, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 23/03/2022, 13:25

Đồng Nai, những địa chỉ xanh

CẨM HÀ
Nhắc đến Đồng Nai, người ta thường nghĩ ngay đến các khu công nghiệp rộn ràng tiếng máy, tấp nập công nhân. Nhưng thật ra còn có một Đồng Nai khác - một Đồng Nai xanh không chỉ vì “viên ngọc xanh” - Vườn quốc gia Cát Tiên - mà còn có những khu rừng cổ thụ hay vườn cây xanh mướt làm vốn quý cho phát triển du lịch kết hợp nông - lâm nghiệp.

Rừng giá tỵ cổ thụ

Trải dài trên địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán, rừng cây giá tỵ (gỗ tếch) có diện tích gần 150ha này được ghi nhận là rừng cây giá tỵ lớn nhất cả nước hiện nay. Những người khởi xướng trồng rừng cây này đã khéo chọn một vị trí đặc biệt, với quốc lộ 20 băng ngang và 2 thị trấn án ngữ 2 đầu. 

Rừng giá tỵ này được trồng từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước với mục đích lấy gỗ làm báng súng và tạo rừng cây tự nhiên trên vùng đất đá sỏi. Sau năm 1975, nhiều người dân ở các tỉnh và TP Biên Hòa về đây định cư, khai hoang đất trồng trọt và chăn nuôi, nên diện tích rừng giá tỵ giảm đáng kể. May mắn, nhờ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ hệ đa dạng sinh học, trong đó có rừng cây giá tỵ (nằm trong hệ thống rừng phòng hộ Tân Phú) nên rừng cây đã dần dần phát triển trở lại. Tuy là rừng, nhưng có đường quốc lộ băng ngang, việc đi lại tiện lợi, nên người dân trồng cây ăn quả, làm vườn ngay sau cánh rừng, tạo nên mô hình “rừng trong phố, phố xen rừng” rất thú vị. 

Gỗ giá tỵ khô có màu vàng sẫm, mùi thơm mát, chắc và nhẹ, không bị mối mọt và lâu mục nát nên thường được ưu tiên dùng đóng tàu biển và làm báng súng trong công nghiệp quân sự. Theo những người sành sỏi, mỗi cây giá tỵ 10 năm tuổi có giá khoảng 3 triệu đồng. Cây 15 tuổi sẽ có giá gấp 3 lần và nếu đủ tuổi khai thác (20 năm) có thể lên tới khoảng 30 triệu đồng/cây hoặc 20 triệu đồng/m3 gỗ. 

Không chỉ thế, lá cây giá tỵ phiến lớn, dùng để làm phân bón hữu cơ rất tốt. Từ tháng 1 đến 4 dương lịch là mùa giá tỵ rụng lá, đem lại nguồn thu đáng kể cho vài chục đến hàng trăm người dân vào nhặt lá khô bán cho các cơ sở thu mua. Vài năm trở lại đây, có đơn vị thầu mua lá khô nguyên cả rừng, nên người dân có thể nhặt lá thuê; người chăm chỉ có thể kiếm khoảng 200.000 đồng mỗi ngày, vừa giảm nguy cơ cháy rừng vừa có thêm thu nhập.

Đặc biệt, khi rừng giá tỵ rụng hết lá, cảnh tượng rất… điện ảnh, thu hút nhiều đoàn học sinh, sinh viên, khách du lịch, thậm chí cả các đoàn làm phim đến tham quan, ghi lại những bức hình, những thước phim ấn tượng. Tháng 5, tháng 6 rừng có một vẻ đẹp khác. Giá tỵ trổ bông vàng, thơm mát. Rừng trỗi lên những khúc nhạc ve và tiếng chim ríu ran gọi bầy. 

Cây mai vàng.

Chứng nhân lịch sử

Cũng ở Định Quán, không thể không nhắc đến thác Mai - rừng Gia Canh. Không chỉ hấp dẫn du khách vì có bàu Nước Nóng (có khi còn được gọi là bàu Nước Sôi) và ngọn thác Mai rất đẹp, nơi đây còn là rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật đa dạng và nhiều cây di sản: cây tùng đại thụ ngàn năm tuổi với bộ rễ khổng lồ; cây bằng lăng cổ trên cùng một gốc có tới 5 ngọn; cây gõ hơn 700 năm tuổi cao gần 40m… 

Vài năm nay, khách du lịch trên cung đường này không thể bỏ qua gốc lão mai vàng chói lọi một khoảng sân mỗi độ xuân về ở thị trấn Tân Phú. Tuy chưa được chủ nhân giới thiệu cặn kẽ như cây mai ở thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, có tuổi đời 57 năm), nhưng đoạn clip về gốc mai này đăng trên Youtube xuân 2022 chỉ 3 ngày đã có trên 9 triệu lượt xem. Người dân trong vùng nói cây ước đã 70 năm tuổi. Vườn còn có nhiều cây khác cũng rất đẹp, dù “trẻ” hơn.

Trên đường xuôi về TP Biên Hòa, còn một “địa chỉ xanh” khác: vườn dầu tại đình Phước Tân (thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa). Ông Bùi Văn Bé, một cụ cao niên ở Phước Tân cho biết, khu vực này còn tới hơn 120 cây cổ thụ, phần lớn là cây dầu, ngoài ra còn có sao, bằng lăng đều có tuổi đời từ 50 đến trên 100 năm. Theo ông, từ thuở đình còn là vùng đất hoang sơ cho đến khi nhà cửa mọc lên san sát, chưa khi nào xảy ra chuyện cây gãy đổ gây tai nạn. Thậm chí, nhiều lần lũ lụt xảy ra, nhưng người dân sinh sống quanh đình vẫn bình yên, như thể được Thành Hoàng che chở. 

Đình Phước Tân được xây dựng khoảng năm 1910, cột, kèo, đòn tay, vách cửa... được tận dụng từ những cây sao, cây bằng lăng già cỗi trong khu rừng. Trải qua những thăng trầm lịch sử, có thời kỳ đình bị phá đi, rồi dựng lại, nhưng rừng cây thì vẫn tồn tại, trở thành chứng nhân cho bao đổi thay của vùng đất này. Từ rất lâu trước khi Chi cục Kiểm lâm TP Biên Hòa quan tâm và đánh số thứ tự để quản lý, theo dõi, rừng cây cổ thụ ở quanh đình đã được người dân trong vùng chăm sóc, giữ gìn một cách cẩn thận. 

Dư vị ngọt ngào 

Không có sự cổ kính, uy nghi và bề dày văn hóa lịch sử như những “cụ” cây kể trên, những vườn ca cao ở Đồng Nai lại có nét duyên riêng. Ở Thế giới Cacao của Công ty TNHH Cacao Trọng Đức (huyện Định Quán), nơi trồng tập trung nhiều ca cao nhất xứ Đồng Nai, những cây ca cao vào mùa trĩu quả nom rất đẹp mắt. Trái lớn, hình thoi, nom từa tựa trái bông gòn, mọc chi chít từ gốc cho tới ngọn với đủ màu xanh, vàng, đỏ tía…

Trái ca cao.

Ngoài việc tham quan vườn, tìm hiểu quy trình sản xuất, bạn còn có thể thưởng thức tại chỗ những món ngon từ trái ca cao tươi. Bổ một trái ca cao chín ra, bên trong lớp vỏ dày là những hạt ca cao được bọc bên ngoài bằng lớp cùi trắng ngần tương tự như trái mãng cầu, chua chua ngọt ngọt. Đem lớp cùi này dằm sữa đá hay xay sinh tố là có món giải khát thật khoái khẩu, dù… chẳng có mùi ca cao chi cả! Ấy là bởi vì mùi vị thơm béo đặc trưng của ca cao đến từ hạt và phải chế biến qua rất nhiều công đoạn - một câu chuyện dài khác…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất