, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/11/2023, 07:00

Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang kỳ… “ngủ đông”

LONG HỒ
Mới đây EVN đã dự báo lỗ khoảng 31 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Con số này đưa ra, đã dẫn tới nhiều phân tích, nhận định của giới làm chính sách lẫn chuyên gia, từ việc nhà nước bảo hộ, độc quyền quản lý đến sự điều hành có vấn đề của EVN.

Trong nhiều cách để bù lỗ thì tăng giá điện là phương án dễ xảy ra nhất. Khách hàng trực tiếp sử dụng điện “méo mặt” là đương nhiên, nhưng những nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng thấp thỏm không ít. Bởi càng lỗ, thì nhu cầu mua điện của EVN càng ít đi vì giá bán điện tái tạo cao hơn giá bình quân.

Việc tổ chức sản xuất, hòa lưới điện từ điện tái tạo vào lưới quốc gia, nhiều năm qua cứ đi từ diễn đàn này đến nghị sự kia, nhưng chưa có hồi kết. Lộ trình thương thảo để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo bán điện, hòa lưới cho EVN là một chặng nhiêu khê, tùy thuộc vào thủ tục giấy tờ mà họ có được bao nhiêu khi đầu tư, xây dựng, vận hành, rồi “nằm” chờ được EVN và Bộ Công Thương chấp thuận. Bên cạnh đó, lượng điện rất lớn từ nguồn năng lượng tái tạo giờ không bán được, nhà đầu tư sẽ gánh thêm khó khăn trong việc cải tạo hạ tầng lưới điện để giải phóng công suất, bởi tình trạng hiện nay là hạ tầng này kém, sức truyển tải thấp. Thiếu đầu ra, đường tải thấp, là nguyên nhân khiến các nhà máy năng lượng tái tạo chạy không hết công suất và hoạt động cầm chừng, với con số cắt giảm từ 5 - 25%, dẫn tới hụt nguồn thu.

Công trình điện mặt trời ở đông Gio Linh - Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Kha.

Đã qua rồi thời kỳ doanh nghiệp được hỗ trợ về giá thuê, mua đất, hỗ trợ giá bán, nhà đầu tư đã và đang đứng trước cơn bão dư thừa công suất điện, khó khăn tài chính, gánh nặng mua, bảo trì, duy trì thiết bị, cơ chế chính sách. Trong một phát biểu mới đây với báo chí, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho rằng, đây là thời điểm thị trường năng lượng tái tạo gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khủng hoảng, khi cơ chế chuyển tiếp chưa có, và sắp tới cơ chế thế nào để đầu tư cũng không biết. Tức là ở đây, chính sách gối đầu từ nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó, không có. Nhận thấy tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn, nhưng sức ép thị trường và thủ tục, khiến họ không dám nhúc nhích bởi không biết rủi ro sẽ ập xuống lúc nào. Cũng theo ông Bùi Văn Thịnh, thì đây là thời kỳ "ngủ đông" của doanh nghiệp. Và, thời gian ngủ càng kéo dài, thì nguy cơ thua lỗ, nợ nần càng lớn.

Giới đầu tư năng lượng tái tạo đang ở trong tình thế cực kỳ lo ngại cái gọi là giai đoạn chuyển tiếp, bởi nắm thế chủ động đàm phán là EVN. Nếu nhà nước cứ dựa vô qui hoạch để loại ra những dự án bị hết hạn qui hoạch mà không mua điện thì họ đổ vỡ. Nếu Bộ Công Thương gật đầu đồng ý với tất cả những điều kiện của EVN, cứng nhắc và thẳng thừng không đưa vào qui hoạch bổ sung các dự án quá hạn, nhất là các dự án đã và sắp hoàn thành xây dựng, lắp đặt, thì doanh nghiệp chết đứng.

Ảnh: Nguyên Kha.

Nói mãi một điều đã cũ nhưng không biết bao giờ mới khắc phục được, là Nhà nước đã không làm đủ, đúng và trách nhiệm trong câu chuyện đề ra chính sách, quản lý, hỗ trợ, điều phối cho năng lượng tái tạo được phát triển đúng nhu cầu, tiềm năng trong nước lẫn cam hết quốc tế về năng lượng xanh. Tạo sân chơi cho doanh nghiệp, nhưng với lĩnh vực điện, thì sự bất bình đẳng là quá rõ ràng.

Năm 2023, thiếu điện đã phơi bày tư duy điều hành của EVN, khiến cả nước một phen khốn đốn. Chừng nào năng lượng xanh được xem là mũi nhọn phát triển, sự bình đẳng được thiết lập về chính sách, người tiêu dùng được quyền chọn lựa, thì may ra chuyện nhà đầu tư phập phồng lo bán mua được mất, mới chấm dứt.

Điều quan trọng hơn, chính vì chỉ một mình EVN độc quyền mua bán điện, nên hễ ốm yếu ho hen là nhà nước giang tay tiếp sức mà không bắt buộc đơn vị này phải có trách nhiệm chia sẻ lợi ích toàn cục. Khi EVN vừa đá bóng vừa thổi còi, thì doanh nghiệp năng lượng tái tạo càng ở thế yếu. Và như thế, cam kết về năng lượng xanh, cuối cùng vẫn tiếp tục là câu chuyện… bàn tròn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Bồn bồn thuộc loại cây cỏ, dân địa phương hay gọi là cỏ nến. Loại cây này thường thích hợp sinh trưởng tại vùng nước phèn trũng. Ở vùng đất U Minh, nước càng đỏ thì thân cây lại càng trắng, càng mềm, vị càng ngọt, làm say lòng thực khách…
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất