, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 17/04/2023, 08:24

Đồng bộ kỹ thuật canh tác là yếu tố quyết định

KIM ANH - VĂN VŨ
(nongnghiep.vn)
Cơ giới hóa gieo sạ chính xác, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa tạo nhiều tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính cho ĐBSCL.

Giảm đầu vào, tăng đầu ra

Với mục tiêu giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu (BĐKH), trên chặng đường 50 năm phát triển nhân lực và công nghệ, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) luôn song hành với Bộ NN&PTNT đưa các công nghệ cơ giới hóa hỗ trợ sản xuất lúa bền vững, đáp ứng các tiêu chí giảm đầu vào, giảm thất thoát, tăng thu nhập từ việc gia tăng giá trị lúa gạo, rơm rạ thông qua việc canh tác giảm phát thải.

Ảnh 1
Máy sạ cụm được cải tiến phù hợp nền đất vùng ĐBSCL, chứng minh được hiệu quả giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Mới đây nhất, đơn vị cũng phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức một chuỗi các hoạt động hội thảo tham vấn về giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp; giới thiệu các giải pháp nông nghiệp số trong lĩnh vực trồng trọt; hội nghị quốc tế về nông nghiệp xuất sắc thích ứng với BĐKH như các mô hình canh tác chính xác, cơ giới hóa, quản lý rơm rạ bền vững, hệ thống giám sát báo cáo và đánh giá MRV. Đặc biệt là hoạt động trình diễn thực địa về cơ giới hóa gieo sạ chính xác.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia khoa học cao cấp, Trưởng ban Cơ giới hóa và Sau thu hoạch của IRRI nhấn mạnh, hiện nay một trong những trở ngại, tồn tại trong sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL là mật độ gieo sạ cao trên 100 kg/ha, dẫn đến tốn kém nhiều chi phí đầu tư phân bón và gia tăng rủi ro dịch bệnh. Hơn nữa với phương pháp sạ lan truyền thống, khiến lúa dễ bị đổ ngã và thất thoát khi thu hoạch là không thể tránh khỏi.

Giải pháp khả thi và đáp ứng các yêu cầu trên là sử dụng các công nghệ sạ nhanh, chính xác, kết hợp thực hành tốt quản lý mùa vụ như 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa gạo bền vững… Thời gian qua, IRRI đã kết hợp với nhiều doanh nghiệp cơ giới hóa trong và ngoài nước, chuẩn hóa bước đầu tiên trong chuỗi sản xuất lúa ở khâu xuống giống. Một loạt máy móc cơ giới hóa gieo sạ chính xác được đưa xuống thử nghiệm và có nhiều cải tiến phù hợp với thực tế đồng ruộng ở khắp các cánh đồng vùng ĐBSCL. Các thiết bị cơ giới hóa góp phần thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ chính xác, gia tăng hiệu quả canh tác. Quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ở ĐBSCL.

Ảnh 2
Chuyên gia ước tính, mỗi kilogam lúa sản xuất theo phương pháp cơ giới hóa gieo sạ chính xác có thể giảm trên 10% phát thải khí nhà kính. Ảnh: Kim Anh.

Ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, hiện nay bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khá cao. Những hiệu quả máy sạ cụm mang đến sẽ góp phần kéo giảm giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đây là tiêu chí quan trọng nhất để máy sạ cụm nhận được sự đón nhận của nông dân.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đồng thời ước tính, mỗi kg lúa sản xuất theo phương pháp cơ giới hóa gieo sạ chính xác có thể giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, không chỉ giảm đầu vào, nông dân còn tăng được đầu ra, năng suất đồng đều. Kết quả đó sẽ chứng minh việc chuyển đổi canh tác đã phát huy hiệu quả, chính xác và chất lượng hơn.

1 triệu ha lúa chất lượng cao giúp giảm trên 11,5 triệu tấn CO2e

Theo các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, bài học từ dự án VnSAT cho thấy việc áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong canh tác lúa có thể tăng năng suất lên 5%, tăng 28,6% lợi nhuận ròng và giảm phát thải khí nhà kính ở mức khoảng 8 tấn CO2e/ha/năm.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở vùng ĐBSCL của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tiềm năng vùng có thể giảm 12 - 23 tấn CO2e bằng việc thúc đẩy canh tác thích ứng BĐKH (CSA) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Ảnh 3
Bài học từ dự án VnSAT cho thấy việc áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong canh tác lúa có thể tăng năng suất lên 5%, tăng 28,6% lợi nhuận ròng và giảm phát thải khí nhà kính ở mức khoảng 8 tấn CO2e/ha/năm. Ảnh: Kim Anh.

Đó là cơ sở để Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa đến năm 2025. Và tiến đến đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vào năm 2030, được cụ thể hóa trong dự thảo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và 40% vào 2030. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trên 20% vào năm 2030. Để đảm bảo tiêu chí tăng trưởng xanh, nông dân trồng lúa phải đảm bảo một số yếu tố về kỹ thuật như không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục cho phép; tăng sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón có nguồn gốc sinh học; áp dụng phổ biến các kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, rơm rạ được di chuyển khỏi đồng ruộng để tái sử dụng, chế biến và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón; sử dụng các giống lúa chịu mặn, kháng sâu bệnh…

Theo ước tính sơ bộ từ Bộ NN&PTNT, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đến năm 2030 là trên 11,5 triệu tấn CO2e theo dự án VnSAT và áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm.

Ảnh 4
Bảng thống kê tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL từ năm 2024 đến năm 2030. Ảnh: Văn Vũ.

Để đảm bảo sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra nhiều biện pháp canh tác giảm phát thải đã được chứng minh hiệu quả từ thực tiễn triển khai thời gian qua tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Bao gồm rút nước phơi ruộng, bón phân hữu cơ, vùi rơm rạ đã xử lý, bón phân đạm vừa đủ nhu cầu của cây, bón đúng cách.

Bên cạnh quy trình canh tác, dự thảo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao cũng đưa ra một một số giải pháp công nghệ và hoạt động cơ giới hóa để hỗ trợ sản xuất lúa như kỹ thuật san phẳng mặt ruộng điều khiển laser để cải tạo đất nhằm tối ưu hóa việc quản lý nước và cây trồng; cơ giới hóa gieo sạ chính xác; quản lý thu hoạch và sau thu hoạch đáp ứng nhu cầu thu hoạch đồng loạt để giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch và vận chuyển; quản lý rơm rạ bền vững, đặc biệt là không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo giảm phát thải...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất