, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 21/11/2020, 13:01

Đôi bóng tùng già bên mộ liệt sĩ

VŨ THÙY AN
Sáng muộn. Sau chút mưa phùn lất phất, nắng tím trong veo tràn trên những phiến đá hoa cương khi tôi cúi mình thắp từng nén hương vào chiếc lư nhỏ phía trước những ngôi mộ. Làn khói hương mỏng mảnh tỏa ấm lên dòng chữ trên mộ bia: “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Tôi bước sang hàng mộ bên cạnh, rồi bên cạnh nữa. Nắm hương thật dày trong tay tôi vơi dần, vơi dần. Nhưng những mộ bia thì vẫn vô danh...
Ông Hai Thương thắp hương cho các ngôi mộ liệt sĩ.

Ai sinh ra cũng có cái tên cha mẹ đặt cho, vậy mà khi mất đi các liệt sĩ này lại không có được cái tên đó trên bia mộ”… Giọng nói buồn buồn của ông Hai Thương làm sống mũi tôi cay cay. Tôi ngẩng lên nhìn người quản trang già đã dành 21 năm của cuộc đời mình ở nghĩa trang này để chăm sóc mấy ngàn phần mộ liệt sĩ. Mắt ông cũng đang ngấn ướt - hẳn không phải vì khói hương đang bảng lảng trên những ngôi mộ không tên. Đàng kia, phía khu mộ xa nhất, vợ ông đang lúi húi làm cỏ quanh những mộ bia có dòng “Họ tên” đã đề sẵn mà mãi cũng chẳng thể điền vào…

Nặng tình hương khói

Người quản trang già ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng (Long An) tên thật là Hồ Văn Thương, năm nay đã tròm trèm tuổi 70. Vợ ông tên Phùng Thị Mỹ, nay cũng đã ngoài 60. Hai vợ chồng ông quê gốc ở xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Hồi trẻ, hai ông bà làm ruộng ở Thạnh Phú, nhưng vụ mùa cứ thất bát mãi nên ông bà bàn nhau bán hết ruộng, qua xứ Vĩnh Hưng lúc bấy giờ (năm 1989) còn đất rộng người thưa để tìm kế mưu sinh. Nhưng nghề nông nơi quê mới cũng không khá hơn ở quê xưa, hai vợ chồng ông trồng lúa mùa nào cũng thất bát, phải bán đất lần hồi nuôi con.

Năm 1996, tình cờ biết Nghĩa trang liệt sĩ của huyện Vĩnh Hưng cần người quản trang, ông Hai Thương xin vào làm. Lúc đó ông cũng có nghe bà con xung quanh đồn đại nghĩa trang này… ma nhiều lắm, nhưng ông nghĩ liệt sĩ là người hy sinh vì đất nước dân tộc, lẽ nào hương hồn lại đi hù dọa nhân dân của mình. Hơn nữa, ông vào đây là để chăm sóc mộ phần và nhang khói cho hương hồn liệt sĩ, lại càng không có gì phải sợ. Một năm sau, vợ ông cũng theo chồng, xin vào nghĩa trang làm việc.

Công việc hàng ngày của hai vợ chồng ông Hai Thương là quét dọn, nhổ cỏ, nhang khói cho các ngôi mộ liệt sĩ. Sau nhiều năm quy tập, hiện ở nghĩa trang có gần 4.000 phần mộ, trong đó có hơn 3.000 mộ là của liệt sĩ chưa xác định được danh tính. “Tuy là nghĩa trang ở huyện Vĩnh Hưng, nhưng hiện giờ liệt sĩ được quy tập về đây thì ở khắp các tỉnh trong nước, đặc biệt là từ chiến trường Campuchia”... - ông Hai Thương vừa nói vừa đưa tay sửa lại mớ chân nhang trong lư hương đặt trước hai ngôi mộ được xây cạnh nhau thật đẹp trên thềm riêng, bia mộ là hai tấm đá hoa cương dựng cao, có mái che. Dõi theo ánh mắt tần ngần của ông, tôi đọc được trên hai tấm bia những dòng chữ cho biết đây là mộ phần tập thể các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Thành phố Svây-Riêng, Campuchia. Ngôi mộ bên trái là của 75 liệt sĩ, ngôi mộ bên phải là của 120 liệt sĩ, đều được Đội K73 Long An cất bốc năm 2002. “Ở đây có 4 ngôi mộ tập thể, ngoài hai ngôi này, còn một ngôi chôn cất 50 liệt sĩ, ngôi còn lại là của 23 liệt sĩ. Sống thì có tên tuổi, quê quán, gia đình rõ ràng, nhưng bây giờ mất thì xương cốt hòa lẫn nằm chung đây, thân nhân không biết ở đâu để thăm viếng, nhang khói… Tui nghĩ vong linh họ chắc buồn tủi lắm”. - Một lần nữa, mắt người quản trang già lại ngân ngấn ướt.

Bà Phụng dọn cỏ cho các ngôi mộ.

Tôi cũng bắt gặp đôi mắt ngấn ướt như thế khi vợ ông - bà Phụng suy nghĩ về câu hỏi của tôi, rằng bà có thương nhất phần mộ nào trong những mộ phần mà bà ngày ngày chăm sóc. “Thương thì thương hết đó, chứ không thương sao ở đây được hai mươi mấy năm. Nhưng mà thương nhất vẫn là những ngôi mộ chưa tìm được tên tuổi, thân nhân….” - Bà cười khi trả lời, nhưng nụ cười không kịp tròn thì bà đã phải bặm môi để ngăn đôi mắt già không rơi lệ.

Bà nói “anh kia” (cách bà gọi thân mật chồng) quản sổ sách nên có con số chính xác, còn bà chỉ biết khu mộ mà bà đang làm cỏ là Khu B, có khoảng 800 ngôi mộ của liệt sĩ vô danh được quy tập thời gian đầu, khi đó chưa đổ nền nên thấp hơn những khu còn lại. Nay có nguồn kinh phí do Bộ LĐTB&XH phân bổ về tỉnh Long An dành cho công tác đầu tư nâng cấp cải tạo nghĩa trang huyện Vĩnh Hưng, nên khu vực này sắp được nâng cấp nền và xây lại mộ bằng đá hoa cương đen cho đồng bộ với những khu mộ khác. “Tập kết vật liệu rồi đó, mà cả tuần nay mưa nên chưa thi công được. Tôi định không ra đây chi, vài bữa nữa cũng làm tới rồi, nhưng mà thấy cỏ lơ phơ vầy lòng xốn xang không chịu được. Tui nói với “anh kia” thôi kệ cứ dọn dẹp, chừng nào làm tới hẵng hay…”.

Hướng mắt về phía ông Hai Thương đang ôm cái máy xén cỏ để tạo tán hàng cây tùng trên sân lễ trước Đền tưởng niệm, bà kể hai chục năm qua “anh kia” đã nhiều lần liên hệ với các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, mong tìm chút manh mối gì đó có thể lần ra thân thế của các liệt sĩ vô danh để gắn bia và tìm lại người thân cho họ, nhưng đâu đó chỉ được vài người, còn thì vô vọng…

“Nội cảm” với người đã khuất

Tôi chưa được tiếp xúc và cũng không biết các nhà ngoại cảm đã cảm nhận người đã khuất bằng cách nào, nhưng cái cách ông Hai Thương và bà Phụng cắm cúi lau dọn các phần mộ liệt sĩ, tỉ mẩn nhổ từng cọng cỏ, chăm chút từng khóm lá cụm hoa trong khuôn viên nghĩa trang… thì không khó để tôi nhận ra những “nội cảm” hai ông bà dành cho người nằm dưới những mộ phần mà mình ngày ngày chăm sóc. Giữ cho hàng ngàn ngôi mộ tinh tươm, sáng rỡ suốt khoảng không rộng 4ha của nghĩa trang, dường không còn là công việc nữa, mà đã thành nghĩa vụ ông bà dành cho người thân trong gia đình. Bởi vậy khi nói về chuyện chăm sóc mấy ngàn ngôi mộ liệt sĩ, vợ chồng người quản trang già không thấy có gì cực khổ. “Thật sự thì nghĩa trang này có được gì là do các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ, chứ hai vợ chồng tui cũng chỉ lau chùi, quét dọn, nhang khói mộ phần cho ấm áp vong linh liệt sĩ thôi. Mà hai mấy năm ở cùng nhau đây thì như người thân trong nhà rồi, có gì đâu mà công trận”... - Ông Hai Thương nói vậy, còn vợ ông thì cười: “Ờ, như người nhà rồi mà! Mỗi lần có giỗ quảy của gia đình hay có khách đến thăm bày ăn uống, vợ chồng tui đều sắp một mâm cơm riêng mời các vị về dự”.

Bà Phụng kể, có lần bà lau dọn những phần mộ bên Khu D, giữa trưa trời đứng bóng nắng bể đầu, nhưng thấy cũng gần xong nên bà ráng làm luôn, sợ chiều mưa lại không xong việc. Bất chợt ngẩng lên, bà ngạc nhiên thấy có chú bộ đội đứng ngay cạnh, không nói gì nhưng cứ nhìn bà cười thật trìu mến. Bụng nghĩ chắc người nhà liệt sĩ đi tìm mộ, bà cười đáp lại rồi cắm cúi làm tiếp. Lát sau về lại văn phòng, bà hỏi chồng ai đến tìm mộ vậy. Ông Hai Thương ngạc nhiên bảo làm gì có ai đâu! Nhìn quanh quất không thấy ai thật, lúc đó bà mới nghĩ, chắc là mấy chú liệt sĩ thấy nắng quá nên muốn nhắc bà về nghỉ. Nhân câu chuyện bà Phụng kể, tôi hỏi hai ông bà định chừng nào sẽ nghỉ ngơi tuổi già. Cả hai ông bà cười móm mém: “Chừng tụi tui hết sức, không ai cho làm nữa thì nghỉ. Chứ giờ còn làm được thì làm, không có nghĩ đến chuyện rời khỏi đây”!

Ông Hai Thương thắp hương cho các ngôi mộ liệt sĩ.

Nghĩa trang có 7 khu mộ, mỗi ngày hai ông bà dọn dẹp từ sáng đến chiều thì được một khu, xong hết các khu thì quay lại từ đầu, cũng vừa đúng một tuần. Chẳng có ai chấm công nhắc nhở mỗi ngày, nhưng tuần nào cũng như tuần nấy, ông bà cần mẫn hết việc này lại đến việc khác, không phân biệt thứ hai hay thứ bảy, chủ nhật… “Công việc thì không nặng nề nhưng không bao giờ hết, miễn mình quyến luyến thì làm được thôi”. - Ông Hai Thương kết luận vậy, rồi mắt ông hấp háy cười khi tôi hỏi điều gì khiến ông vui nhất trong những tháng ngày quanh quẩn với mộ phần “người thân” ở đây. “Đó là những ngày Lễ Tết, khi những đoàn khách và thân nhân liệt sĩ từ khắp nơi kéo về thăm viếng nghĩa trang. Mấy lúc đó tui với bả lại hì hụi treo cờ, phướn, lo trà nước tiếp đón… Mệt nhưng mà vui lắm! Ngày thường vợ chồng tui sao thắp nhang hết mấy ngàn ngôi mộ được, nên những hôm có khách đến đông thì nhiều mộ được viếng thăm nhang khói, các liệt sĩ chắc cũng ấm áp cõi lòng…”.

Nghe ông nói, tôi lại thấy sống mũi mình cay cay. Hai mươi mốt năm làm cùng một công việc chăm sóc mộ phần liệt sĩ, niềm vui của vợ chồng người quản trang già chính là niềm vui mà ông bà nghĩ những liệt sĩ dưới mộ phần có thể cảm nhận được… Nhìn hai người già liêu xiêu đi giữa nghĩa trang, đôi bóng nhỏ bé theo bước chân người chỉ đổ chút râm mát lên từng hàng mộ, tôi thầm nghĩ, với các liệt sĩ đang nương náu nơi nghĩa trang này, bóng cây tùng có lẽ cũng chỉ râm mát đến thế mà thôi…

Bình luận

Xem nhiều





Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất