, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/05/2017, 11:53

Độc đáo nhà máy trà cổ nhất Việt Nam

ĐOÀN KIÊN

CÁCH TRUNG TÂM THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT 22KM VỀ HƯỚNG ĐÔNG NAM, CÓ MỘT VÙNG TRÀ (CHÈ) NỔI TIẾNG TỪ NĂM 1927 HIỆN DO CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ CẦU ĐẤT – ĐÀ LẠT ĐẦU TƯ KHAI THÁC (TÊN GỌI BAN ĐẦU LÀ SỞ TRÀ CẦU ĐẤT L’ARBRE BROYÉ). TRẢI QUA NHIỀU GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ, TỪ KHI MỚI THÀNH LẬP NHÀ MÁY CHO ĐẾN NAY, NHÀ MÁY TRÀ CẦU ĐẤT VẪN DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CHẤT LƯỢNG VÀ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KỶ LỤC VIỆT NAM LÀ “NHÀ MÁY TRÀ CỔ XƯA NHẤT VIỆT NAM CÒN HOẠT ĐỘNG”.

Công nhân sau khi hái trà tươi xếp hàng chờ cân trà. Ảnh tư liệu

Gần 100 tuổi

Những người lớn tuổi ở xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) vẫn kể lại cho thế hệ sau rằng, từ khoảng năm 1920, trước khi Nhà máy chè Cầu Đất đi vào hoạt động vào năm 1927, người Pháp đã cho trồng trà kín những khu đồi xung quanh khu vực nhà máy. Lịch sử của nhà máy cũng từng ghi nhận, lúc thành lập (1927), nhà máy có trên 1.000 phu được người Pháp tuyển từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Các ông chủ người Pháp cũng đã nhập một hệ thống máy móc thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Tại nhà máy chế biến trà hiện nay vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn giàn máy sản xuất trà theo kỹ thuật cơ khí hồi đầu thế kỷ trước. Đây là dây chuyền sản xuất trà đen OTD truyền thống của vùng Cầu Đất. Ngoài ra, nhà máy còn giữ được 5 máy vò trà đen (hiệu Marshall sản xuất tại Anh) được người Pháp mua về từ năm 1927, công suất 180 kg/45 phút. Đặc biệt là hệ thống sàng liên hợp được Guinness công nhận là chiếc máy cổ nhất Việt Nam còn hoạt động.

Sản xuất trong phòng xay trà tươi. Ảnh tư liệu

Đến năm 1931, Sở trà Cầu Đất đã trồng và khai thác trên 600 ha, thời điểm này trà đen Cầu Đất chính thức được xuất khẩu sang Đức, Pháp và Hà Lan, đây cũng được coi là thời kỳ hoàng kim của Sở trà. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, giai đoạn từ 1960 - 1975 nhà máy do các thương gia người Hoa quản lý, liên tục thua lỗ. Sau 1975, nhà máy trà trở thành doanh nghiệp nhà nước và tiến hành cổ phần hóa vào năm 2005. Bà Nguyễn Bích Ngọc, nguyên Giám đốc nhà máy - hiện là cố vấn sản xuất của nhà máy cho biết, khi bắt đầu hoạt động theo mô hình mới, đội ngũ lãnh đạo công ty còn nhiều bỡ ngỡ, thêm vào đó tình hình xuất khẩu của ngành chè giai đoạn 2005 - 2010 gặp khó khăn do biến động của nền kinh tế thế giới, nên hoạt động của nhà máy gần như chỉ cầm chừng. Đến đầu năm 2015, Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt chính thức thành lập. Từ đây, những đồi trà bỏ hoang được chăm sóc tươi xanh trở lại; những khu vực già cỗi, kém năng suất được cải tạo trồng mới.

Do nhiều nguyên nhân, hiện nay tổng diện tích công ty giảm còn khoảng 230 ha, trong đó trà xanh 80 ha, công ty trồng lại 10 ha trà giống cũ, trồng mới 30 ha trà Ôlong giống Đài Loan. Được chăm sóc chu đáo nhất có lẽ là khu vực 3 ha trà cổ được trồng từ ngày thành lập vùng trà Cầu Đất. Những gốc trà cổ thụ gần 100 tuổi có đường kính từ 20 - 40 cm, tán lá rộng hơn 1 mét vẫn cho thu hoạch đều đặn. “Đó là một phần lịch sử của vùng sản xuất trà Cầu Đất nên chúng tôi vẫn duy trì vừa là để sản xuất, vừa để thế hệ sau có thể hình dung về lịch sử xuyên suốt chiều dài đầy biến động của ngành trà”, anh Huỳnh Văn Nghĩa, cán bộ quản lý Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt cho biết.

Để thích ứng và quản lý chất lượng ngày càng đảm bảo, Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt đã đưa ra một quy trình sản xuất khép kín và vận hành theo tiêu chuẩn HACCP. Theo đó, từ khâu nuôi trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch luôn được kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm khi xuất xưởng phải đảm bảo đủ, đúng chất lượng... Với trên 130 ha trà chất lượng cao, sản lượng bình quân hằng năm công ty đạt từ 350 - 400 tấn/năm, trong đó chè Ôlong chiếm khoảng 27 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Thương hiệu trà Cầu Đất được khách hàng biết đến thông qua các sản phẩm thế mạnh như trà ướp hương; trà cổ (sản xuất từ vùng chè cổ của thời Pháp để lại) và đặc biệt nhất chính là trà Ôlong, một trong những sản phẩm thế mạnh tạo nên thương hiệu của trà Cầu Đất hiện nay.

Công ty cổ phần Chè Cầu Đất – Đà Lạt hiện đang giữ nhiều kỷ lục độc đáo đã được công nhận như: Nhà máy trà cổ xưa nhất Việt Nam còn hoạt động; Sản phẩm duy nhất được làm từ đọt chè tuổi thọ trên 80 năm tại khu vực phía Nam; Bộ ấm chè được làm từ lò gạch Bát Tràng “truyền thống” trên 500 năm; Hộp trà duy nhất trên thế giới được trang trí bằng tranh thủy mặc - thư pháp của họa sĩ danh tiếng Trương Hán Minh.
Nhà máy đang đầu tư một dây chuyền sản xuất chè mới hiện đại hơn và nhất là quy trình sản xuất chè sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ để có thể tạo ra những loại trà ngon nhất, tuyệt hảo nhất, xứng đáng với những gì mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng trà Cầu Đất.

Bảo tàng trà đầu tiên ở Việt Nam

Sau gần 100 năm, hệ thống dây chuyền sản xuất trà cổ từ thời Pháp đã xuống cấp, nhà máy sản xuất trà cổ đã hư hỏng. Nhưng nhiều thế hệ gắn bó với Sở trà Cầu Đất năm xưa không muốn để nó trở nên hoang phế, vì thế họ đang có kế hoạch phục dựng lại nhà máy trà cổ với mong muốn để các thế hệ con cháu sau này có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành nhà máy, quá trình tồn tại và phát triển qua hàng thế kỷ. Sau khi hoàn thành, đây cũng là bảo tàng trà đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Ông Lê Đình Huân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt, cho biết: “Chúng tôi sẽ không sửa chữa nhiều, những vẻ đẹp mang tính lịch sử của nhà máy trà cổ sẽ được giữ nguyên. Những khu vực đã hư hỏng sẽ được nghiên cứu để phục dựng, trả về nguyên sơ nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ làm một bảo tàng, là nơi lưu giữ những hình ảnh, những sự kiện lịch sử và đặc biệt là những dây chuyền sản xuất trà từ năm 1927 để du khách có thể tìm hiểu nguồn gốc ngành trà”.

Vùng trà Cầu Đất hiện nay.

Phải mất ít nhất 3 tháng nữa, bảo tàng mới hoàn thành nhưng từ lâu khu vực nhà máy cổ luôn được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu. Khi đến đây là du khách sẽ được tận mắt chứng kiến, tham gia vào những công đoạn sản xuất trà, được đắm chìm trong hương vị lá trà thơm ngon say đắm lòng người.

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất