, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 09:57

Độc đáo nghề phục chế sách cổ

TUYẾT HỒNG
Là một trong những người trẻ hiếm hoi theo đuổi nghề tu bổ sách cổ tại Việt Nam, anh Bùi Tiến Phúc (quê Bình Thuận) đã “chữa bệnh” cho hàng trăm cuốn sách cổ, tranh ảnh, gia phả, thư tịch, sắc phong… Với anh, đây không chỉ là cái nghề nuôi sống gia đình, mà còn là trách nhiệm của người trẻ trong công tác bảo tồn di sản văn hóa cho dân tộc.
“Bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc đang tiến hành sửa chữa một tài liệu cổ.

Phục chế sách cổ và những công phu mới

Công việc sửa chữa sách cũ đã không còn quá xa lạ. Thế nhưng, những cuốn sách cổ - loại tài liệu được viết bằng chữ Hán Nôm từ hàng trăm năm trước thì lại không được nhiều người quan tâm, sửa chữa. Bởi lẽ, công việc này vừa yêu cầu người thợ có tay nghề cao, thông thạo về các kỹ năng bảo quản và phục chế, vừa có kiến thức về văn học và chữ Hán Nôm. 

Sau khi cẩn thận xem xét, người thợ phải chụp hình và ghi chép tình trạng của sách. Sau khi “chẩn đoán” bệnh, "bác sĩ" sẽ lựa chọn hai phương pháp vật lý và hóa học để “điều trị” sách. Trong đó, giấy dó (loại giấy truyền thống có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết, ít bị mối mọt, hoặc giòn gãy, ẩm nát) là loại được gia công riêng. Các hóa chất chuyên dụng cũng được đặt mua từ nước ngoài. Nhờ đó, tuổi thọ của sách sau khi tu bổ có thể lên đến hàng trăm năm.

Công việc tu bổ sách cổ đòi hỏi tính tỉ mỉ cao.

Việc tiếp nhận và chữa trị cho mỗi cuốn sách rất phức tạp. Quá trình này mất ít nhất là 1 tuần, nhiều nhất có khi lên đến cả năm. Tùy theo chất liệu và tình trạng hư hỏng, các hóa chất sẽ được cân nhắc pha trộn với liều lượng riêng. Tất cả các công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công, kể cả việc khâu lại từng đường kim mũi chỉ.

Bìa sách được đặt gia công riêng.

Anh Phúc cho hay, cơ duyên tôi đến với nghề là khi theo học Hán Nôm ở khoa Văn học và Ngôn ngữ (nay là khoa Văn học) Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM. “Trong thời gian tiếp xúc với loại hình tư liệu cổ này, tôi có rất nhiều cảm xúc. Nhìn thấy tình trạng bảo quản không đảm bảo, tư liệu cổ cần được tiến hành tu bổ để kéo dài được tuổi thọ, tôi quyết định đi học và làm nghề tu bổ sách”. 

Đơn độc, khó khăn, gia đình không ủng hộ, anh Phúc vẫn quyết tâm và xin được học bổng gần 6 năm ở Đài Loan. Tại đây, Phúc gặp Trần Bội Tuyền, người phụ nữ cùng chí hướng trong việc bảo tồn các tư liệu cổ, sau này cũng là bạn đời của anh. Sau khi hoàn thành việc học, hai vợ chồng về Việt Nam thành lập công ty Hán Nôm Đường chuyên mảng tu bổ, phục chế.

“Tôi cho đó là trách nhiệm…”

Anh Phúc cho biết: “Với tình trạng bảo quản hiện nay, nước ta đang rất cần nhân lực sửa chữa sách cổ. Đặc biệt, TPHCM chỉ mới có 2 cơ sở. Mà nghề này lại rất kén người theo đuổi vì học tập vất vả, lại đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại”.

Người thợ cần hiểu tiếng Hán Nôm để dễ dàng vá những chỗ bị rách nát hay mất chữ.

Gian nan và trắc trở, song, suốt hơn 10 năm qua, chưa bao giờ chàng trai vùng đất Tánh Linh, Bình Thuận nghĩ đến việc từ bỏ. 

Anh tâm sự: “Nghề này có những trải nghiệm rất đặc biệt. Người ta đem đến cho mình một cuốn sách hư hỏng, rách nát, phải nói là thê thảm. Nhưng sau khi phục hồi xong, cuốn sách trở về hình hài ban đầu, sử dụng được và đẹp đẽ hơn. Mình thấy bản thân làm được một việc có giá trị. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi, những làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, sẵn sàng bước tiếp với nghề”. 

Một trang sách trước (bên trái) và sau (bên phải) khi được xử lý các vết ẩm mốc, ố vàng.

Ngoài làm việc tại Hán Nôm Đường, anh dành phần lớn thời gian sửa chữa các loại tài liệu từ thư viện, bảo tàng trong và ngoài nước. Anh cũng mở workshop, dạy thỉnh giảng tại các bảo tàng, thư viện... Trong đó, anh đặc biệt nhắc tới việc trở về khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM để dạy học. 

Anh Phúc bày tỏ: “Việc giảng dạy tại trường Nhân Văn với tôi là một trách nhiệm. Ngoài việc tham gia tu bổ, bảo quản cho tất cả các tư liệu của văn phòng khoa, tôi muốn đem những kiến thức mà mình đã học được từ nơi này và cả từ nước ngoài để truyền trao cho thế hệ sau. Đây cũng là một cơ hội công việc dành cho sinh viên của khoa”. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất