, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/03/2022, 07:00

Doanh nghiệp đang lo lãi suất cho vay sẽ tăng

MINH HUY
Nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp đang ngày càng tăng, nhất là khi các hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường. Trong bối cảnh gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù 2%) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang chờ hướng dẫn, doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới.

Lãi suất huy động tăng dần 

Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền về ngân hàng. Cụ thể, từ đầu tháng 2, ACB áp dụng biểu lãi suất mới tăng 0,2%/năm lên cao nhất là 6%/năm với kỳ hạn từ 15 tháng, riêng tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng lãi suất lên đến 7,1%/năm. Techcombank tăng 0,4% lên 5,8%/năm dành cho khách gửi tiết kiệm Phát lộc kỳ hạn 36 tháng. VietCapitalBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1 - 0,2%/năm. Sacombank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn lên 0,2%...

Động thái tăng lãi suất tiền gửi ngay từ đầu năm 2022 cũng dễ hiểu vì lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng 2 năm qua đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; không ít tiền gửi từ ngân hàng đã chảy sang các kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, bất động sản… Bên cạnh đó, động thái trên còn cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang gặp áp lực.

Báo cáo của các công ty chứng khoán cho biết, lãi suất liên ngân hàng trong tuần sau Tết Nguyên đán tăng mạnh, đồng loạt vượt lên trên mốc 2 - 3%/năm, trong đó lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng lên mức 3,32% và 3,39%/năm. Trước đó, NHNN cũng đã phải bơm ròng khoảng 5.600 tỷ đồng, nâng lượng tín phiếu đang lưu hành qua kênh OMO (thị trường mở) lên 15.500 tỷ đồng. 

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua khá khác biệt so với nhiều năm trở lại đây thể hiện thanh khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn sau Tết Nguyên đán. Lý giải việc này, một chuyên gia trong ngành cho rằng, sự mở cửa và hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt là nhu cầu thanh toán tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán khiến thanh khoản thị trường có phần căng thẳng hơn. Hơn nữa, các NHTM bắt đầu chạy đua tăng lãi suất để chuẩn bị thanh khoản sẵn sàng cho vay khi các hoạt động khác trên cả nước quay trở lại trạng thái bình thường. 

Nhu cầu vốn tăng 

Việc ngân hàng tăng lãi suất đã được dự đoán trước bởi lạm phát toàn cầu tăng mạnh khiến làn sóng tăng lãi suất lan rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nhấn mạnh FED sẽ tăng lãi suất sớm ngay trong tháng 03/2022. Tại Việt Nam, áp lực lạm phát không quá lớn nhưng nguy cơ nhập khẩu lạm phát cùng với việc cầu tín dụng bắt đầu tăng trở lại trong khi dòng tiền vẫn chảy vào chứng khoán, bất động sản… buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút vốn. 

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng tăng tốc ngay từ đầu năm. Theo NHNN, chỉ trong tháng 01/2022, tăng trưởng tín dụng tăng 2,74% so với cuối năm 2021, điều này cho thấy nhu cầu vốn tăng mạnh. Với diễn biến này, nhiều DN lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Đại diện nhiều ngân hàng thương mại thì cho rằng ngân hàng hiện đang kích cầu tín dụng nên lãi suất cho vay chưa thể tăng ngay; tuy nhiên, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt vào cuối quý 2/2022 như kỳ vọng cũng như nếu kinh tế hồi phục tốt hơn và NHNN điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt thì lãi suất chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với 2021. 

Phía Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng trong năm 2022, chính sách tiền tệ sẽ tập trung hỗ trợ DN. Cụ thể, trong hai năm 2022 - 2023, thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách sẽ cấp bù 2% lãi suất 40.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng cho các DN có khả năng phục hồi và trả nợ trong ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống... Hiện, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này đang được Ngân hàng Nhà nước chỉnh lý, trình lãnh đạo NHNN trước khi gửi các Bộ, ngành cho ý kiến. Theo dự kiến, gói hỗ trợ trên sẽ được triển khai trong quý 1/2022.

Liên quan đến gói cấp bù lãi suất này, vấn đề mà doanh nghiệp mong chờ nhất là điều kiện vay thế nào, đối tượng vay ra sao. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng vì không đủ điều kiện được cấp bù lãi suất bởi ngành ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng. Trong khi đó, đối với NHTM, cơ chế cấp bù lãi suất như thế nào là vấn đề đang được quan tâm. Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính nên công bố danh sách cụ thể hoặc phải quy định đối tượng được vay một cách cụ thể, nếu không, ngân hàng sẽ không mạnh dạn giải ngân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới

Lạm phát trên thế giới đang có xu hướng tăng, nhiều nước đã có động thái thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trở lại. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sắp tới có thể gặp thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động. Đến nay, hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất trong 2 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,8%/năm trong năm 2021 và 1%/năm trong năm 2020. Năm 2022, dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khóa, nhưng ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất