, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 14/09/2022, 07:43

Doanh nghiệp tái chế nhỏ nhưng góp phần giảm lượng rác thải nhựa lớn

LÊ KIÊN
(MSN, AFP)
Khi thủ đô Jakarta của Indonesia vật lộn với vấn nạn rác thải nhựa và tình trạng chất ô nhiễm bị xả ra biển ở mức cao, có một doanh nghiệp nhỏ mới phát triển nhưng đã góp phần rất lớn vào việc thu gom tái chế rác thải nhựa, đồng thời biến chúng thành những khoản lợi nhuận.
Dian Kurniawati - Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty Tridi Oasis tại một nhà máy tái chế nhựa ở Tangerang, tỉnh Banten. (Ảnh: MSN/Adek Berry)

Kể từ khi thành lập vào năm 2016 cho đến nay, công ty Tridi Oasis với 120 thành viên đã tái chế hơn 250 triệu chai nhựa các loại. 

Chia sẻ với hãng thông tấn AFP, chị Dian Kurniawati (35 tuổi) – người sáng lập công ty Tridi Oasis nói: “Chúng tôi không xem nhựa bỏ đi là rác rưởi. Đối với chúng tôi, nó là một loại vật liệu có giá trị, chỉ có điều nó chưa được đặt đúng chỗ mà thôi.”

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia đã tạo ra khoảng 7,8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, hơn một nửa số đó không được quản lý đúng cách hoặc xử lý không đúng cách. Quốc gia này cũng đã cam kết sẽ giảm 30% rác thải nhựa trong vòng 3 năm tới, một nhiệm vụ vô cùng trọng ở quốc gia Đông Nam Á với gần 270 triệu dân, nơi mà khái niệm “tái chế nhựa” còn là hạn chế.

Indonesia đã tạo ra khoảng 7,8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, hơn một nửa số đó không được quản lý đúng cách hoặc xử lý không đúng cách. (Ảnh: MSN/Bay Ismoyo)

Công ty Tridi Oasis của Dian Kurniawati có nhà máy tái chế nhựa đặt ở tỉnh Banten, ngoại ô thành phố. Công ty thu nhận rác thải nhựa từ các trung tâm tái chế trên khắp khu vực Jakarta, nơi hiện có hơn 30 triệu dân sinh sống. Thủ đô Jakarta có quy mô diện tích và dân cư lớn, tuy nhiên thành phố này không có hệ thống thu gom rác thải cũng như các cơ sở đốt xử lý rác thải. 

Hàng đống chai nhựa được quy tập thành bãi trong nhà máy Banten, sẵn sàng được phân loại để đảm bảo không nhãn hay nắp chai bị sót lại. Sau đó, các chai nhựa sẽ được làm sạch kỹ lưỡng để loại bỏ tạp chất trước khi chúng được cắt thành các mảnh nhỏ. 

Các loại rác thải nhựa sau khi thu gom phân loại và xử lý, công ty Tridi Oasis sẽ xuất khẩu những loại nhựa có thể tái chế sang các nước châu Âu cũng như phân phối tại địa phương để chế biến làm bao bì hoặc sợi.

Là một trong những người khởi xướng phong trào "Làm sạch bãi biển Jakarta", Dian Kurniawati đã từng chứng kiến thủ đô ngập tràn trong rác thải nhựa và cô cảm thấy buồn vì đã không làm được gì nhiều để thay đổi tình hình.

Dian Kurniawati từng làm tư vấn viên trong một công ty, tuy nhiên sau đó cô đã quyết định nghỉ việc để thành lập công ty Tridi Oasis nhằm góp phần trách nhiệm nhỏ bé đối phó với cuộc khủng hoảng rác thải nhựa mà quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đang phải trải qua. 

Các nhà hoạt động môi trường tham gia một cuộc biểu tình phản đối việc lạm dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ở Jakarta vào tháng 7/2022. (Ảnh: MSN/Garry Lotulung)

Rác thải nhựa – vấn đề không của riêng ai

Fajar Sarbini - một nhân viên 24 tuổi làm việc trong công ty Tridi Oasis cho biết: “Mọi người vứt rác một cách vô ý thức, ít nhất họ cũng nên phân loại những vật liệu sắc nhọn ra, như vậy sẽ không làm hại những người thu gom rác khác. Hy vọng rằng mọi người sẽ nâng cao ý thức đối với rác thải nhựa và sẽ có nhiều người hơn nữa triển khai các dự án tái chế nhựa.” 

Công nhân thu gom rác thải (gồm cả rác thải nhựa) từ một bãi rác lân cận ở Jakarta, nơi không có hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt của thành phố và không có cơ sở xử lý đốt rác. (Ảnh: MSN/Bay Ismoyo)

Xu hướng sống xanh và bền vững của thế hệ trẻ Indonesia đang được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động tích cực đối với môi trường. Kurniawatim cho biết: "Indonesia đang bắt kịp xu hướng thế giới và tăng tốc khá nhanh vì chúng tôi nhận được sự trợ giúp lớn từ các phương tiện truyền thông xã hội và các chiến dịch thanh niên". 

Mặc dù vậy, vấn đề rác thải nhựa mà Indonesia đang đối mặt là rất lớn và các chính sách khuyến khích tái chế nhựa vẫn còn rất khiêm tốn. “Rác thải nhựa là vấn đề chung của chúng ta, việc giải quyết nó đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp của tất cả mọi người.” – Kurniawati nhấn mạnh. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất