, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/03/2023, 17:00

Độc đáo canh chua lươn hèm

TỬU HOÀNG
(phunuonline.com.vn)
Lươn có thể um, nướng, xào sả ớt… nhưng độc đáo nhất có lẽ là nấu canh chua với hèm rượu, bông lục bình.

 

Canh chua lươn bông lục bình nấu hèm nghe đậm đà mùi dân dã
Canh chua lươn bông lục bình nấu hèm nghe đậm đà mùi dân dã

Hừng đông hoặc khi mặt trời xế bóng là thời gian tiện nhất để đi xom (bắt) lươn.

Đi xom lươn người ta cầm theo cây chĩa. Chĩa xom lươn được nhiều người cho rằng do đồng bào Khmer sáng chế. Dụng cụ này làm bằng sắt tròn đường kính cỡ 1cm, dài cỡ 1m được tra vào cái cán hình ống ngắn nằm ngang dài hơn 10cm vừa tay cầm; mũi chĩa được thợ rèn đập mỏng và chẻ ra làm hai dài khoảng lóng tay nối liền với thân chĩa; cái dá (xẻng, leng) đào bắt lươn khi xom trúng nó và cái giỏ để đựng.

Rảo bước dọc các bờ kênh, các mé đìa, thấy dấu lươn thổi bùn lên thì cứ cầm chĩa xom chung quanh. Chĩa đâm trúng, lươn giãy mạnh, lúc đó người ta phải cầm vững cán chĩa và nhấn sâu xuống đất. Đến khi lươn đau chịu nằm yên mới bắt đầu lấy dá đào đất theo mũi chĩa để bắt chúng.

Tưởng chừng dễ vậy chứ cũng có lúc khó ăn.

Gặp lươn quá lớn, sức chúng mạnh, hoặc đâm không ngay chỗ hiểm, lươn sẽ gồng mình mà bẻ mũi chĩa cho sứt ra, trốn thoát.

Có lẽ từ đây, dân gian miền Tây Nam bộ xuất hiện thêm từ “bẻ chĩa” dùng theo nghĩa rộng, nhằm chỉ ai đó đã làm ngược lại hoặc không giữ lời đã hứa.

Lươn có thể đem um, nướng, xào sả ớt… nhưng độc đáo nhất có lẽ là món canh chua lươn nấu với bông lục bình, hèm rượu.

Lục bình có mặt khắp sông rạch miền đất này. Chỉ việc dùng tay tét cọng bông lên, rửa sạch, chờ ráo là đã có đủ đầy rau bổi cho nồi canh.

Để tạo vị chua, người dân quê có thể dùng cơm mẻ, trứng kiến vàng, me xanh nhưng đặc biệt thú vị nhất là nấu canh chua bằng hèm rượu.

Nồi rượu đế nấu vừa xong, khui kháp rượu ra, trã (vật dụng nấu rượu làm từ đất nung) hèm còn quá nửa. Hơi nóng bốc lên cùng với vị chua đặc trưng. Múc vài ba muỗng nước trong mà trắng ngà trên mặt của hèm cho vô nồi nấu canh.

Bắc nồi nước hèm lên bếp, chờ nước sôi thì thả lươn đã làm sạch, để ráo vào. Lươn chín vớt ra dĩa để riêng. Nêm đường, muối cho nồi canh vừa ăn rồi thả bông lục bình, rau ngò om, ngò gai hay tần dầy lá (húng chanh) vào là xong.

Múc canh ra tô, xếp những khúc lươn vàng ươm vừa chín lên trên. Nước chấm canh chua được làm từ muối hột, bột ngọt, ớt hiểm và pha loãng cũng chính từ nước của tô canh.

Bên chén cơm gạo mới thơm lựng, canh chua lươn bông lục bình nấu hèm nghe đậm đà mùi dân dã hương quê, và vang vọng mãi trong hồn người xa xứ.

Chiều chiều xách chĩa xom lươn

Bùn trơn, lươn trợt, người thương đâu rồi (ca dao).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất