, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 27/11/2022, 19:00

“Đôi bờ”và chút hoài niệm Anh Tú

HUỲNH TRỌNG KHANG
Mới đây, tại chương trình Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân mùa 2, ca sĩ trẻ Trúc Nhân hát bài Đôi bờ khiến dân tình nức nở.
Dù mất đã lâu, nhưng nhiều người vẫn nhớ giọng hát của Anh Tú - Ảnh tư liệu.

1. Ca khúc hình như còn lọt vào top ca khúc thịnh hành trên Youtube. Chếch phía sau là vầng trăng mờ tỏ, rồi đến “nếu sớm nào ngày trở về liệu rằng em/ còn yêu anh như khi chúng ta mới yêu thương nhau” thì Nhân nghẹn ngào, không thể hát tiếp. Khán giả vỗ tay, có người khóc theo. Vầng trăng treo cao chứng kiến tất cả. Cái vầng trăng ngàn năm mà Lý Bạch đã thốt lên: “Đê đầu tư cố hương”. Nỗi nhớ cố hương đó cũng là mã cốt của bài Đôi bờ vừa đem lại màn trình diễn thành công cho Trúc Nhân. 

Nguyên tác của Đôi bờ là một ca khúc Ý, Che sarà, do Jimmy Fontana soạn nhạc, Franco Migliacci viết lời, kể về nỗi lòng nhớ quê hương của một người xa xứ. Lời tự tình riêng tư đã tìm được tiếng nói chung của những kiếp tha hương. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, Che sarà đã được dịch, được hát bằng nhiều thứ tiếng và với phiên bản tiếng Việt do nhạc sĩ Lữ Liên viết lời (Có một ca khúc lời Việt khác cũng tên Đôi bờ nhưng trên nền nhạc Nga - PV). 

Khán giả còn nhớ Lữ Liên, hẳn từng nghe những bài hát vui nhộn, trào lộng của ban kích động nhạc AVT (kích động ở đây hiểu là sôi động, kích thích) nức tiếng miền Nam một thời. Người viết các bài hài hước, tếu táo như Hội sợ vợ, Cò Tây cò Ta, cũng là người soạn lời cho những ca khúc u hoài, ngậm ngùi như Bến vắng, Lạc mất mùa xuân và Đôi bờ. Đến các ca khúc ông viết lời Việt, nỗi ngậm ngùi đó không giấu được nữa mà thành tiếng khóc. 

Lữ Liên cười trò đời, cười nỗi mình, rồi khi tiếng cười dứt, khán giả tan, còn lại đây một niềm tiếc thương cho thân phận của người viễn xứ, mang nặng cảm thức lưu đày, gợi nhớ đến Lưu đày và quê hương (L’exil et le royaume) của Camus. Riêng ở Đôi bờ, những ca từ như “buồn thương thân lang thang quê người trọn kiếp lưu đày” đã nói rõ điều đó. 

Trúc Nhân gây sốt khi thể hiện lại ca khúc “Đôi bờ” (nhạc Ý, lời Việt: Lữ Liên).

2. Lữ Liên viết ca khúc cho các con mình hát (một trong những người con tài danh của ông là ca sĩ Tuấn Ngọc) nhưng tôi thích nhất nghe Anh Tú hát. Anh Tú mất đột ngột sau cơn đột quỵ, cũng sắp tròn 20 năm. Sự “vắng mặt’’ ấy có thể khiến khán giả trẻ quên từng có một Anh Tú độc nhất vô nhị trong âm nhạc Việt Nam.

Anh Tú là em trai, nhỏ hơn Tuấn Ngọc vài tuổi. Nếu Tuấn Ngọc trầm, thì Anh Tú bổng; Tuấn Ngọc lắng đọng, chìm sâu như cú phóng xuống nước của loài bói cá, thì Anh Tú vút cao như cánh hạc chới với bay lên tầng mây. Và trên đỉnh trời cao ấy, giọng Anh Tú như mong manh run rẩy, cái run rẩy không phải vì yếu ớt mà vì cô đơn trong chính sự tự do của mình, chơi vơi nhưng tự tại. Có cảm giác chỉ cần Anh Tú mở miệng, đã tự thành hát ca. 

Trong một quán nhỏ, đèn hột vịt loe loét, rượu hay trà, cà phê hay thuốc lá cũng được, chỉ cần để “còn lại lòng ta chết trong khung trời yên vắng”, thì nhạc Anh Tú mới trôi vào người và cuộn lại ở đó, vón chặt như hòn đá. Tưởng tượng thêm cái quán đó ở thành phố Đà Lạt (nơi Anh Tú ra đời). Một chiều mưa. Một vạt rừng. Ngoài khung cửa sổ, “những tháng năm đến lá theo mùa thu chết” và lòng nặng mang mặc cảm “có riêng mình anh, lạc mất mùa xuân”. 

Lạc mất mùa xuân - một ca khúc thành công khác của Anh Tú. Nhưng vẫn là Đôi bờ và Bến vắng, mới “thấm” chất Anh Tú nhất. Hãy nghe chúng liền nhau. Bến vắng rồi Đôi bờ, tự vạch cho mình cái vùng không gian “Mưa lũ trôi quán bên sông buốt giá” và chuyện đợi chờ mãi chỉ là chờ đợi, nàng vĩnh viễn không đến và khoảng cách giữa bến bờ đo bằng nghìn trùng sóng nước. 

Tôi từng đọc đâu đó, người Nhật trong đời sống hàng ngày, ít dùng “sayonara” vì nó có nghĩa là là “vĩnh biệt” hơn là “tạm biệt”. Từ nguyên của nó, hiểu nôm na là “nếu mọi sự đã như thế”. Nghe Anh Tú hát, bao giờ cũng như ẩn dưới câu ca cũng như có câu “nếu mọi sự đã như thế” ấy. Kẻ tình si sâu nặng, nhưng biết chấp nhận, đau khổ nhưng độ lượng. Bởi “c’est la vie”, đời là thế. Vì thế người ta mới cần nghệ thuật, mới cần hát ca. 

Tôi nghĩ nhạc sĩ Lữ Liên đã viết nhạc với tâm trạng một người Việt tha hương nơi hải ngoại, ngóng về cố quận với lòng nhớ thương. Không chỉ ôm trong lòng cái ái tình cá nhân, ca khúc còn gánh trên vai nỗi buồn lịch sử của một thế hệ, một thời. Một thời đặt vào một người, gửi vào giọng hát nhẹ khôn kham của Anh Tú. 

Đôi bờ của Lữ Liên là một sự dịch, dịch từ bờ bên này sang bờ bên kia, dịch chuyển từ Việt sang Mỹ, từ nỗi buồn Ý Đại Lợi sang sầu muộn Việt Nam, dịch từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau, dịch từ giọng hát này sang giọng hát khác (Anh Tú – Lê Cát Trọng Lý – Lân Nhã - Võ Lê Vy – Trúc Nhân - …). Cũng là từng ấy chữ, cũng là từng ấy nốt nhạc; nhưng mỗi ca sĩ đem theo một niềm riêng của mình vào bài hát, đã biến cái văn bản ấy thành vô tận. Tôi giữ cho riêng mình một Đôi bờ của Anh Tú. “Cánh hạc vàng” ấy đã khuất từ lâu, nhưng tiếng hát nhẹ như mây trời mà nặng cũng tựa mây trời, vẫn cứ bay mãi. 

Thiệt ra là uống say và chuẩn bị hát karaoke rồi chợt nhớ nhiều chuyện... Chỉ là muốn giới thiệu, nếu bạn nào đã yêu Đôi bờ qua tiếng hát Trúc Nhân, thử nghe thêm Đôi bờ qua giọng Lã Anh Tú.

Tags

Bình luận


user-avt

Linh Le

20:12, 10/12/2023

Mình mê "Đôi bờ" của Nga khi vô tình nghe bài này vào một chiều cuối hè ở Boston. Chiều nay ở VN lại vô tình biết thêm một "Đôi bờ" nữa qua Youtube trong chương trình tưởng niệm cố ca sĩ Anh Tú (đây cũng là lần đầu tiên mình biết tên ông). Giai điệu bài hát khiến mình ngờ ngợ đó là ca khúc nước ngoài nên Google tìm hiểu, và giờ ở đây. Bài nào, dù là bài "dịch" từ ca khúc nước ngoài, cũng đều là tuyệt tác từ ca từ cho đến ca sĩ. Cảm ơn tác giả Lữ Liên. .

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất