, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 31/01/2022, 09:00

Độc đáo làng nghề làm bánh cà Hưng Tân

TUYẾT TRINH
Khi thời tiết chuyển mùa sang thu cũng là lúc người dân làng Nam (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) hối hả bước vào vụ bánh cà.
Bánh cà Hưng Tân.

Thức quà ngon và những bí quyết độc đáo

Không biết bánh cà có tự bao giờ, chỉ biết trong tâm trí của những người cao tuổi làng Nam, tuổi thơ của họ đã gắn liền với thức quà dân dã có hình dáng tròn nhỏ xinh như quả cà, màu vàng ươm bắt mắt và hương vị giòn tan, béo bùi, thơm ngon khó cưỡng. Theo chân chị Nguyễn Thị Hải Yến, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất bánh cà Hoài Dụng – Làng Nam, một trong những hộ làm bánh cà lâu đời của xã Hưng Tân. Được tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh cà cũng như sự tận tâm, tỉ mỉ trong từng công đoạn mới hiểu vì sao thương hiệu bánh cà làng Nam lại được nhiều người yêu thích đến thế.

Từ gạo nếp ta, trứng gà cỏ, gừng và đường cát - những nguyên liệu quen thuộc, dân dã chắt chiu trên chính mảnh đất Hưng Tân màu mỡ, những người làm nghề làng Nam đã tạo nên những viên “bi ve” hấp dẫn, gây nghiện thực khách bằng những kỹ thuật gia truyền lâu đời độc đáo. Đặc biệt, bánh cà được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu hay bột nở, cực kỳ lành tính và an toàn cho người tiêu dùng.

Nếp được chọn phải là nếp ta mới có độ dẻo cần thiết. Nếp đó được xay mịn rồi trộn theo tỷ lệ 1 cân nếp xay với 12 - 13 quả trứng gà cùng với nước cốt gừng theo tỷ lệ phù hợp. Hỗn hợp này được nhào nặn cho đến khi đạt được độ dai dẻo nhất định, không quá khô và cũng không quá ướt, có màu vàng ươm đều đẹp mắt. Sau đó được vo thành những hạt tròn nhỏ như hòn bi ve, hạt nào hạt nấy đều tăm tắp, có đường kính tầm 1cm và đem rán bằng dầu thực vật. “Khi rán phải điều chỉnh lửa phù hợp. Bằng cảm thụ tinh tế, người thợ phải biết lúc nào bánh đã chín đạt tiêu chuẩn, tránh lấy bánh ra quá sớm sẽ bị mềm, lấy ra muộn thì bánh sẽ bị khét”, chị Yến chia sẻ. Khâu cuối cùng là ngào với đường kính trắng. Bánh có ba loại cho mọi người lựa chọn: loại không đường, loại ít đường và loại nhiều đường.

Thành phẩm nhận được là những viên bi cà khoác lên mình màu vàng rộm của trứng pha trộn sự dẻo thơm của nếp và điểm trắng bởi những hạt đường trông vô cùng bắt mắt. Đưa hạt cà vào miệng, người ăn cảm nhận được sự giòn tan, ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi, mùi thơm của gừng ấm nồng thoang thoảng. Một hạt, hai hạt, ba hạt… cứ thế ăn rồi cứ muốn ăn nữa, ăn mãi chẳng muốn dừng. Những ngày thời tiết se lạnh, mời nhau cắn chút hạt cà giòn rụm, nhâm nhi cùng tách trà thơm buổi sáng để gắn kết tình làng nghĩa xóm là cảm giác vô cùng thi vị, khó quên.

Danh hiệu làng nghề và sản phẩm OCOP 3 sao

Chị Yến kể rằng ngày xưa bánh chỉ được làm vào dịp Tết để thưởng thức hoặc làm quà tặng cho ai đó trong những dịp thật đặc biệt. Con em làng Nam về thăm quê khi đi nhất định sẽ mang theo những gói bánh cà làm quà tặng đối tác, người thân, bạn bè. Tiếng lành đồn xa, bánh dần được nhiều người ưa chuộng tìm mua. Thương hiệu bánh cà làng Nam cũng nhờ thế mà vươn rộng và có chỗ đứng trên thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Nhiều hộ làm bánh đã áp dụng máy móc công nghệ vào quá trình sản xuất.

Hiện nay bánh được làm quanh năm, nhưng chính vụ vẫn rơi vào khoảng tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch. Đặc biệt là những ngày cận Tết, người dân phải tất bật chạy đua với thời gian, làm ngày làm đêm mới đủ hàng để cung ứng cho thị trường Tết. Xóm trưởng xóm Làng Nam, ông Hoàng Văn Âu cho biết, làng hiện có khoảng 250 hộ thì 80% hộ dân làm bánh cà, trong đó có khoảng 80 hộ quy mô lớn với 150 lao động. Mỗi năm làng Nam cung cấp hàng trăm tấn bánh cà cho thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành khác. Theo ông Âu, với giá bán sỉ từ 100.000 đến 120.000 đồng/cân, thu nhập từ nghề có thể đạt mức 5 triệu đồng/tháng, thậm chí là 10 - 12 triệu đồng/tháng vào những dịp đắt hàng như Tết Nguyên đán.

Để nâng cao năng suất lao động, hiện nay nhiều hộ làm bánh đã áp dụng máy móc công nghệ vào quá trình sản xuất. “Trước đây tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên rất vất vả. Đặc biệt là công đoạn tạo viên. Vào vụ chính phải huy động đến 5 lao động nhưng mỗi ngày cũng chỉ làm được tầm 10kg bột. Từ khi gia đình sắm máy vắt hạt mỗi ngày hai vợ chồng tôi cũng có thể làm được 25 - 30kg bột”, anh Phan Xuân Nhuy hồ hởi chia sẻ. Tuy vậy, theo kinh nghiệm của những người làm bánh lâu năm, công đoạn nhồi bánh vẫn cần làm thủ công mới tạo được độ tơi xốp và giòn tan cho bánh như mong muốn.

Ngày 27/12/2020, Làng Nam vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An trao bằng công nhận là làng nghề sản xuất bánh truyền thống. Hiện sản phẩm đang được trình UBND tỉnh phê duyệt sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Những thành quả đạt được đã mở ra nhiều cơ hội, chắp cánh cho bánh cà làng Nam bay xa khắp mọi miền Tổ quốc. Khi bánh cà làng Nam trở thành thức quà thiên nhiên quý giá, trong tiềm thức của người làng nghề, nghề làm bánh không chỉ là “cần” kiếm cơm gạo, mà còn là sự tự hào và niềm kiêu hãnh khi giữ lửa thành công nghề truyền thống của cha ông.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất