, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 08/03/2024, 09:44

Độc đáo phong tục cưới xin của người Ve

MAI HỒNG LÂM
Người Ve là bộ phận quan trọng cấu thành dân tộc Giẻ Triêng. Dân tộc Giẻ Triêng (gồm 4 nhóm người địa phương chính: Giẻ, Triêng, Ve và Bhnoong) có khoảng trên 63.300 người (theo số liệu thống kê tháng 4/2019), cư trú tập trung tại địa bàn miền núi hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam… Là một trong những tộc người sinh sống và cư trú lâu đời trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, người Ve có những phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy, một trong số đó là tục cưới xin.
Hai bên gia đình cùng nhau nhảy múa mừng đám cưới.

Do ảnh hưởng chế độ mẫu hệ, người con gái Ve được chủ động trong việc lựa chọn bạn đời. Theo phong tục của đồng bào Ve trước đây, người con gái đến tuổi trưởng thành sẽ được bố mẹ dựng cho một chiếc chòi nhỏ ở rìa làng làm nơi hò hẹn với bạn tình. Nếu cô gái yêu ai thì tìm cách đánh tiếng trước. Trong trường hợp người con trai đồng ý, đến tối anh ta sẽ tự nguyện sang chòi ngủ chung. Đêm đó, nếu chàng trai có giấc mơ xấu thì tình duyên sẽ không thành; nếu là giấc mơ đẹp, nghĩa là đã hợp nhau, hai người liền về thưa với cha mẹ để nhờ người mai mối.

Thông thường, trai gái yêu nhau luôn được bố mẹ đồng ý. Sau thời gian tìm hiểu khoảng một tháng nếu đôi trai gái ưng thuận nhau thì hai bên gia đình sẽ chuẩn bị lễ cưới mà không tiết lộ cho người ngoài biết. Họ quan niệm lễ cưới được tổ chức càng bất ngờ bao nhiêu thì sau đó cuộc hôn nhân càng hạnh phúc bấy nhiêu.

Già làng Hiên Hôn (người dân tộc Ve, 62 tuổi, ở thôn 56A, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang) cho biết: “Khi trai gái người Ve cảm mến nhau qua những điệu hát đối đáp thì nhà trai, nhà gái bắt đầu gặp mặt để lo cưới hỏi cho đôi lứa. Nghi lễ cưới chính của đôi trai gái người Ve thường được diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch, lương thực thực phẩm đủ đầy, người dân trong làng nhàn rỗi và thời tiết cũng thuận lợi”.

Chương tình phục dựng lễ cưới của người Ve tại xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Tục cưới xin của người Ve có nhiều sự độc đáo, đặc biệt là những bó củi hứa hôn. Hiện nay người Ve vẫn lưu giữ phong tục này như thông điệp tình yêu vô giá trong lễ cưới mà không có sính lễ nào có thể thay được. Trước đây, theo tục lệ, các cô gái người Ve phải chuẩn bị từ 100 đến 300 bó củi để làm của hồi môn khi về nhà chồng. Bởi vậy, khi bước qua tuổi 15, các cô gái bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi hứa hôn để đủ điều kiện lấy chồng.

Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho con gái cách nhận biết và sắp xếp bó củi hứa hôn sao cho đẹp và gọn gàng. Loại củi được người Ve chuộng nhất đó là cây xà nu (vì dễ bắt lửa) và cây dẻ (vì lâu tàn). Người Ve cho rằng, chỉ cần quan sát bó củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. 

Là một người từng theo mẹ lên rừng chặt củi hứa hôn để chuẩn bị cho lễ cưới, chị Pling Thị Húp (29 tuổi, người dân tộc Ve, trú tại thôn 56A, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ kinh nghiệm: “Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô gái khéo tay. Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra. Những thanh củi tình yêu này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để bếp gia đình chồng luôn đỏ lửa và để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét…”

Ngày nay, phong tục củi hứa hôn của người Ve được thực hiện mang tính tượng trưng. Trong mỗi dịp cưới hỏi của các cặp vợ chồng trẻ, nhà gái chỉ cần chuẩn bị 10 đến 15 bó củi để cô gái cõng về nhà chồng. Việc làm này được đưa vào nội dung của hương ước trong các buôn làng, qua đó vừa giữ được tập tục văn hóa của dân tộc, vừa bảo đảm không chặt củi phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển cây rừng…

Cô dâu chú rể uống rượu giao bôi trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên.

Theo tập tục của người Ve, việc đôi trai gái người Ve có nên vợ nên chồng hay không, có sống với nhau hạnh phúc hay không đều phải nhờ người mai mối. Họ quan niệm, ông bà mối phải là người có tư cách đạo đức tốt và có năng lực ngoại giao. Nhiệm vụ đầu tiên của người mai mối là chuyển tải ý nguyện của nhà trai đến với nhà gái.

Là một người từng mai mối thành công nhiều cặp vợ chồng người Ve, ông Pơloong Tý (43 tuổi, trú tại thôn 56A, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Trước tiên, tôi sẽ đến gặp người bố của chàng trai, nếu người bố thống nhất thì sẽ đến gặp mẹ của cô gái để chuyển tải ý kiến của nhà trai. Nếu mẹ cô gái đồng ý thì người mai mối sẽ hỏi ý kiến của cô gái rồi sau đó người mai mối sẽ về báo lại với bên nhà trai để chuẩn bị lễ cưới xin theo phong tục của người Ve”.

Từ khi đôi trai gái người Ve chấp thuận nên vợ nên chồng đến khi tiến hành lễ cưới chính thức sẽ diễn ra các nghi lễ như lễ đính hôn, lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng và lễ giã từ nhà rông. Sáng ngày diễn ra lễ cưới, họ hàng nhà gái cõng củi (lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Ve) sang nhà trai do cô dâu dẫn đầu. Số lượng củi nhiều hay ít tùy theo số lượng người thân bên nhà chồng. Củi được nhà chồng chia cho người thân thích trong họ, giữ lại một phần để khi nào nhà có việc mới đem dùng chụm lửa, nhóm bếp. Chuyển củi xong, đôi trai gái cùng bố mẹ, họ hàng vào trong nhà đã có sẵn rượu, lợn, gà, gùi đựng đồ… để làm lễ, do người mai mối điều hành.

Gia đình nhà gái tất bật chuẩn bị lễ vật để sang nhà trai.

Lợn bên nhà trai do nhà gái chọc tiết. Họ hàng có mặt, người đứng sau đặt tay lên lưng áo người chọc tiết lợn, cứ vậy, người sau đặt tay lên áo người trước nối thành hàng dài để cùng cầu nguyện cho đôi vợ chồng trẻ và chính bản thân mình được khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ, không ốm đau… Sau đó, nhà trai làm thịt lợn, nấu nướng cùng các loại thực phẩm khác, đem rượu, cơm lam ra cùng ăn uống.

Ăn uống xong, nhà trai đem tặng nhà gái một đùi sau của con lợn, gạo, muối, ớt, bầu rượu… Tất cả được bỏ vào gùi để nhà gái mang về. Người mai mối sau đó lại làm tiếp chủ lễ Tặng lễ vật. Đôi trai gái cùng bố mẹ đứng trước cái gùi đựng trang phục đã được cô gái chuẩn bị trước, họ hàng nhà gái lấy ra một chiếc váy đẹp nhất cho cô dâu mặc, sau đó mọi người lấy rượu trong ghè ra ống hoặc vỏ bầu mời nhau bằng lời hát.

Sau khi nghỉ một ngày, họ hàng nhà trai cùng những người mai mối sang nhà gái. Nhà trai sẽ chuẩn bị những thứ như gùi, cuốc, rìu, rựa, ná… Trước khi mang những thứ đó sang nhà gái, người cha căn dặn chú rể từ cách mài rựa cho sắc, cách lên dây ná cho căng… để chú rể sẵn sàng cho cuộc sống tự lập.

Nghi thức lễ cưới tại nhà trai.

Mọi lễ thức lại diễn ra như bên nhà trai. Nhà trai chọc tiết lợn bên nhà gái, mọi người lại ăn uống, hát đối đáp giao duyên chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bền lâu. Cứ như thế cuộc vui kéo dài tới chiều tối thì chiêng trống nổi lên. Khi âm vang của tiếng trống chiêng trầm hùng và tiếng kèn Đinh tút réo rắt vang vọng khắp núi rừng thì cô dâu chú rể cùng những chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống đứng thành vòng tròn bắt đầu nhảy múa những điệu múa truyền thống của người Ve.

Khi rượu cần đủ ngấm, những bước nhảy ngất ngây trong tiếng trống chiêng, tiếng kèn thì tâm hồn mỗi người tham dự lễ cưới càng thêm cởi mở. Con người, thiên nhiên, đất trời càng xích lại gần nhau, gắn bó với nhau và dường như họ muốn cỏ cây, muông thú, đất trời cùng say chung với mình, cùng vui chung với mình…

Phong tục cưới xin của người Ve là một phong tục tốt đẹp thể hiện sự khác biệt và rõ nét bản sắc văn hoá của ngư­ời Ve. Lễ cưới truyền thống của ngư­ời Ve thực sự là một ngày hội của những sắc màu, của tình yêu, khát vọng và sức sống cộng đồng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất