, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/06/2021, 09:04

Đòn bẩy lợi ích từ CPTPP cần “gia lực”

ANH PHƯƠNG

Hai năm sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam (từ 14/01/2019), các doanh nghiệp Việt đã được nếm “trái ngọt” nào từ Hiệp định này?

Từ khi CPTPP được thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khối tăng mạnh.

Nhiều người còn nhớ, ở thời điểm CPTPP có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công thương lúc đó, ông Trần Tuấn Anh (nay là Trưởng ban Kinh tế Trung ương), nhấn mạnh: nhờ những ưu đãi về thuế quan, CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là nông sản Việt, tại những quốc gia mà Việt Nam chưa có FTA song phương như Canada, Mexico, Peru, Australia… và FDI vào nông nghiệp sẽ chảy mạnh hơn. Thực tế thì sao?

Lượng tăng, “chất” còn khiêm tốn

Nghiên cứu mới nhất được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố giữa tháng 04/2021 cho rằng: Do năm 2020 kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 nên các kết quả thực thi CPTPP từ khi Hiệp định này có hiệu lực đến nay hầu như chỉ được phản ánh tương đối xác thực thông qua các dữ liệu thống kê của năm 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, khoảng 26% đến 36%.

Đặc biệt, CPTPP thể hiện hiệu ứng tích cực trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ, không chỉ trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico), mà cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile). Tuy thế, nếu phân tích kỹ hơn, có thể thấy lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng kỳ. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67% - mức rất thấp, không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác.

Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả năm đầu thực thi CPTPP cũng chưa mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, nghĩa là không những không tăng, mà còn giảm gần 36% so với năm 2018. Trong khi tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này thì đây là kết quả ít nhiều gây thất vọng. Năm 2020, tình hình có được cải thiện hơn: tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với 2019 trong khi tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm lại giảm gần 25%.

Một dữ liệu đáng lưu ý khác là trong số các doanh nghiệp được hỏi, mới chỉ có 1/4 cho biết đã từng được “nếm trái ngọt” từ CPTPP. Trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (khoảng 52% doanh nghiệp các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực) thì khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này. Có tới 64% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cho rằng CPTPP chưa tác động gì đến họ.

Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường truyền thông

Để gia lực cho “đòn bẩy” nhằm tối đa hóa lợi ích có được từ CPTPP, cần phải nhìn vào từng khu vực doanh nghiệp khác nhau để có những giải pháp hiệu quả.

Khi được hỏi về các tác động cụ thể của CPTPP, nhóm doanh nghiệp từng được hưởng lợi từ Hiệp định này cho biết, lợi ích phổ biến nhất với họ vẫn là thuế quan. Kế đến là tác động từ thể chế (cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách, pháp luật trong thời gian kể từ khi CPTPP được chính thức thực thi). Thêm vào đó, những lợi ích kỳ vọng trong tương lai (bao gồm cả cam kết quy tắc theo tiêu chuẩn cao trong CPTPP như các bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ…) cũng là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, đối với doanh nghiệp, tác động từ hoàn thiện thể chế là rất đáng kể. Đối chiếu với Quyết định 121/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực thi CPTPP của Chính phủ (liệt kê cụ thể danh mục các văn bản cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thời hạn thực hiện), thì công tác sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản để thực thi các cam kết CPTPP đã hoàn thành về mặt số lượng (tổng cộng có 18 văn bản được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung) nhưng phần lớn đều được ban hành chậm hơn so với yêu cầu của cam kết (từ nửa tháng đến 20 tháng). Đây có thể là một lý do quan trọng khiến lợi ích có được từ CPTPP còn chưa nhanh và nhiều như có thể.

Đáng nói hơn, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP - một hiệp định thương mại tự do khó và phức tạp - còn rất hạn chế. Cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Thật đáng tiếc khi nhiều doanh nghiệp phản hồi là họ không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình (có tới 45% nêu lý do này). Tỷ lệ “không biết” này cao hơn ở các doanh nghiệp dân doanh (53%). Truyền thông rộng và sâu hơn cho khối doanh nghiệp này rõ ràng là vấn đề cần bổ khuyết.

Ngược lại, “hòn đá tảng” cản trở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hưởng lợi từ ưu đãi của Hiệp định lại là “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp… không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ”. Có đến 80% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nêu lý do này. Đòn bẩy cho nhóm này hẳn là linh hoạt hoá chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh.

Đáng lưu ý, việc không hưởng ưu đãi thuế CPTPP của doanh nghiệp FDI lại là sự lựa chọn có chủ ý rõ ràng: họ từ bỏ ưu đãi thuế CPTPP chủ yếu do thuế MFN hoặc thuế theo các FTA tốt hơn CPTPP.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất