, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/08/2022, 06:00

Độc đáo tiếng vĩ cầm làng Then

ĐÔNG KHÁNH
Vĩ cầm (đàn violin, hay còn gọi là violon) có xuất xứ từ phương Tây và vốn là loại nhạc cụ “quý tộc”. Vậy nhưng mấy chục năm qua lại có một ngôi làng có cả trăm nông dân “chân lấm tay bùn” vẫn ngày ngày kéo loại đàn này, thả hồn mình vào giai điệu du dương của các bản nhạc từ cổ điển đến tân thời…
Nghệ sĩ Đỗ bài, người đeo kính ngồi bên trái giao lưu cùng đội văn nghệ làng Then.

Họ chính là những nông dân tại làng Then thuộc xã Thái Đào huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Không chỉ biết chơi violin, thưởng thức nó một cách say mê mà họ còn có thể đọc bản nhạc và chơi trọn vẹn thành bè tổng phổ như một dàn nhạc thính phòng thứ thiệt!

Đặc sản làng Then

Chúng tôi đến làng Then vào cuối tháng sáu khi mùa vụ đã được thu hoạch xong. Tiếp chúng tôi là đội văn nghệ của làng với màn biểu diễn bằng đàn violin đầy ấn tượng qua nhạc phẩm “Làng tôi” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ông Nguyễn Quang Khoa (63 tuổi), đội trưởng đội văn nghệ, chia sẻ: “Khi chơi vĩ cầm chúng tôi được thể hiện tình yêu, niềm say mê âm nhạc và cũng để khẳng định rằng không chỉ có người Tây hay giới nghệ sĩ mà cả những nông dân chân đất cũng có thể kéo violin”. Phong trào chơi đàn violin ở làng Then có từ những năm 50 của thế kỷ XX.

Ông Nguyễn Hữu Đưa (88 tuổi), một trong những thành viên đầu tiên của làng biết chơi violin, cho biết: “Hơn 50 năm trước, nghệ sĩ Đỗ Bài khi đó đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trong một chuyến công diễn tuyên truyền phục vụ cách mạng tại Bắc Giang đã chinh phục dân làng Then bằng tiếng đàn violin. Say tiếng đàn đó, chúng tôi mời thầy Bài ở lại truyền dạy cách chơi nhạc cụ này, rồi chính tay tôi gom nhặt tiền và cất công về Hà Nội mua đàn cùng những nhạc cụ cần thiết khác như đàn mandolin, đàn guitar, sáo trúc... Chúng tôi tập luyện cùng nhau để phục vụ văn nghệ cho cách mạng. Dần dần, nhiều người trong làng cùng tham gia, cùng chơi đàn…”.

Cổng vào làng Then.

Năm 1973, trở thành nhạc công trong Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hà Bắc, cứ hễ cuối tuần ông Đưa lại về làng truyền dạy violin cho lớp trẻ. Những ai đam mê, yêu thích vĩ cầm đều được ông truyền dạy cách chơi. Những người được xem là thế hệ đầu tiên của làng Then học vĩ cầm giờ chỉ còn vài người, tuy nhiên, điều đặc biệt chính là sự kế thừa và phát triển mạnh mẽ môn nghệ thuật này ở lớp trẻ. Cả làng giờ có đến 3 thế hệ chơi violin, thế hệ thứ nhất là những ông Đưa, ông Xích, ông Lơ...; thế hệ thứ hai cùng lứa tuổi ông Khoa và lớp măng non đang từng ngày được cha anh truyền dạy.

Một cảnh trong ê kíp của đoàn làm phim tư liệu.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Khoa cho hay: “Từ sau 1980, tôi cùng nhiều người khác trong làng vừa rời quân ngũ trở về làng mang theo nhiều kiến thức về âm nhạc được học trong quân đội nên đây là thời kỳ phong trào chơi violin của làng Then phát triển mạnh nhất”. Theo ông Khoa, thời điểm này cả làng Then có tới gần 100 người theo học violin. Ông Khoa nhớ lại: “Năm 1962, làng Then đại diện tỉnh Hà Bắc cũ đi biểu diễn ở Trung ương và được Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh, phát sóng. Năm 1976, được mời biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại Ba Đình, Hà Nội. Tháng 5/2005, đội văn nghệ làng Then vào quê Bác tham dự “Tuần lễ văn hóa Làng Sen”. Năm 2012 dàn nhạc violin của làng tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt tại TP.HCM và gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả cả nước. Năm 2019, tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế trong chương trình Giao lưu âm nhạc quốc tế tại Hải Phòng…”

Tình yêu nghệ thuật bắt đầu từ những người nông dân chất phác được lan tỏa, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác của làng. Nó không chỉ làm ấm lên đời sống tinh thần của làng quê mà còn ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật trong làng phát triển.

Những nghệ sĩ đa tài

Cũng theo ông Khoa: “Việc chơi violin ở làng “trong cái khó có cái may” bởi những năm sau giải phóng, điều kiện kinh tế rất khó khăn mà dân làng lại chơi loại nhạc cụ đắt tiền nên nhiều năm liền chúng tôi chơi nhạc trên những cây đàn rất cũ và hư hỏng nhiều bộ phận, chất lượng âm thanh rất kém. May sao vào năm 1998, một nhóm các thành viên trong “Quỹ Phát triển văn hóa Việt Nam” của Thuỵ Điển tìm về làng, thấy chúng tôi chơi đàn trong tình trạng như vậy, họ rất xúc động. Ngay sau đó, một khoản tiền hỗ trợ tương ứng 10 cây violin mới cứng đã được quỹ này tặng cho làng Then. Dân làng có thể tiếp tục học, tiếp tục chơi đàn violin là nhờ vậy”.

Anh Khoa đang thể hiện giai điệu Làng tôi của Văn Cao.

Không chỉ chơi đàn violin giỏi, các thành viên của dàn nhạc giao hưởng làng Then còn có thể chơi thành thạo, bài bản nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc như sáo trúc, đàn bầu, đàn nhị cho đến các loại đàn hiện đại như guitar, organ... Các nhạc phẩm như: Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao hay Thiên thai, Du kích sông Thao cho đến Speak softly love (Nói lời yêu dịu dàng) của Mino Roto… đều có thể cất lên réo rắt qua ngón đàn tài hoa của người nông dân làng Then. 

Hiện nay, đội văn nghệ nông dân làng Then có thể chơi hoàn chỉnh nhiều bản nhạc lớn và khó, kể cả nhạc Jazz (dưới sự hướng dẫn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) bên cạnh những bài nhạc dân gian thuộc thể loại quan họ, chèo...

Lớp nghệ sĩ đầu tiên của làng phấn khởi khi được gặp lại người thầy cũ.

Vài năm trước, trong một lần về thăm làng, nghệ sĩ Đỗ Bài, người thầy dạy đàn violin đầu tiên cho làng Then, đã rất xúc động: “Năm tháng chiến tranh tàn khốc vậy mà làng Then vẫn có thể duy trì phong trào chơi vĩ cầm một cách mạnh mẽ và phát triển nó một cách chuyên nghiệp như ngày nay, các nhạc công của làng Then quả không hề thua kém những nghệ sĩ thực thụ…”.

Giây phút trao đổi giữa nghệ sĩ Đỗ Bài người đeo kính và lớp trẻ làng Then.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù có lúc trầm, lúc bổng nhưng tiếng đàn vĩ cầm réo rắt chưa hề tắt ở làng Then và ngày nay, với gần 100 chiếc đàn vĩ cầm và cả trăm nông dân biết chơi violin quả thật là điều rất đáng ngưỡng mộ!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất