, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/01/2018, 07:00

Đơn Dương (Lâm Đồng) giảm nhanh hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GIA KHÁNH
(Báo Lâm Đồng)

Nhờ đầu tư đồng bộ thông qua nhiều chương trình nên số hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số của Đơn Dương đã giảm nhanh trong những năm gần đây. 

 

Một con đường bê tông sạch đẹp ở xã Pró - Đơn Dương.
Một con đường bê tông sạch đẹp ở xã Pró - Đơn Dương.

Nhiều chương trình đầu tư và hỗ trợ 

Với gần 6.150 hộ người dân tộc thiểu số (DTTS), khoảng 33.230 nhân khẩu trên địa bàn, chiếm trên 30% dân số của huyện, Đơn Dương là một trong những huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống đông tại Lâm Đồng. 

Trong tổng số 105 thôn, tổ dân phố của 8 xã và 2 thị trấn của Đơn Dương hiện nay, có 35 thôn có đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là các tộc người Chu Ru, K’Ho, Cil. Tuy nhiên, cũng có các DTTS khác từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp như người Raglay, Tày, Nùng...

Nổi bật trong những chương trình triển khai hiệu quả trong vùng DTTS ở Đơn Dương những năm gần đây chính là Chương trình 135 - giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. 

Trong giai đoạn 2016 - 2019, đã có trên 14,6 tỷ đồng từ Chương trình 135 đầu tư vào vùng DTTS của huyện, trong đó có trên 11,1 tỷ đồng, xây dựng 44 công trình tại 14 thôn đặc biệt khó khăn, bao gồm 39 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình duy tu bảo dưỡng đường giao thông. 

Cũng từ nguồn vốn Chương trình 135 nêu trên, huyện hỗ trợ 538 triệu đồng cho người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các thôn DTTS khó khăn; sửa chữa lại 3 con đường giao thông nông thôn trong vùng DTTS hết 579 triệu đồng. Đồng thời đầu tư phát triển sản xuất cho 14 thôn DTTS khó khăn trong huyện với 188 hộ thụ hưởng (gồm 135 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo) trên 2,4 tỷ đồng, gồm hỗ trợ phân bón, máy nông nghiệp, nông cụ phục vụ sản xuất.

Huyện cũng đầu tư 556 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 185 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, chủ yếu là hỗ trợ máy móc nông cụ để các gia đình này làm dịch vụ sản xuất. Bên cạnh Chương trình 135, Đơn Dương cũng dùng 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư cho 350 hộ nghèo DTTS trong huyện các năm gần đây, mỗi hộ đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng để đầu tư sản xuất, phát triển sinh kế.

Cùng đó, Đơn Dương cũng đẩy mạnh chính sách tín dụng ưu đãi thông qua việc phối hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các cơ quan đơn vị, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo trong huyện phát triển sản xuất, cho sinh viên vay vốn để học tập trong đó có các hộ đồng bào DTTS. Thống kê trong giai đoạn 2016 - 2019, nguồn vốn vay ưu đãi đã cho vay với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng. 

Huyện cũng đã cấp 115.521 thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định cho người nghèo, người cận nghèo, người DTTS, cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền xã, thị trấn và Bưu điện huyện hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho 3.113 hộ nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ 49 nghìn đồng/ tháng, với tổng số tiền hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng.

Giảm nhanh hộ nghèo 

Như đánh giá của UBND huyện Đơn Dương, với những chương trình triển khai đồng bộ trên địa bàn, đời sống vùng đồng bào DTTS cũng như bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Đơn Dương đã khởi sắc rõ rệt. Không chỉ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, môi trường nông thôn được cải thiện; mặt bằng dân trí cũng được nâng cao; hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động tốt, chương trình xóa nhà tạm phát huy hiệu quả… 

Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho người dân trong vùng DTTS, hướng người dân ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, nên thu nhập người DTTS tăng dần lên.

Đến nay, rất nhiều hộ dân đồng bào DTTS trong huyện đã chuyển diện tích đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn; nhiều hộ làm nhà kính, nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt. Trong chăn nuôi, phần lớn người DTTS đã cải tạo đàn bò cỏ của mình trước đây, nuôi bò lai; đã có 30 hộ DTTS tiên phong trong chăn nuôi bò sữa, biết áp dụng máy móc, nông cụ vào chăn nuôi nên làm giàu rất nhanh.

Nhờ thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi vật nuôi cây trồng nên số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trong huyện đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây. 

Hiện nay, toàn huyện Đơn Dương chỉ còn 233 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,99% dân số, trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS chỉ còn 119 hộ, chiếm 1,85%; còn hộ cận nghèo còn 787 hộ, chiếm tỷ lệ 3,33%; trong đó, hộ đồng bào DTTS còn 353 hộ, chiếm 5,5%.

Tất nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn trong công tác giảm nghèo trong vùng DTTS ở Đơn Dương. Như huyện chỉ ra, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS vẫn còn cao so với mặt bằng chung toàn huyện; kết quả giảm nghèo tuy giảm khá nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, có nguy cơ tái nghèo; kết cấu hạ tầng một số thôn vùng DTTS đặc biệt khó khăn còn chưa đồng bộ; một số nơi đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; không ít gia đình đồng bào DTTS còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Chính vì vậy, UBND huyện Đơn Dương kiến nghị Nhà nước nên tiếp tục duy trì các chương trình, chính sách đối với các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn và hộ nghèo trong vùng DTTS; tiếp tục đầu tư vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội.

Với tỉnh, huyện cũng kiến nghị tiếp tục hỗ trợ địa phương nhân rộng các mô hình giảm nghèo trong vùng DTTS trên địa bàn huyện, coi đây là một cách làm “mắt thấy tai nghe” hiệu quả trong cộng đồng; đồng thời nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, điều chỉnh mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất