp hợp lý thì Hội An cũng dần dần trở thành một đô thị khác, tuy có phát triển hơn (trên một số mặt, một số chỉ tiêu nào đó), nhưng lại giảm mất cái hấp dẫn, ấn tượng lâu bền.

 Các đô thị sau này có tránh được các khiếm khuyết ấy không? Tránh bằng cách nào? Trước tiên phải làm rõ trong tư duy, trong nhận thức, ở những người lãnh đạo, quản lý, ở những cán bộ thiết kế quy hoạch và thẩm định. Cần sớm có khảo sát những làng quê nào nên giữ, phải giữ, đề ra biện pháp giữ trong xu thế tất yếu của hiện đại hóa. Công tác quy hoạch phải bắt đầu trước tiên bằng việc xác định những không gian không xây dựng công trình, chỉ để trồng cây, trồng cỏ, mặt nước và thông thoáng… Lâu nay công việc của quy hoạch là bố trí xây dựng công trình gì, ở đâu, phần còn lại là những khoảng trống nhiều khi đến vô nghĩa. Bây giờ, ngược lại, xác định trước những khoảng không xây dựng công trình, coi đó là nội dung đầu tiên của quy hoạch. Phần không gian tiếp theo để xây dựng công trình, thì phải đảm bảo quy hoạch của đô thị sinh thái, cũng có chỗ đông đúc, có chỗ nhà cao tầng, nhưng không phải là cái chính. Cần tạo và giữ cho được những đô thị yên tĩnh, êm đềm với không gian trải rộng chứ không dồn ép. Đô thị không nhất thiết phải là phố xá nối tiếp nhau, liên tục, mà có thể có phố và có làng. Ở đây là những khu phố. Ở kia là những ngôi làng xinh đẹp. Rồi tiếp nữa có thể là phố. Có sao đâu. Đây chẳng qua là tổ chức không gian sống. Tổ chức thế nào để cuộc sống thú vị hơn là được. Hạn chế những khu nhà cao tầng chọc trời, làm cho con người ta trở nên “bé nhỏ” và luôn bị chèn ép bởi những khối bê tông khổng lồ, đi trên phố mà cứ như đi trong mương, trong hang. So với phố thì làng có ưu điểm về không gian sống và cái hồn quê. Hãy bảo tồn và kế thừa tối đa những ưu điểm nổi trội của làng, đưa các tiện nghi văn minh vào đó, nâng cấp các làng lên để trở thành đô thị sinh thái.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất