, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/09/2021, 20:38

Đồng Nai xây dựng Nông thôn mới trong lòng đô thị

PHAN ANH – HOÀNG LỘC
(Quân đội Nhân dân)
Huyện Trảng Bom là địa phương duy nhất được tỉnh Đồng Nai chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn 2020-2025. Để thực hiện mục tiêu đó, địa phương đã và đang ưu tiên các nguồn lực từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở theo tiêu chí thị xã; quy hoạch các vùng sản xuất công, nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất.

Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp

Trảng Bom từ lâu là huyện nông nghiệp của tỉnh. Những năm 2000 trở lại đây, huyện đã hình thành và phát triển thêm nhiều khu, cụm công nghiệp quy mô lớn. Kéo theo đó là sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế ngành nghề, lao động của huyện. Theo quy hoạch, đến năm 2025, huyện Trảng Bom cơ bản trở thành thị xã với quy mô diện tích toàn huyện.

Hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển tại huyện Trảng Bom.

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, từ giữa năm 2020, huyện đã lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Trảng Bom đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; lập đồ án quy hoạch chung thị trấn Trảng Bom và vùng phụ cận đến năm 2040. Cùng với đó, địa phương lập đề án đề nghị công nhận thị trấn Trảng Bom mở rộng (phạm vi toàn huyện Trảng Bom) đạt tiêu chí đô thị loại 4; các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Huyện lập danh mục kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cần thực hiện, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đối nội và đối ngoại. Tại các khu vực nông thôn hiện hữu, tùy theo nguồn thu ngân sách hằng năm và khai thác các nguồn vốn khác, huyện xây dựng kế hoạch đầu tư và nâng cấp đường, làm hệ thống thoát nước và đầu tư hệ thống cấp nước sạch ở một số xã. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các xã nông thôn mới nâng cao hướng đến chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, huyện phát triển đa dạng các loại nhà ở, đặc biệt nhà ở tại các xã đáp ứng nhu cầu cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp.

Huyện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo quy mô cánh đồng lớn như: Ca cao xã Trung Hòa;điều cao sản An Viễn; chuối cấy mô ở các xã Thanh Bình, Cây Gáo, Sông Thao; chăn nuôi gia cầm ở xã Cây Gáo, Thanh Bình… tại các vùng quy hoạch, mô hình chăn nuôi sinh học, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai. Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn cho biết, để duy trì chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX đã phát triển vùng sản xuất ca cao xen điều quy mô khoảng 500ha. Sản phẩm ca cao được Công ty TNHH Bamboo Agriculture ký hợp đồng thu mua với giá 6.200 đồng/kg; trong đó, nông dân thực nhận 6.000 đồng, 200 đồng bớt lại trang trải các chi phí như hội thảo, liên hoan tổng kết năm. Đối với điều, HTX thu mua và ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty ở huyện Long Thành với giá sàn 18.000 đồng/kg. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, hệ thống điện và tưới nước tiết kiệm được tỉnh, huyện hỗ trợ.

Phát triển hạ tầng đồng bộ

Trảng Bom là một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh tại Đồng Nai. Sự phát triển công nghiệp tạo nhiều lợi thế về kinh tế, xã hội, việc làm nhưng cũng kéo theo nhiều áp lực về đường sá, nhà ở, dịch vụ và môi trường. Cùng với đó là sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Do đó, ưu tiên của huyện là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với quy hoạch đô thị và tập trung nguồn lực cho hạ tầng cơ sở.

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho rằng, thời gian qua, huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch. Tại đô thị, đường giao thông, điện sinh hoạt và chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Vốn ngân sách được ưu tiên cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương có hạn trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn rất lớn nên việc triển khai còn gặp khó khăn. Cùng với đó, sự gia tăng dân số quá nhanh đã gây áp lực không nhỏ đến đầu tư các công trình cấp thiết như: đường, trường học, nhà ở.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội để giảm áp lực đầu tư. Đồng thời, phát triển quỹ đất lợi thế từ các dự án mới của huyện, dự án của tỉnh và Trung ương trên địa bàn để kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng. Hoàn thiện hồ sơ để sớm triển khai các tuyến đường: Trảng Bom - Thanh Bình, Bắc Sơn - Bình Minh - Sông Trầu, Sông Thao - Bàu Hàm, đường 30-4. Huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến đường: Vành đai 4, vành đai TP Biên Hòa, Trảng Bom - Xuân Lộc, Bắc Sơn - Long Thành để đảm bảo đồng bộ kết nối giữa các địa phương trong và ngoài huyện.

Trong năm 2021, huyện đặt mục tiêu có thêm 4 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn kiểu mẫu. Phấn đấu đến 100% xã của huyện đều đạt nông thôn mới nâng cao và huyện Trảng Bom cơ bản đạt các tiêu chí thị xã. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng, huyện Trảng Bom đã được chọn thí điểm để xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị vì địa phương có lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Do đó, địa phương cần tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Ưu tiên đầu tư: trường học, giao thông, văn hóa, môi trường; các mô hình sản xuất nông nghiệp cần triển khai đồng bộ, bài bản theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất