, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/02/2019, 21:28

Đôi nẻo đi về

TRẦN THẾ TUYỂN

MỘT

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Ngay từ thuở ấu thơ hương vị đồng quê đã thấm vào máu thịt. Lớn lên, xa nhà đi kháng chiến. Hầu như suốt cả quãng đời cầm súng gắn với nông thôn- những cánh rừng Miền Đông Nam bộ bạt ngàn và những cánh đồng “mỏi cánh cò bay” đồng bằng sông Cửu Long.

Sau này sống ở thành phố, nhưng dường như mọi hoạt động đều hướng về nông thôn. Nơi ấy có mồ mả cha ông, có mái nhà tuổi thơ với mẹ già ngày đêm ngóng đợi các con, các cháu. Nơi ấy, những trận địa xưa một thời máu lửa. Đồng đội đã có bao người không trở về vui xuân, đón Tết với gia đình...

Có lẽ thế, những kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn; nơi thôn dã, chân quê không bao giờ phai nhạt trong ký ức của tôi.

Làm sao quên được tuổi thơ đói rét, nhưng ấm áp tình người. Làm sao quên được những ngày chiến đấu ác liệt, gian khổ, nhưng thấm đẫm nghĩa tình đồng đội...

Từ lâu Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến Tam nông. Cuộc cách mạng mang tính đột phá về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã có bước chuyển về chất. Cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới thực sự là cuộc cách mạng Xanh, không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn; mà còn gieo vào lòng người niềm tin mới, sức mạnh mới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn, cái gì có hại cho dân thì tránh xa; cái gì có lợi cho dân thì cứ thế mà làm. Và, dễ vạn lần không dân cũng chịu - khó vạn lần dân liệu cũng xong!

Dẫu kết quả mới chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Nhưng cái được trong cuộc cách mạng Xanh này vẫn là chủ yếu. Ý Đảng, lòng Dân từ chủ trương đã thành hiện thực!

HAI

Mấy chục năm nay, tôi có nhiều điểm đến, nhưng dường như chỉ có hai điểm VỀ.

Đó là VỀ vùng đất miền chân sóng Hải Hậu - nơi tôi sinh ra và VỀ miền biên giới Tây Nam- Vĩnh Hưng- nơi chúng tôi đã từng chiến đấu trong những năm kháng chiến.

Hải Hậu quê tôi xưa kia nghèo lắm. Tứ tổ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cách đây 500 năm đã khai dựng nên mảnh đất cuối biển này. Từ hai bàn tay trắng, các bậc Thành hoàng đã biến vùng đất hoang sơ, ngày đêm ì ầm tiếng sóng và ríu rít tiếng chim thành vùng đất giàu có và nghĩa tình.

Mẹ tôi kể, đầu những năm 50 của thế kỷ trước, mẹ về ở với cha cũng từ bàn tay trắng. Không mảnh đất cắm dùi, không mái lá che thân. Ngày cha tôi cùng đồng đội đánh bót Đông Biên, mẹ sinh tôi ra phải lấy lá chuối khô lót ổ.

Khi tôi đi học, đường làng lầy lội lúc mưa, bụi mù lúc nắng. Hạt cơm như nét chấm phá trong nồi cơm đầy khoai sắn. Khoai sắn cũng chưa đủ no, nói gì đến cơm trắng, cơm không...

Tác giả (trái) trong 1 lần về thăm nhà tại Hải Hậu - Nam Định. Ảnh: NVCC
Tác giả (trái) trong 1 lần về thăm nhà tại Hải Hậu - Nam Định. Ảnh: NVCC


Hải Hậu là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới. Đất và người Hải Hậu đổi thay như trong mơ. Những người con xa quê lâu ngày trở về cứ ngỡ mình lạc giữa một vùng quê giàu có và văn minh nào đó.Thế mà, nay, cuộc cách mạng Xanh đã làm đổi thay hoàn toàn bộ mặt của làng quê.

Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã thu hẹp ở mức thấp nhất. Vật thể có thể đổi thay (đổi thay đến chóng mặt). Nhưng nét đẹp văn hóa (phi vật thể) vẫn được giữ gìn, bảo trọng.

Phú quý sinh lễ nghĩa. Các lễ hội, tập quán có lúc do khó khăn về kinh tế và chiến tranh loạn lạc tạm gác thì nay như trăm hoa đua nở. Chưa bàn đến mặt trái, bất cập của nó. Nhưng xét về tổng thể, đây thực sự là bức tranh đa sắc màu, tràn dâng sức sống.

Sự đổi thay kỳ diệu ấy đã củng cố niềm tin và tạo sức bật mới. Không chỉ những ngày lễ tết mà quanh năm, dường như lúc nào mảnh đất cuối biển thuộc trấn Sơn Nam Hạ xưa này cũng như ngày hội. Những con số biết nói và hơn thế là những điều mắt thấy tai nghe cho ta cảm nhận hình hài, hồn vía của cuộc cách mạng Xanh - thực chất về nông thôn mới!

Cũng như quê hương, nơi tôi sinh ra, một chốn VỀ nữa là mảnh đất Vĩnh Hưng (Long An) - được coi như quê hương thứ 2 của những người lính Trung đoàn 174 (đoàn Cao -Bắc - Lạng).

Hằng năm ít nhất chúng tôi vài lần về đây. Nơi đây gửi gắm phần xương thịt của hàng ngàn đồng đội. Năm nào cũng thế, dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5), chúng tôi lại tụ hội về đây cùng bà con Vĩnh Hưng và cả vùng Đồng Tháp Mười tổ chức giỗ đồng đội và tri ân tổ tiên đã gầy dựng nên mảnh đất phương Nam hào phóng nắng gió này.

Cuộc cách mạng Xanh - nông thôn mới đã làm đổi thay cơ bản vùng chiến trường xưa. Trên trận địa pháo Gò Măng Đa của địch ngày trước, nay là thị trấn Vĩnh Hưng đông vui, tấp nập. Phố huyện được xây dựng căn cơ, bài bản. Có cả con đường mang tên Long Khốt.

Từ trung tâm huyện vào đồn biên phòng Long Khốt - nơi có đền thờ liệt sĩ Long Khốt, hai bên đường nhựa là những khu nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ, không kém gì thành phố.

Cây cầu sắt cũ kỹ bắc qua sông Long Khốt, nơi chúng tôi đã giành nhau với giặc gần nửa thế kỷ về trước, nay đang được xây mới với vốn đầu tư cả chục tỷ đồng. Nơi làng quê hẻo lánh này đang có sự đồng hành chia sẻ của cả cộng đồng, trong đó có chương trình Cầu Nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt thuộc Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức.

Cuối năm, khi ngọn gió “heo may” hiếm hoi trao gửi cái lạnh ngọt ngào, chúng tôi thả bộ dọc con đường nông thôn mới rực rỡ sắc hoa trên vùng chiến trường xưa mà lòng rưng rưng cảm xúc.

Gương mặt đồng đội - những người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho mùa xuân đất nước rạng ngời như những cánh mai vàng rực sáng một vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Vĩnh Hưng, Xuân Kỷ Hợi - 2019

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất